Quan chức Mỹ cho biết nhóm Bộ Tứ gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia ngày 24/5 sẽ công bố sáng kiến hàng hải nhằm hạn chế đánh bắt cá trái phép tại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Quan chức Mỹ cho hay sáng kiến này sẽ sử dụng vệ tinh để kết nối với các trung tâm giám sát hiện có tại Singapore, Ấn Độ và Thái Bình Dương nhằm tạo ra hệ thống theo dõi đánh bắt thủy sản trái phép tại Ấn Độ Dương, Đông Nam Á và Nam Thái Bình Dương, theo Financial Times.
Quan chức này cáo buộc Trung Quốc chịu trách nhiệm cho 95% các vụ đánh bắt trái phép tại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, và động thái của nhóm Bộ Tứ nhằm chống lại hoạt động của Bắc Kinh trong khu vực.
Sáng kiến này dự kiến được đưa ra trong hội nghị giữa lãnh đạo 4 nước Bộ Tứ – gồm Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio và Thủ tướng tân cử Australia Anthony Albanese – ngày 24/5 tại Tokyo.
Hệ thống này sẽ cho phép Mỹ và các đối tác giám sát hoạt động đánh bắt trái phép, ngay cả khi các tàu đánh cá đã tắt bộ phát, thường được sử dụng để theo dõi các tàu biển.
Sáng kiến hàng hải mới được đưa ra trong bối cảnh Washington và đồng minh lo ngại Bắc Kinh đang đàm phán một hiệp ước an ninh với Kiribati, quốc gia với 33 hòn đảo trải dài khoảng 3.000 km dọc theo ranh giới Bắc và Nam Thái Bình Dương, theo báo cáo của Financial Times ngày 20/5.
Trước đó, Mỹ đã quan ngại khi Trung Quốc ký hiệp ước an ninh với Quần đảo Solomon. Nhiều chuyên gia nhận định điều này có thể mở đường cho Trung Quốc xây dựng căn cứ quân sự và tăng cường ảnh hưởng tại Thái Bình Dương.
Gregory Poling, người đứng đầu Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), cho biết việc quân đội Trung Quốc có thể tiếp cận các hòn đảo ở Kiribati sẽ nghiêm trọng hơn nhiều so với Solomon.
“(Kiribati) không chỉ gần Hawaii (Mỹ), mà theo Hiệp ước Tarawa, Mỹ đã đồng ý từ bỏ yêu sách với những hòn đảo này, với điều kiện Kiribati không cho phép bên thứ ba đặt căn cứ mà không tham khảo ý kiến của Mỹ”, ông Poling nói.
Khai Tâm
Theo: Cánh cò