Trang Financial Times cho biết các dự đoán của hàng loạt tổ chức kinh tế đầu ngành cho thấy nền kinh tế Đức sẽ lâm vào suy thoái nặng nếu cấm dầu khí của Nga. Các dự báo cho thấy GDP Đức sẽ suy giảm 2,2% năm 2023 và khiến hơn 400.000 người lao động mất việc làm.
Theo Ngân hàng trung ương Đức (Deutsche Bundesbank-GFB), nền kinh tế lớn nhất Châu Âu sẽ mất 5% GDP, tương đương 162 tỷ Euro nếu nước này áp đặt lệnh cấm nhập khẩu khí đốt từ Nga. Đồng quan điểm, CEO Martin Brudermuller của tập đoàn hóa chất BASF cũng cảnh báo nền kinh tế Đức sẽ lâm vào cuộc khủng hoảng tệ nhất trong 77 năm (thời điểm Thế chiến thứ 2 kết thúc) nếu cấm dầu khí của Nga.
Tương tự trong cuộc họp với Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng thế giới (World Bank), Bộ trưởng tài chính Mỹ Janet Yellen đã cảnh báo Liên minh Châu Âu (EU) cần hết sức thận trọng khi cấm nhập khẩu dầu khí Nga bởi động thái này có thể ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế toàn cầu.
Những tuyên bố trên được đưa ra sau khi Đức cùng các thành viên EU thảo luận lộ trình ngừng phụ thuộc vào Nga, bao gồm từ khí đốt đến than đá.
Đặc biệt sau khi xung đột Ukraine diễn ra, câu chuyện ngừng nhập khẩu khí đốt từ Nga đã trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết với những nước như Đức.
Thế nhưng, câu chuyện này chẳng hề đơn giản khi phần lớn các chuyên gia cũng như doanh nghiệp cho rằng nền kinh tế lớn nhất Châu Âu có thể cai nghiện dầu khí, than đá của Nga trong sớm chiều.
Suy thoái tồi tệ nhất
Rosenthal là một trong những công ty sản xuất đồ xứ lâu đời nhất Đức với hơn 140 năm lịch sử. Thế nhưng chưa bao giờ hãng phải đối mặt với rủi ro lớn như hiện nay. Việc cắt giảm khí đốt từ Nga có thể khiến Rodenthal mất một nửa sản lượng đột ngột.
“Chúng tôi chẳng thể hoạt động nếu thiếu khí đốt. Chúng tôi cũng chẳng có nguồn năng lượng thay thế hay lựa chọn nào khác”, CEO Mads Ryder của Rosenthal ngán ngẩm.
Nỗi lo lắng của Ryder là có cơ sở khi Đức đã cấm nhập khẩu than đá từ Nga và tiếp theo sẽ là dầu mỏ rồi đến khí đốt. Xin được nhắc là Nga chiếm tới 55% lượng khí đốt nhập khẩu của Đức trước khi xung đột Ukraine diễn ra. Khoảng 1/3 trong số đó được dùng để phục vụ hoạt động sản xuất công nghiệp.
Trong ngành hóa chất, khí đốt không chỉ là nguyên liệu cho máy phát điện mà còn là thành phần để tạo nên những chất có nguồn gốc Hydrocarbon.
Thế nhưng theo quy định của Đức, chính các nhà máy công nghiệp sẽ bị cắt khí đốt đầu tiên nếu nguồn cung ứng thiếu hụt, để dành cho các hộ gia đình và trạm phát điện.
Với những yếu tố trên, GFB dự đoán ngành công nghiệp nước này sẽ không thể tìm kiếm được nguồn năng lượng thay thế khí đốt Nga trong ít nhất 3 quý, dẫn tới hệ quả lạm phát sẽ tăng thêm 1,5 điểm phần trăm trong năm nay. Xin được nhắc là lạm phát ở Đức hiện đã đạt 7,3%, mức cao nhất kể từ khi 2 miền Đông-Tây nước này thống nhất vào năm 1990.
Tình hình lạm phát quá cao sẽ khiến người mua giảm chi tiêu dẫn tới giảm tốc tăng trưởng và suy thoái, điều mà các nhà kinh tế học gọi là “Đình lạm” (Stagflation), hay lạm phát kèm suy thoái.
Tờ Financial Times nhận định việc mất 5% GDP vì ngừng nhập khẩu dầu khí của Nga sẽ khiến Đức tăng trưởng âm 2% trong năm nay. Nếu điều này diễn ra thì Đức sẽ lâm vào cuộc suy thoái tồi tệ nhất kể từ sau khủng hoảng 2008 với 2 năm liên tiếp suy giảm GDP. Nền kinh tế lớn nhất Châu Âu này đã tăng trưởng âm 5,7% trong năm 2009 và âm 4,6% trong năm 2020.
Điểm yếu trí mạng
Theo Rosenthal, hãng đồ sứ này cho biết họ sẽ đình sản ngay chỉ trong vài ngày nếu thiếu khí đốt từ Nga bởi công ty hiện đã phải chật vật để sống sót trong cơn bão giá, chi phí nhân công tăng còn giá năng lượng thì quá đắt đỏ.
Tình cảnh của Rosenthal chỉ là một trong vô số những doanh nghiệp tại Đức phụ thuộc vào năng lượng từ Nga. Thậm chí chính Thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng đã phải thừa nhận rằng nước này đã phụ thuộc vào năng lượng của Nga trong nhiều thập niên và chẳng thể chấm dứt ngay được.
Trớ trêu thay, xung đột Ukraine và lệnh cấm vận của Phương Tây khiến Nga có thể trả đũa bằng việc cắt nguồn cung khí đốt và đây là điểm yếu trí mạng với nền kinh tế lớn nhất Châu Âu.
Đại diện Cấp cao Liên minh châu Âu về Chính sách Đối ngoại và An ninh, ông Josep Borrell Fontelles cho biết dù cấm vận với Nga nhưng kể từ khi xung đột Ukraine diễn ra, EU vẫn phải chi tới hơn 36 tỷ Euro để mua khí đốt của Nga. Đó là chưa kể lượng khí đốt được mua chui từ những kênh phi chính thức.
Tờ Financial Times cho biết các dự đoán của hàng loạt tổ chức kinh tế đầu ngành cho thấy nền kinh tế Đức sẽ lâm vào suy thoái nặng nếu cấm dầu khí của Nga. Các dự báo cho thấy GDP Đức sẽ suy giảm 2,2% năm 2023 và khiến hơn 400.000 người lao động mất việc làm.
“Kinh tế Đức sẽ mất 220 tỷ Euro trong năm 2022-2023, tương đương 6,5% GDP”, chuyên gia kinh tế Stefan Kooths của Viện KIWE cảnh báo.
Trái với những nước như Mỹ, Trung Quốc hay Anh đã hồi phục nhanh hậu dịch Covid-19, Đức vẫn khá trì trệ dù mở cửa lại nền kinh tế. Cuối năm 2021, GDP của Đức vẫn tăng trưởng âm do ảnh hưởng từ đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tự do hay chết rét
Mối quan hệ dầu khí Nga-Đức bắt nguồn từ thập niên 1970 khi Đức chấp nhận cung ứng đường ống thép dây dựng còn Nga, khi đó là Liên Xô, cung cấp khí đốt giá rẻ.
“Đây vốn là thương vụ song thắng có lợi cho cả 2 bên. Liên Xô nhận được nguồn tài chính cho cơ sở hạ tầng từ nước ngoài còn chúng tôi nhận được khí đốt giá rẻ”, CEO Leonhard Birnbaum của tập đoàn năng lượng Eon-Đức nhớ lại.
Với lợi thế có nguồn năng lượng, nguyên liệu giá rẻ, Nga bắt đầu mở rộng mạng lưới đường ống cung ứng tại Châu Âu. Thậm chí khi có căng thẳng về địa chính trị thì Nga cũng không cắt khí đốt và trở thành nhà cung cấp đáng tin cậy.
Hệ quả là khi Đức giảm dần điện hạt nhân, nhiệt điện than để bảo vệ môi trường thì khí đốt trở thành năng lượng chủ chốt trong bối cảnh điện mặt trời, điện gió chưa phủ sóng rộng rãi. Kể từ năm 2011, Đức đã cho đóng cửa tất cả các nhà máy điện hạt nhân và chính thức phụ thuộc lớn vào năng lượng khí đốt của Nga trong quá trình đi lên điện sạch.
Thế nhưng trong khi các dự án năng lượng sạch bị đình trệ thì Đức bất ngờ phát hiện họ đã quá phụ thuộc vào Nga.
“Trong suốt 20 năm chúng ta đã đóng cửa mọi lựa chọn năng lượng khác. Người Đức đóng cửa nhiệt điện than, điện hạt nhân và cuối cùng chúng ta chợt nhận ra mình đang phải phụ thuộc vào Nga”, CEO Birnbaum than thở.
Chính phủ Đức nhận thức rất rõ được tình hình và đã cố gắng giảm sự phụ thuộc vào than đá của Nga từ 50% xuống 25% kể từ khi xung đột Ukraine bùng phát. Con số này là từ 35% xuống 25% với dầu mỏ và 55% xuống 40% với khí đốt.
Mục tiêu của chính quyền Berlin là chấm dứt phụ thuộc dầu mỏ Nga vào cuối năm nay và khí đốt Nga vào giữa năm 2024. Thế nhưng CEO Birnbaum nhận định Đức sẽ phải mất ít nhất 3 năm để ngành công nghiệp thực sự “cai nghiện” được dầu Nga và tìm nguồn năng lượng thay thế phù hợp.
Quay lại câu chuyện với Rosenthal, hãng sản xuất đồ sứ này cần lò được đốt nóng đến 1.200 độ C và phải duy trì nhiệt độ liên tục. Họ sẽ không thể làm được điều đó nếu thiếu khí đốt.
“Chúng tôi không thể giảm lượng sử dụng khí đốt dù chỉ một chút. Nếu chúng tôi không duy trì được đủ nhiệt độ thì đồ sứ sẽ không thể nung và bị vỡ ra. Nếu bị cắt khí đốt dù chỉ một chút thì chúng tôi sẽ chỉ có thể đóng gói và hoàn thiện hàng tồn kho rồi cho công nhân về nhà”, CEO Ryder của Rosenthal cho biết.
Bảo Trâm (Theo Financial Times)
Theo: Cánh cò