Ngày 25/4/2021 mới rồi, tàu đổ bộ trực thăng Tonnerre của Hải quân Pháp trên hải trình ngang qua Vịnh Cam Ranh của Việt Nam đã dừng lại tại một địa điểm trên biển và tất cả sĩ quan cùng thủy thủ của tàu đã thực hiện những nghi lễ theo tập quán của hải quân để tưởng niệm những đồng đội của mình nằm dưới biển sâu trong một tại nạn xảy ra 82 năm về trước.
Đó là nơi ngày 15/6/1939, tàu ngầm Phénix của Hải quân Pháp bị đắm trong một cuộc tập trận mà lý do đến nay vẫn chưa sáng tỏ.
Ngày 4/11/1938, 2 tàu ngầm của Hải quân Pháp rời Cảng Toulon lên đường tới vùng Viễn Đông và cập Cảng Sài Gòn ngày 16/12/1938.
Tàu Phénix được coi là tàu ngầm hiện đại đương thời
Vào thời điểm đó, Chiến tranh Thế giới chưa bùng nổ, nhưng không khi chiến tranh đã khiến nước Pháp phải tăng cường quan tâm đến các thuộc địa. 2 tàu ngầm mang tên Phénix (Phượng hoàng) và Espoir (Hy vọng) đều thuộc loại tàu ngầm tuần tra 1.500 tấn, thuộc lớp Pascal được điều đến Đông Dương.
Phénix mang số hiệu Q157 được hạ thủy ngày 12/4/1930 tại Nantes, đưa vào biên chế ngày 21/10/1932, có chiều dài 92m, rộng 8m có thể đạt tốc độ 17 hải lý/giờ, lặn tới độ sâu 80m, thuộc loại tàu lớn và tiên tiến của Hải quân Pháp đương thời. Đến tháng 6/1939, tức là 3 tháng trước khi chiến tranh bùng nổ ở châu Âu (1/9/1939), cả 2 chiếc tàu ngầm này đều đã có mặt tại Vịnh Cam Ranh, nơi có một quân cảng quan trọng của Pháp để tiến hành huấn luyện.
Tàu Phénix thời điểm trước ngày lâm nạn
Thảm họa diễn ra với con tàu này xảy ra vào sáng ngày 15/6/1939 khi nó cùng tàu Espoir thực hiện bài diễn tập tấn công hạm thuyền của “đối phương” (do Tuần dương hạm Lamotte Piquet chỉ huy) trên Vịnh. Tàu Phénix trong một lần lặn xuống đã không thấy nổi lên. Nó đã bị đắm cách Hòn Chút 12 hải lý, ở độ sâu 92m. Mọi nỗ lực cứu hộ và trục vớt đều không thành công kể cả có sự hỗ trợ của tàu chuyên dụng USS Pigeon thuộc Hạm đội Châu Á của Mỹ được điều đến. Toàn bộ đoàn thủy thủ gồm 71 người trên tàu trong đó có cả thuyền trưởng Bouchacourt đều chết, chỉ có 2 thủy thủ may mắn sống sót vì lý do riêng đã không tham gia cuộc diễn tập.
Các thủy thủ tàu Tonnerre đang thực hiện những nghi lễ tưởng niệm
Báo Sài Gòn ngày 27/7/1939 đưa tin một đoàn đại biểu Hội đồng Quản hạt Nam Kỳ đã ra Cam Ranh để “làm lễ truy điệu những người An Nam tử nạn trong vụ này”. Tuy nhiên trong danh sách được công bố trên trang web tưởng niệm của Hải quân Pháp thì không có tên người Việt nào cả.
Vào thời điểm này, giới hải quân quốc tế cũng đang có nhiều nghi ngại khi xảy ra liên tiếp 2 vụ đắm tàu ngầm (tàu Spualus của Mỹ xảy ra ngày 23/5/1939 và tàu Thétis của Anh xảy ra ngày 1/6/1939). Tuy nhiên, nguyên nhân đắm tàu của Hải quân Pháp tại Cam Ranh trước khi Thế chiến II bùng nổ ở châu Âu đến nay vẫn còn là một ẩn số với nhiều giả thiết khác nhau.
Hải trình của Phénix còn cho biết từ 5/4/1939 chiếc tàu ngầm này đã vào Vịnh Bắc Bộ, đoàn thủy thủ tham quan Vịnh Hạ Long, thành phố Hải Phòng, Hà Nội sau đó vào Sài Gòn rồi lên nghỉ ở Đà Lạt trược khi hành quân ra Cam Ranh.
Phần lớn ảnh của Phénix có trong website của Tuần dương hạm Lamotte Piquet, thuở đó được coi là soái hạm của Hải quân Pháp ở Đông Dương và trực tiếp tham gia tập trận với chiếc tàu ngầm xấu số này (http://www.croiseur-lamotte picquet.fr/index.php?page=phoenix) và một số trang mạng của Hải quân Pháp.
Mũi tàu Phénix, thời kỳ tàu đang hoàn thiện
Phù hiệu hình phượng hoàng của tàu Phénix
Tàu ngầm Phénix cùng các tàu của hải quân Pháp ở Cam Ranh
2 tàu ngầm Phénix và Espoir cùng Khu trục hạm La Motte Piquet trên Vịnh Cam Ranh
Tàu cứu hộ USS Pigeon của Hải quân Mỹ
Báo Pháp đưa tin và địa điểm tàu gặp nạn
(Còn tiếp)
QXN
Tài liệu tham khảo:
– “L’Ouest Éclaire”, Paris 18/6/1939
– SG-Chợ Lớn, đời sống xã hội và chính trị…, sđd, tr.460
– “Tràng An”, số 430, ngày 23/6/1939, tr.1; Flickr Mạnh Hải