Trang Diplomat vừa qua đã có bài viết cho rằng, từ các cuộc gặp cấp cao Mỹ – Trung diễn ra liên tiếp thời gian gần đây, liệu quan hệ hai bên sắp ấm lại sau thời gian dài lạnh nhạt?
Đằng sau việc Mỹ – Trung tăng gặp cấp cao
Theo đó, sau thời gian khá dài thưa thớt trong liên lạc thì Mỹ và Trung Quốc gần đây có nhiều cuộc gặp và liên lạc cấp cao.
Trước cuộc gặp của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị có cuộc gặp kéo dài 5 tiếng đồng hồ bên lề Hội nghị bộ trưởng G20 ở Bali (Indonesia), các quan chức Mỹ nói rằng sự kiện này được sắp xếp nhằm mục đích giữ cho mối quan hệ khó khăn giữa Mỹ và Trung Quốc ổn định, ngăn chặn nguy cơ xảy ra xung đột. Ngày 10/7, Ngoại trưởng Antony Blinken cho biết có khả năng Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ nói chuyện với nhau trong vài tuần tới.
Theo thông cáo của Lầu Năm Góc, trong cuộc điện đàm ngày 7/7, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ – tướng Mark Milley và Tham mưu trưởng Bộ Tham mưu liên hợp Quân ủy Trung ương Lý Tác Thànhh đã nhấn mạnh sự cần thiết phải “quản lý cạnh tranh một cách có trách nhiệm duy trì các đường dây liên lạc cởi mở”.
Trước đó, ngày 10/6, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin gặp Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa tại sự kiện Đối thoại Shangri-La ở Singapore. Ngày 13-6, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác ngoại sự Trung ương Trung Quốc Dương Khiết Trì gặp cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan ở Luxembourg.
Theo Diplomat, các cuộc gặp là dấu hiệu mới nhất cho thấy các nhà lãnh đạo của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang cố gắng giữ thông tin liên lạc cấp cao dù căng thẳng có đang âm ỉ. Mặc dù là đối thủ chiến lược chính, hai nền kinh tế hàng đầu thế giới vẫn là đối tác thương mại lớn của nhau.
Liệu quan hệ Mỹ – Trung sẽ “gương vỡ lại lành”?
Từ các cuộc gặp cấp cao vừa rồi và khả năng Tổng thống Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình sắp liên lạc giúp quan hệ Mỹ – Trung trở nên gần gũi, ấm áp hơn. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng không đơn giản vì giữa hai bên còn nhiều điểm nóng bất đồng, nổi lên như Đài Loan, nam Thái Bình Dương.
Tại kỳ Đối thoại Shangri-La, ông Austin nói rằng Mỹ đã quan sát thấy “sự gia tăng liên tục các hoạt động quân sự khiêu khích và gây bất ổn gần Đài Loan”. Theo Bloomberg thì sự lo ngại ở phía Mỹ đang tăng từ việc những tháng gần đây, giới chức quân sự Trung Quốc khẳng định rằng eo biển Đài Loan không phải là vùng biển quốc tế.
Đang có nhiều ý kiến rằng Mỹ sẽ bỏ lập trường mơ hồ chiến lược về Đài Loan, sau phát ngôn ngày 23/5 của ông Biden tại Nhật rằng Mỹ sẽ dùng vũ lực bảo vệ Đài Loan nếu Trung Quốc quyết định tấn công lãnh thổ này.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết trong cuộc điện đàm với ông Milley, ông Lý nhắc lại lời kêu gọi Mỹ ngừng quan hệ quân sự với Đài Loan và “tránh những cú sốc cho quan hệ Trung – Mỹ và sự ổn định của eo biển Đài Loan”, nhấn mạnh rằng Trung Quốc sẽ không thỏa hiệp hoặc nhượng bộ trong các vấn đề liên quan đến lợi ích cốt lõi quốc gia.
Gặp trực tiếp ông Austin cũng như phát biểu tại diễn đàn Đối thoại Shangri-La, ông Ngụy cũng tuyên bố rằng Trung Quốc sẽ “chiến đấu bằng mọi giá” và “chiến đấu đến cùng” vì Đài Loan.
Bên cạnh đó, Thái Bình Dương và các đảo quốc khu vực này là điểm nóng mới cho cuộc cạnh tranh ảnh hưởng giữa hai cường quốc. Cả Mỹ và Trung Quốc đều đang khẩn trương tranh thủ sự ủng hộ và ảnh hưởng tại khu vực này.
Điều này thể hiện rõ qua việc Trung Quốc ký thỏa thuận an ninh với quần đảo Solomon và vẫn đang kiên trì theo đuổi mục tiêu ký thỏa thuận an ninh – kinh tế với 10 quốc đảo Thái Bình Dương, sau khi nỗ lực ban đầu bị từ chối tháng trước.
Các động thái của Trung Quốc báo động đáng kể đến các nước có truyền thống hỗ trợ khu vực lâu nay, trong đó có Mỹ về ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc đối với Thái Bình Dương. Mỹ đầu năm nay đã bổ nhiệm một đặc phái viên tổng thống cho khu vực Thái Bình Dương, phụ trách đẩy nhanh đàm phán với các nước này về các hiệp định tự do sắp hết hiệu lực.
Bảo Trâm (Theo Diplomat)
Theo: Cánh cò