Friday, November 1, 2024

Vu Lan – mùa lễ của lòng hiếu nghĩa, nét đẹp văn hóa của người Việt

Vu Lan bắt nguồn từ sự tích về bậc đại hiếu Mục Kiền Liên Bồ tát nhờ hợp lực của chư tăng khắp mười phương để cứu mẹ mình ra khỏi kiếp ngạ quỷ.

Vì vậy, đây là dịp để hướng mỗi người trở về với cội nguồn dân tộc, về với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, nhắc nhở bổn phận làm con phải luôn nhớ đến công ơn sinh dưỡng của cha mẹ mà làm những việc hiếu nghĩa và được Phật giáo coi là ngày lễ quan trọng trong tháng bảy Âm lịch hằng năm.         

Năm nay, lễ Vu Lan 2022 là ngày 12/8/2022 Dương lịch.

Lễ Vu Lan báo hiếu

Lễ Vu Lan xuất phát từ sự tích Bồ tát Mục Kiền Liên (một trong những đại đệ tử của Phật Thích Ca Mâu Ni) đã cứu mẹ mình ra khỏi kiếp ngạ quỷ (quỷ đói) nhờ tấm lòng hiếu thảo của mình. Ngài Mục Kiền Liên đã dùng tấm lòng thành của mình và thực hiện việc cúng dường Tam bảo, thánh tăng khắp mười phương vào đúng ngày Rằm tháng bảy, nhờ công đức đó, mẹ của ngài đã được giải thoát.

Vu Lan - mùa lễ của lòng hiếu nghĩa, nét đẹp văn hóa của người ViệtĐại Lễ Vu Lan năm Tân Sửu (Rằm tháng 7 Âm lịch – ngày 22/8/2021). Ảnh: Anh Tuấn – TTXVN

Đức Phật chỉ dạy, chúng sinh ai muốn báo hiếu cho cha mẹ thì cũng có thể dùng cách này vào ngày Rằm tháng bảy. Kể từ đó, lễ Vu Lan (hay còn gọi là Pháp Vu Lan Bồn) ra đời để những người con có dịp đền đáp công ơn của các đấng sinh thành hiện còn hoặc đã qua đời, cũng là để cứu vớt chúng sanh muôn loài.         

Theo “Đại Việt sử ký toàn thư”, lễ Vu Lan được du nhập vào Việt Nam từ năm 1072.       

Đối với người Việt Nam, lòng hiếu thảo vốn in sâu đậm trong tâm hồn, nên tinh thần Vu Lan báo hiếu cũng như đạo Phật rất dễ hòa nhập vào phong tục tập quán của người dân. Vu Lan không chỉ là nghi lễ riêng của Phật giáo, ngày lễ lớn đối với những người con Phật mà còn đi vào truyền thống đạo đức, trở thành một nét văn hóa đẹp, thấm sâu trong tâm thức của hàng triệu triệu người con Việt.       

Theo Thượng tọa Thích Minh Quang, Phó Chánh văn phòng Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó trụ trì chùa Tam Chúc, đại lễ Vu Lan có thể tổ chức vào các ngày trong tháng bảy Âm lịch, chính lễ vào Rằm tháng bảy. Nội dung gồm: Tụng kinh-sám Vu Lan, kinh báo hiếu phụ mẫu, kinh Mục Liên sám pháp, kinh A Di Đà…; lễ cầu siêu cho anh linh anh hùng liệt sỹ, tổ tiên trong gia đình; pháp thoại thuyết giảng ý nghĩa Vu Lan báo hiếu; nghi thức “Bông hồng cài áo” tri ân công đức sinh thành của cha mẹ; nghi thức thắp nến tri ân và truyền hoa đăng tưởng niệm anh linh anh hùng liệt sỹ và cửu huyền thất tổ; chương trình nghệ thuật về công cha nghĩa mẹ…

Vu Lan - mùa lễ của lòng hiếu nghĩa, nét đẹp văn hóa của người ViệtĐọc kinh trong Đại Lễ Vu Lan năm Tân Sửu (Rằm tháng 7 Âm lịch – ngày 22/8/2021). Ảnh: Anh Tuấn – TTXVN

Mùa lễ của lòng hiếu nghĩa

Với truyền thống văn hóa hiếu nghĩa, “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc và tín ngưỡng tâm linh thờ cúng tổ tiên của người Việt Nam, ngày lễ Vu Lan của Đạo Phật đã hòa quyện với triết lý, tục thờ cúng ngày Rằm tháng bảy âm lịch (xá tội vong nhân) hình thành lễ hội Vu Lan báo hiếu.    

Chia sẻ những giá trị tinh thần cao đẹp của lễ Vu Lan – báo hiếu, Thượng tọa Thích Minh Quang cho biết: theo quan điểm của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Vu Lan là dịp để chúng ta nghĩ đến “tứ đại ân” nghĩa là ơn cha mẹ, ơn quốc gia, ơn thầy bạn và ơn xã hội. Trước hết, mỗi người cần thực hành và khắc sâu hạnh nguyện báo hiếu với cha mẹ, ông bà, tổ tiên.

Đối với ơn quốc gia, chúng ta hãy tri ân các anh hùng dân tộc đã hy sinh, hãy là những người công dân tốt. Ơn thầy bạn là sự trân trọng những người dạy dỗ, truyền thụ kiến thức, đạo đức cho chúng ta trong cuộc sống. Ơn xã hội là biết ơn mọi người, mọi tầng lớp trong xã hội, chẳng hạn như trong thời gian chống dịch COVID-19 vừa qua, đã có biết bao bác sỹ, chiến sỹ tuyến đầu vất vả ngày đêm. Chúng ta cần tri ân họ sâu sắc.       

Để giữ gìn nét đẹp Vu Lan, người dân không nên đốt vàng mã, nên thực hiện các việc làm từ thiện thiết thực cứu giúp người nghèo khổ để chuyển hóa thành nghiệp thiện lành báo hiếu tổ tiên và cha mẹ; thực hiện tốt công tác phòng chống dịch COVID-19, Thượng tọa Thích Minh Quang nhấn mạnh.   

Lễ vật có thể không nhiều, chỉ cần chuẩn bị được 6 thứ: Hương (trầm), hoa, đăng (đèn, nến), trà, quả, thực (xôi, chè, bánh hoặc mâm cơm chay, mặn). Ngoài ra nếu điều kiện cho phép, người dân đi chợ, có thể mua cá, ốc, lươn, trạch… mang ra chỗ nước sạch để thả.                

Ngọc Lan/TTXVN

Related Articles

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Stay Connected

863FansLike
44FollowersFollow
0SubscribersSubscribe

BÀI MỚI

Xem nhiều

Phản biện - Luận bàn

ĐỐI TƯỢNG