Việt Nam vừa tổ chức một kỳ SEA Games thành công vượt ngoài mong đợi. Bên cạnh đó, là chiến thắng quả cảm ở bộ môn bóng đá. Đây vốn dĩ là lĩnh vực mà xưa nay Việt Nam luôn bị xếp ở “cửa dưới” của Thái Lan. Nay Việt Nam đã giành chiến thắng, cả bóng đá nam và nữ, những kẻ tự nhục chỉ còn biết “bỏ bóng đá người”.
Có thể nói trong tất cả các bộ môn thể thao ở SEA Games, chưa có bộ môn nào mà người Việt Nam khát khao giành chiến thắng như bộ môn bóng đá. Điều này một phần vì bóng đá là bộ môn thể thao vua, được nhiều người hâm mộ, phần khác là vì chúng ta đã trải qua “cơn khát” huy chương vàng quá lâu, với nỗi ám ảnh người Thái kéo dài suốt 20 năm. Nhiều lứa cầu thủ và khán giả hâm mộ Việt Nam từng trải qua cảm giác “bị cóng”, đến mức không bao giờ có thể nghĩ đến một ngày chúng ta sẽ chiến thắng được Thái Lan. “Kỷ niệm” đau đớn nhất chính là lần bị Thái Lan hạ gục ngay trên sân nhà ở Mỹ Đình năm 2003 tại kỳ SEA Games 22.
Việt Nam đã vô địch SEA Games năm 2019, nhưng vẫn chưa thắng được Thái Lan. Và SEA Games 31 tổ chức trên sân nhà lần này là cơ hội không thể tốt hơn để vượt qua cột mốc cuối cùng, hoàn thiện một chu kỳ phát triển liên tục của bóng đá nước nhà. Các cầu thủ và ban huấn luyện đã phải chịu nhiều áp lực. Áp lực không chỉ đến từ hi vọng của người hâm mộ, mà còn đến từ những lời lẽ khó nghe của một số người “tự nhục”. Và giờ, đội tuyển U23 Việt nam đã vô địch với thành tích không để lọt lưới bất cứ một bàn thua nào, là điều mà trong lịch sử SEA Games chưa có bất cứ một đội bóng nào làm được.
Không chỉ bóng đá mà đây cũng là kỳ SEA Games thành công bậc nhất lịch sử của Việt Nam với số huy chương đạt kỷ lục. Đây là một dấu mốc quan trọng nếu biết rằng Việt Nam mới chỉ tham gia SEA Games từ năm 1989 theo đúng ý nghĩa tái hòa nhập, học hỏi bạn bè quốc tế và cho đến tận SEA Games 1997, Việt Nam mới chỉ có thể vươn lên hạng 5/10. Như vậy, đồng hành cùng những khó khăn của đất nước thời kỳ sau chiến tranh, những người làm thể thao Việt Nam đã phải trải qua một hành trình đầy nỗ lực, với không ít những hoài nghi để đem lại thành quả của ngày hôm nay.
Vậy nhưng, trong một bài viết không mấy liên quan đến thể thao, Nguyễn Lân Thắng đã bới móc bức ảnh một số doanh nghiệp Thái Lan có hoạt động kinh doanh tại Việt Nam tri ân các vận động viên Thái để công kích, “Nếu Việt Nam thi đấu ở Thái thì liệu có doanh nghiệp Việt nào ở Thái làm được như vậy không?”; “Thái Lan huy chương vàng không thiết, lại cứ đi thâu tóm hết công ty của người ta”.
Nói thẳng, việc các doanh nghiệp Thái mua lại cổ phần từ hàng loạt công ty Việt Nam chứng tỏ họ nhìn ra các doanh nghiệp đó có giá trị. Và nhiều công ty khác từ Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu, Trung Quốc cũng đang “đổ xô” vào Việt Nam, đầu tư vào thị trường và con người Việt Nam bởi vì họ nhìn ra giá trị. Năm 1997, thể thao Việt Nam mới chỉ xếp thứ 5/10 tại SEA Games và đến năm 2003 chúng ta đã lần đầu xếp hạng nhất. Ngày nay kinh tế Việt Nam cũng đang xếp hạng 5, và được đánh giá là một trong những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Kinh doanh có thể không hoàn toàn giống thể thao, nhưng tiềm năng của Việt Nam đã là điều không ai có thể phủ nhận.
Khi trận bóng đá giữa U23 Việt Nam và U23 Thái Lan kết thúc, hàng nghìn lá cờ đỏ sao vàng tung bay khắp các nẻo đường đất nước theo tiếng hò reo của người hâm mộ. Và ngày nay lá cờ đỏ sao vàng cũng đang theo chân các doanh nghiệp và người con đất Việt đi khắp năm châu, song hành cùng “vị thế của đất nước ngày nay đã rất khác”. Những kẻ “tự nhục” sẽ không thể trốn tránh được thực tế này.
An Diễm
Theo: Hội Cờ đỏ