Tháng 5/2022, quốc gia Nam Á Sri Lanka lần đầu tiên vỡ nợ. Chính phủ nước này đã không thể trả được số lãi 78 triệu USD cho chủ nợ của mình mặc dù đã được gia hạn thời gian thêm 30 ngày. Việc này không chỉ ảnh hưởng tới tương lai kinh tế của Sri Lanka mà còn đặt ra một câu hỏi cấp thiết rằng: “Ngoài Sri Lanka, còn những quốc gia nào có nguy cơ vỡ nợ trong năm 2022?”.
Mới đây, Bloomberg đã công bố “Bảng xếp hạng mức độ dễ bị tổn thương bởi nợ công 2022”. Theo Bloomberg, các nền kinh tế mới nổi bao gồm El Salvador, Ghana, Ai Cập, Tunisia và Pakistan có nguy cơ đối mặt với loạt vụ vỡ nợ lịch sử khi các khoản nợ trị giá hơn 252 tỷ USD liên tục gây sức ép.
“Đối với những quốc gia thu nhập thấp, nguy cơ nợ và khủng hoảng nợ không còn là giả định. Chúng ta đã đến thời điểm đó rồi”, kinh tế trưởng Carmen Reinhart của Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định.
Một nguyên nhân khác gây ra mối lo ngại lớn được cho là xuất phát từ “hiệu ứng domino”. Hiệu ứng này thường xảy ra khi các nhà đầu tư trong tình trạng lo sợ bắt đầu rút tiền ra khỏi các quốc gia có vấn đề kinh tế tương tự như các quốc gia vỡ nợ trước đây. Hồi tháng 6, các nhà giao dịch được cho là đã rút 4 tỷ USD trái phiếu và cổ phiếu của các thị trường mới nổi, đánh dấu tháng thứ tư liên tiếp dòng tiền bị rút ra.
Bên cạnh đó, các vụ vỡ nợ có thể xảy ra sau những bất ổn chính trị trong nước. Đầu năm nay, Sri Lanka là quốc gia đầu tiên ngừng trả tiền cho các trái chủ nước ngoài do gánh nặng về khủng hoảng lương thực và nhiên liệu, làm gia tăng các cuộc biểu tình và gây ra hỗn loạn vè mặt chính trị. Cuối cùng vào ngày 13/7, Thủ tướng Sri Lanka Ranil Wickremesinghe đã phải thông báo từ chức để đảm bảo cho một quá trình chuyển giao quyền lực hòa bình tại quốc gia này.
Dường như không chỉ Sri Lanka, còn kha khá các quốc gia khác cũng đã và đang đi theo vết xe đổ của nước này… chìm ngập trong nợ nần và dần mất khả năng chi trả.
El Salvador
Đứng đầu trong bảng danh sách là El Salvador. Tháng 9/2021, với quyết định công nhận bitcoin làm tiền tệ hợp pháp, El Salvador trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới chấp nhận Bitcoin. Tám tháng đã trôi qua, với viễn cảnh không mấy tốt đẹp và việc công nhận Bitcoin không được chấp nhận, nền kinh tế El Salvador đã trở nên tồi tệ hơn bao giờ hết. Theo số liệu thống kê, tăng trưởng kinh tế của El Salvador đã giảm mạnh, tỷ lệ nợ trên GDP của quốc gia này đạt gần 87% trong năm nay, kéo theo nhu cầu tài chính ngày càng cao trong giai đoạn 2022-2023.
Theo Bloomberg, hiện tại El Salvador chưa nhận được bất kỳ đồng nào trong kế hoạch huy động nguồn vốn 1 tỷ USD đặt ra trước đó. Bên cạnh đó, các cuộc đàm phán với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đang bị đình trệ khiến các nhà đầu tư lo ngại rằng quốc gia Trung Mỹ này không thể thanh toán được khoản nợ vào đầu năm tới. Giá các trái phiếu đang lưu hành của El Salvador đã sụp đổ vào tháng 4 và giảm tới 15,1%, chỉ thấp hơn Ukraine, quốc gia đang xảy ra xung đột với Nga. Trong đó, lãi suất trái phiếu tiêu chuẩn của El Salvador đáo hạn vào năm 2032 hiện là 24%, một con số quá cao và khiến các nhà đầu tư lo lắng về nguy cơ vỡ nợ của nước này.
Ghana
Tại Ghana, lạm phát hàng năm đã tăng 29,8% vào tháng 6, mức cao nhất trong 19 năm qua. Đồng nội tệ là Cedi cũng mất 24% giá trị so với USD kể từ tháng 1. “Tình trạng tài khóa lộn xộn tại Ghana có thể dễ dàng dự đoán. Đáng buồn là chúng ta có thể chứng kiến một Sri Lanka thứ hai”, Sebastian Spio-Garbrah, nhà phân tích trưởng tại công ty tư vấn rủi ro DaMina Advisors nhận định.
Các nghiệp đoàn đại diện cho giáo viên, nhân viên y tế và công chức Ghana tuyên bố phản đối chính phủ nếu không được trả trợ cấp sinh hoạt phí 20%. Tình hình chính trị tại Ghana đã trở nên bất ổn hơn trong hai ngày liên tiếp vào tháng 6, cảnh sát đã phải dùng hơi cay và đạn cao su để giải tán đoàn người biểu tình. Một số trường công lập ở miền Tây Ghana đành đóng cửa do không còn nhận trợ cấp bữa ăn từ chính phủ.
Tusinia
Tại châu Phi, Tunisia là một trong những nước gặp rủi ro lớn nhất với thâm hụt ngân sách ở mức gần 10%. Khoản tiền lương cho người lao động ở khu vực nhà nước mà Tunisia cần trả cũng nằm trong số cao nhất thế giới, trong khi chênh lệch tín dụng đã tăng hơn 2.800 điểm cơ sở làm dấy lên nguy cơ nước này vỡ nợ.
Tháng trước, các cuộc biểu tình đã nổ ra ở Tunisia nhằm phản đối dự thảo hiến pháp của Tổng thống Saied. Nỗi giận dữ cũng sôi sục trong dân chúng trước tình trạng lạm phát gia tăng và những khó khăn kinh tế khác. Công đoàn lớn nhất nước đã tổ chức một cuộc đình công để phản đối kế hoạch cắt giảm lương và trợ cấp lương thực cho khu vực hành chính công.
Thời điểm hiện tại, Chính phủ Tunisia đang đàm phán với IMF về gói cứu trợ trị giá 4 tỷ USD, nhưng các nhà kinh tế nói rằng kịch bản này khó có khả năng xảy ra khi Tổng thống Tunisia Kais Saied muốn ban hành hiến pháp mới.
Pakistan
Tại Pakistan, IMF cũng phải có những động thái can thiệp, khi nước này suýt vỡ nợ và liên tục lâm cảnh mất điện trong những tuần gần đây do chi phí nhập khẩu nhiên liệu tăng. Theo giới phân tích, thỏa thuận mới với IMF sẽ giúp Islamabad thanh toán được các hóa đơn nhập khẩu nhiên liệu những tháng tới, song Pakistan vẫn sẽ phải đối mặt với áp lực tài chính không nhỏ trong tương lai.
Bên cạnh đó, nỗi bất bình trong công chúng cũng ngày càng dâng cao. Người dân cho rằng IMF muốn Pakistan hoàn trả các khoản vay và chính phủ sau đó cố gắng vét tiền từ người dân bằng cách tăng thuế và giá hàng hóa. Trong một nỗ lực nhằm ổn định tài chính và đáp ứng các điều kiện cứu trợ của IMF, chính phủ Pakistan tháng trước đã cắt bỏ khoản trợ cấp xăng 600 triệu USD/tháng. Nước này cũng liên tục tăng giá xăng và xóa bỏ trợ cấp điện. Những động thái này càng làm tăng thêm lạm phát đã chạm mức 21% vào tháng 6, khiến ngân hàng trung ương Pakistan tháng qua phải tăng lãi suất lên 15%.
Ai Cập
Ai Cập có tỷ lệ nợ công trên GDP gần 95%. Công ty quản lý quỹ FIM Partners ước tính Ai Cập sẽ phải trả 100 tỷ USD nợ ngoại tệ trong 5 năm tới, bao gồm khoản trái phiếu 3,3 tỷ USD vào năm 2024. Ai Cập đã để đồng bảng trượt giá 15% và xin IMF hỗ trợ vào hồi tháng 3. Nhưng hiện nay, chênh lệch tín dụng đã lên tới mức hơn 1.200 điểm cơ sở, trong khi các hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng (CDS) – một công cụ của nhà đầu tư để đề phòng rủi ro – đã cân nhắc thêm khả năng 55% Ai Cập không thể thanh toán.
Argentina
Argentina – nước giữ kỷ lục thế giới với 9 lần vỡ nợ, có khả năng sẽ lặp lại lịch sử. Theo Reuters, đồng Peso hiện giao dịch ở mức chiết khấu 50% trên thị trường chợ đen, trong khi kho dự trữ ngoại hối thấp nghiêm trọng. Trái phiếu Argentina hiện cũng chỉ giao dịch ở mức 20%, chưa bằng một nửa mức từng có sau đợt tái cơ cấu nợ năm 2020.
Từ nay tới năm 2024, chính phủ Argentina không có khoản nợ lớn nào cần trả nhưng các khoản nợ sẽ đáo hạn nhiều vào khoảng thời gian sau đó. Một số người cũng lo ngại Phó tổng thống Cristina Fernandez de Kirchner sẽ cố gắng thúc đẩy hủy thỏa thuận giữa chính phủ nước này với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) do không có khả năng chi trả.
Lan Hoa
Theo: Cánh cò