Những ngày gần đây, Kaliningrad – vùng lãnh thổ có ý nghĩa chiến lược của Nga – trở thành “điểm nóng mới nhất” giữa Nga và châu Âu khi quan hệ căng thẳng giữa hai bên đang có có dấu hiệu leo thang.
Từ cuối tuần trước, Lithuania đã tuyên bố cấm việc trung chuyển hàng hóa bằng tàu hỏa giữa Nga và vùng Kaliningrad thuộc Nga. Tuyên bố này nằm trong các biện pháp trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU) có hiệu lực từ ngày 17/6.
Theo đó, các mặt hàng bị cấm gồm than, kim loại và vật liệu xây dựng. Điều đáng nói, lệnh cấm này cũng đồng nghĩa với việc Nga không thể vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt sang Kaliningrad.
Bộ Ngoại giao Nga đã ngay lập tức chỉ trích đây là hành động “thù địch công khai” và yêu cầu EU khôi phục tuyến trung chuyển qua Lithuania. Nga thậm chí cảnh báo về những hậu quả “nghiêm trọng” đối với Lithuania. Tuy nhiên, Lithuania khẳng định mình chỉ thực hiện trách nhiệm của 1 thành viên EU chứ không có mục đích nào khác.
Hiện căng thẳng đang nóng lên dần ở Kaliningrad liên quan đến việc Lithuania cắt đứt con đường trung chuyển hàng hóa của Nga. Vậy câu hỏi được đặt ra là Kaliningrad có gì đặc biệt và vì sao nơi đây lại trở thành điểm nóng mới nhất giữa Nga và EU?
Về mặt địa lý, Kaliningrad là một vùng lãnh thổ ở phía cực Tây của Nga, hoàn toàn tách biệt và không có chung đường biên giới với Nga. Vùng đất này giáp với Biển Baltic, nằm kẹp giữa Lithuania và Ba Lan, rộng khoảng 15.000km2 và có mức dân số khoảng gần 1 triệu người, trong đó có hơn một nửa sống ở thủ phủ Kaliningrad.
Từ lâu nay, Kaliningrad vẫn nhận nguồn cung từ Nga thông qua đường sắt và đường ống dẫn khí đốt qua Litva. Mặc không có bất cứ đường biên giới trên bộ với lãnh thổ chính và giống như một ốc đảo giữa lòng Châu Âu của Nga nhưng Kaliningrad lại có vai trò rất quan trọng về mặt thương mại.
Trước hết, do nằm ở vị trí trung tâm châu Âu, Kaliningrad có thể dễ dàng vận chuyển hàng hóa của Nga đến bất cứ khu vực nào của Liên minh châu Âu. Kaliningrad có quan hệ kinh tế tương đối chặt chẽ với các quốc gia châu Âu sau khi Liên Xô tan rã, nhưng mối quan hệ này đã dần phai nhạt sau khi EU áp đặt lệnh trừng phạt Nga, liên quan đến sự kiện Nga sáp nhập Bán đảo Crimea vào năm 2014.
Ngoài vai trò thương mại, Kaliningrad cũng có tầm quan trọng về mặt chiến lược và quân sự đối với Nga. Lâu nay, nơi đây đã được xem như “hàng không mẫu hạm không thể chìm” của Điện Kremlin tại Biển Baltic. Từ đây, Nga có thể triển khai các loại vũ khí ở Kaliningrad để tấn công Tây Âu một cách dễ dàng trong trường hợp xung đột bùng phát. Đây cũng là nơi đóng quân của Hạm đội Baltic Nga và là địa điểm Nga thử nghiệm tên lửa Iskander có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.
Hơn nữa, sau Chiến tranh lạnh, Kaliningrad hoạt động như một “đặc khu kinh tế” với mức thuế thấp và hầu như không có thuế nhập khẩu để kích thích sản xuất và đầu tư. Tuy nhiên, nền kinh tế của Kaliningrad đã bị chững lại sau khi phương Tây áp đặt những lệnh trừng phạt đầu tiên.
Từ đó, tầm quan trọng của Kaliningrad càng trở nên lớn hơn với Nga khi theo kế hoạch, Thụy Điển và Phần Lan sẽ gia nhập NATO. Vào tháng 5, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia Nga Dmitry Medvedev cho biết, kế hoạch gia nhập của hai nước này có nghĩa là “sẽ không còn có thể nói về bất kỳ tình trạng phi hạt nhân hóa nào của các nước Baltic và sự cân bằng phải được khôi phục”.
Từ lâu, Nga đã không thích sự hiện diện của các nước NATO xung quanh Kaliningrad. “Họ đã chuyển cơ sở hạ tầng của NATO đến gần biên giới của chúng tôi. Và đây không phải là lãnh thổ của Mỹ”, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói với CNN vào năm 2015, sau khi báo chí đưa tin Nga đã chuyển tên lửa Iskander có khả năng hạt nhân đến khu vực.
Được biết, kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine, Lithuania đã nhiều lần thúc giục NATO tăng cường triển khai quân đội trên lãnh thổ của mình.
Quay trở lại với điểm nóng Kaliningrad, hôm 20/6, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết quyết định cấm việc trung chuyển hàng hóa của Lithuania là “chưa có tiền lệ”, “bất hợp pháp” và đi ngược các thỏa thuận giữa Nga và EU. Phủ tổng thống Nga tuyên bố sẽ có các biện pháp đáp trả.
Nikolai Patrushev, thư ký Hội đồng Bảo an Liên bang Nga, cho biết “Phía Nga chắc chắn sẽ đáp trả những hành động thù địch như vậy”. Các biện pháp đang được thực hiện theo hình thức liên bộ và sẽ có hiệu lực trong tương lai gần. Chúng sẽ đem lại hậu quả tiêu cực nghiêm trọng tác động tới người dân Lithuania”, RIA Novosti dẫn lời ông Patrushev.
“Trong tương lai gần, nếu vận chuyển hàng hóa giữa vùng Kaliningrad và phần còn lại của Nga thông qua Lithuania không được khôi phục hoàn toàn, Nga có quyền thực hiện hành động để bảo vệ lợi ích quốc gia”, tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga cho hay.
Dmitry Lyskov – đại diện của chính quyền khu vực – đã kêu gọi người dân không mua sắm hoảng loạn. Các sản phẩm bị trừng phạt giờ sẽ vận chuyển bằng đường biển.
Bất chấp cảnh báo của Nga, Lithuania sẵn sàng mở rộng phong tỏa vùng Kaliningrad nếu Liên minh châu Âu áp dụng lệnh trừng phạt mới với Nga.
Tổng thống Lithuania Gitanas Nauseda hôm 22/6 cho biết, nước này sẵn sàng mở rộng danh sách hàng hóa từ Nga trung chuyển qua Lithuania đến vùng Kaliningrad bất chấp nguy cơ bị đáp trả. “Chúng tôi đã sẵn sàng và chuẩn bị cho những hành động của Nga. Chẳng hạn, Nga có thể cắt Lithuania khỏi mạng lưới điện hoặc sử dụng những biện pháp khác”, ông Nauseda nói.
Trước đó, đại diện cấp cao của Ủy ban châu Âu (EC) Josep Borrell cũng cho biết, việc vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ giữa Kaliningrad với các khu vực khác của Nga không bị cấm. Ông khẳng định: “Không có sự phong tỏa nào. Việc vận chuyển hành khách và hàng hóa không bị trừng phạt vẫn tiếp diễn”.
Ông Borrell khẳng định, Lithuania không áp dụng bất cứ hạn chế đơn phương nào mà chỉ áp dụng các lệnh trừng phạt của EU.
Các quan chức châu Âu đã làm rõ thông tin sau khi công ty đường sắt Lithuania thông báo cho Nga rằng từ nửa đêm 18/6, các chuyến tàu trung chuyển những hàng hóa thuộc nhóm bị EU trừng phạt sẽ không được phép đi qua nước này.
Lan Hoa
Theo: Cánh cò