Tuesday, March 19, 2024

Mùa hè chết chóc đang trỗi dậy khắp toàn cầu

Trang Guardian cho biết, mùa hè 2022 có thể được xem là “mùa hè chết chóc” bởi những biến động vô cùng bất thường đối với thời tiết toàn cầu.

Biến đổi khí hậu khiến các đợt nắng nóng khắc nghiệt ngày càng phổ biến hơn. Ảnh: AFP.

Trong đó, thế giới có thể phải chứng kiến những rủi ro tiềm ẩn khi nguồn cung từ lưới điện toàn cầu tại các nền kinh tế lớn đang gặp hạn chế vì xung đột, hạn hán và đại dịch Covid-19.

Nắng nóng, khô hạn khắp thế giới

Theo Guardian, nắng nóng gay gắt đã ảnh hưởng tới Nam Âu và Bắc Phi. Nhiều nơi ở Tây Ban Nha đạt nhiệt độ cao kỷ lục trong tháng 5, bao gồm TP Jaén in Andalucia ghi nhận mức 40,3 độ C hôm 20-5, theo Cơ quan Quản lý thời tiết Aemet của Tây Ban Nha. Tại Bắc Phi, TP Sidi Slimane – Morocco trải qua ngày nóng nhất trong lịch sử: 45,7 độ C.

Các nhà khoa học tin rằng mức độ nghiêm trọng và thời gian xảy ra các đợt nắng nóng dự kiến tăng lên trong tương lai bởi khí hậu toàn cầu ấm hơn.

Trang CNN cho rằng, tất cả những diễn biến nắng nóng đều khiến cho thị trường năng lượng toàn cầu gặp nhiều khó khăn. Mùa hè đang tới. Mùa hè là thời gian cao điểm sử dụng điện ở phần lớn Bắc bán cầu. Năm nay, tiết trời sẽ rất oi bức do biến đổi khí hậu.

Nhiệt độ ở Pakistan lên đến hơn 50 độ C, vượt quá mức chịu đựng của con người

Theo ông Muhammad Akbar, 40 tuổi ở Jacobabad: “Hồi trước, toàn thành phố có nhiều cây xanh và không thiếu nước uống. Chúng tôi có thể vượt qua cái nóng”.

“Tuy nhiên, giờ đây không có cây hay thậm chí cả nước, do đó tôi không thể chịu nổi cái nóng được nữa. Tôi sợ nhiệt độ như vậy khiến nhiều người thiệt mạng trong những năm tới”, ông chia sẻ.

Khi Pakistan và Ấn Độ chìm trong không gian ngột ngạt vì đợt nắng nóng gần đây, thành phố Jacobabad nơi Akbar sinh sống đạt mức kỷ lục 51 độ C.

Thông thường nắng nóng mùa hè ở Pakistan bắt đầu từ cuối tháng 5. Nhưng năm nay, lần đầu tiên người dân nơi đây hứng chịu nắng nóng từ tháng 3. Đợt nóng khủng khiếp này dự kiến kéo dài tới tháng 8, theo Guardian.

Theo nhà sinh thái học Nasir Ali Panhwar, thành phố này đặc biệt bị ảnh hưởng nặng nề bởi hiện tượng nóng lên toàn cầu. Một phần nguyên nhân nằm ở vị trí địa lý của Jacobabad. Những cư dân khác chỉ ra rằng hầu hết cây từng che bóng mát cho thành phố và các cánh đồng xung quanh đã bị chặt để bán hoặc đốt nhằm dùng cho nấu nướng.

Mưa bão, ngập lụt… chưa từng có trong lịch sử

Không dừng lại ở việc nhiệt độ tăng cao bất thường, một số nơi khác trên thế giới lại đang phải đối mặt với tình trạng “thời tiết tréo ngoe” chưa từng có trong lịch sử. Đơn cử như việc nhiệt độ giảm sâu giữa mùa hè, bão mạnh gây ra gió lớn, mưa xối xả, mưa đá và lốc xoáy khắp nơi trên thế giới…

Cuối tuần trước, ở Tây và Bắc Âu, bão mạnh gây ra gió lớn, mưa xối xả, mưa đá và lốc xoáy. Tương tự, thành phố Paderborn, miền Tây nước Đức, hứng chịu lốc xoáy khiến 43 người bị thương.

Tại bang Colorado – Mỹ, một trận tuyết rơi trái mùa xảy ra hôm 21-5. Ngoài ra, đợt không khí lạnh làm cho nhiệt độ giảm mạnh 30 độ C trong vòng chưa đầy 36 giờ, dẫn đến tuyết rơi trên nhiều khu vực của Mỹ. Ở Đông Nam nước Mỹ và Mexico, cơn bão bụi tràn qua Đại Tây Dương đến bang Florida khiến bầu trời xám xịt và giảm chất lượng không khí.

Tuyết rơi ngay ngày đầu hè ở Colorado, Mỹ.

Trong khi đó, AP hôm 28-5 dẫn lời các nhà khí tượng học cảnh báo siêu hạn hán ở phương Tây sẽ không biến mất cho đến khi hiện tượng La Nina – liên quan tới hạn hán, cháy rừng ở miền Tây nước Mỹ và gây ra nhiều cơn bão ở Đại Tây Dương hơn – xảy ra.

Ở những nơi khác trên thế giới, lở đất và lũ lụt khiến ít nhất 31 người tại Đông Bắc Brazil thiệt mạng. Hôm 28-5, bang Pernambuco – Brazil cho biết hơn 1.000 người buộc phải rời bỏ nhà cửa vì lũ lụt. Khoảng 32.000 gia đình đang sống trong các khu vực có nguy cơ sạt lở đất hoặc lũ lụt ở bang này.

Tác động khủng khiếp lên toàn nhân loại

Biến đổi khí hậu từ lâu là một trong những thách thức lớn nhất đối với nhân loại trong thế kỷ XXI. Bởi vì tác động của nó đang ảnh hưởng trực tiếp đến hệ sinh thái, tài nguyên môi trường và cuộc sống của con người.

Tình trạng băng tan ở Greenland làm gia tăng nguy cơ lũ lụt trên toàn cầu

Ngoài các tác động trực tiếp từ khí hậu khiến môi trường sống của con người trên trái đất bị ảnh hưởng, các thiệt hại về kinh tế do biến đổi khí hậu gây ra cũng ngày càng tăng theo nhiệt độ trái đất. Các cơn bão lớn làm mùa màng thất bát, tiêu phí nhiều tỉ đô la; ngoài ra, để khống chế dịch bệnh phát tán sau mỗi cơn bão lũ cũng cần một số tiền khổng lồ. Khí hậu càng khắc nghiệt càng làm thâm hụt các nền kinh tế.

Các tổn thất về kinh tế ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống. Người dân phải chịu cảnh giá cả thực phẩm và nhiên liệu leo thang; các chính phủ phải đối mặt với việc lợi nhuận từ các ngành du lịch và công nghiệp giảm sút đáng kể, nhu cầu thực phẩm và nước sạch của người dân sau mỗi đợt bão lũ rất cấp thiết, chi phí khổng lồ để dọn dẹp đống đổ nát sau bão lũ, và các căng thẳng về đường biên giới.

Việt Nam và công cuộc ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu

Trong những năm gần đây, Việt Nam đã và đang có những bước tiến trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu. Đặc biệt, tại phiên họp cấp cao Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP26), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có bài phát biểu quan trọng thể hiện quan điểm của Việt Nam trong công cuộc ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP26)

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, trong nhiều năm qua, là một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề nhất do biến đổi khí hậu, Việt Nam đang hết sức nỗ lực vừa ứng phó với biến đổi khí hậu, vừa phát triển kinh tế để vươn lên, bảo đảm cuộc sống ngày càng tốt hơn cho mọi người dân. Đồng thời đóng góp có trách nhiệm cùng với cộng đồng quốc tế, Chúng tôi mong muốn tăng cường hợp tác với các đối tác quốc tế trong các chương trình, dự án đầu tư và phát triển bền vững.

Dẫn lời Chủ tịch Hồ Chí Minh – Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới đã từng nói: “Đoàn kết là sức mạnh”, “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết, thành công, thành công, đại thành công”, Thủ tướng nhấn mạnh: Để chiến thắng trong cuộc chiến toàn cầu này với biến đổi khí hậu, đoàn kết toàn cầu là cách thức duy nhất.

“Chúng ta cùng bàn, cùng làm và cùng chiến thắng; bắt đầu từ ý chí, nhận thức, giải pháp, tổ chức thực hiện cho đến đảm bảo nguồn lực. Những cam kết và hành động mang tính lịch sử của tất cả chúng ta hôm nay sẽ giúp để lại một hành tinh xanh, một không gian sinh tồn bền vững và hạnh phúc cho tất cả các thế hệ mai sau”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói.

Bảo Trâm 

Theo: Cánh cò

Related Articles

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Stay Connected

863FansLike
44FollowersFollow
0SubscribersSubscribe

BÀI MỚI

Xem nhiều

Phản biện - Luận bàn

ĐỐI TƯỢNG