Không phải các biện pháp trừng phạt hay những đợt vận chuyển vũ khí, câu trả lời duy nhất cho cuộc chiến ở Ukraine chính là một thỏa thuận hòa bình.
Áp đặt những biện pháp trừng phạt cứng rắn chưa từng có lên Nga, đồng thời hỗ trợ quân sự cho Ukraine bằng những vũ khí hiện đại song Mỹ và phương Tây vẫn không thể khiến chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine dừng lại. Nhà quan sát Jeffrey Sachs cho rằng điều cần nhất lúc này là một thỏa thuận hòa bình và đó là khả năng trong tầm tay. Tuy nhiên, để đạt được một thỏa thuận, Mỹ sẽ phải đưa ra những nhượng bộ về NATO – điều mà cho tới nay Washington vẫn bác bỏ.
Tổng thống Putin đã tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine và đưa ra cho phương Tây một danh sách các yêu cầu, trong đó, đáng chú ý nhất là việc dừng mở rộng NATO. Mỹ chỉ rõ nước này không sẵn sàng đáp ứng yêu cầu trên. Dù vậy, theo nhà quan sát Jeffrey Sachs, hiện nay là thời điểm phù hợp để Mỹ xem xét lại chính sách mở rộng NATO. Trong khi đó, ông cũng cho rằng Tổng thống Putin cũng sẽ phải sẵn sàng nhượng bộ một số điểm để đàm phán thành công.
Ông Jeffrey Sachs cho rằng, hướng tiếp cận viện trợ và trừng phạt kinh tế của Mỹ nghe có vẻ thuyết phục được dư luận Mỹ nhưng lại không thực sự hiệu quả trên toàn cầu. Chiến lược này hầu như nhận được rất ít sự ủng hộ bên ngoài nước Mỹ cũng như châu Âu và thậm chí có thể đối mặt với phản ứng dữ dội từ chính bên trong Mỹ và châu Âu.
Các quốc gia đang phát triển đã từ chối tham gia vào chiến lược cô lập Nga của phương Tây mà gần đây nhất là trong cuộc bỏ phiếu do Mỹ dẫn đầu nhằm loại Nga khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc.
Trừng phạt không phải cách chấm dứt chiến tranh
Các lệnh trừng phạt là một phần quan trọng trong chiến lược của Mỹ. Tuy nhiên, chúng không những không thể khiến cuộc chiến ở Ukraine chấm dứt mà còn khiến cả thế giới bị ảnh hưởng. Có vô số vấn đề với các lệnh trừng phạt kinh tế áp đặt lên Nga hiện nay.
Đầu tiên là thậm chí cả khi những biện pháp trừng phạt trên gây ra những sức ép kinh tế cho Nga thì chúng vẫn không thể thay đổi các chính sách của Nga. Trước đó, đối với những lệnh trừng phạt kinh tế nặng nề mà Mỹ áp lên Venezuela, Iran và Triều Tiên, mặc chúng đã làm suy yếu nền kinh tế của những nước này nhưng không thay đổi được chế độ chính trị hay chính sách của họ như Mỹ mong muốn.
Vấn đề thứ hai là các lệnh trừng phạt chỉ phát huy hiệu quả trong những giao dịch bằng đồng USD liên quan đến hệ thống ngân hàng Mỹ. Các quốc gia tìm cách “lách” khỏi lệnh trừng phạt sẽ tìm kiếm những cách thức khác nhau để giao dịch qua những phương tiện không bằng đồng USD và không qua những ngân hàng này. Số lượng giao dịch với Nga bằng đống rúp, rupee, nhân dân tệ và các đồng tiền khác không phải đồng USD sẽ gia tăng.
Vấn đề thứ ba là hầu hết các quốc gia trên thế giới không tin tưởng vào mức độ hiệu quả của các lệnh trừng phạt, cũng như không chọn bên trong cuộc chiến giữa Nga và Ukraine. Nếu cộng tất cả những quốc gia và khu vực áp lệnh trừng phạt lên Nga gồm Mỹ, Anh, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, Singapore, Australia, New Zealand và một vài quốc gia khác thì số này chỉ chiếm khoảng 14% dân số thế giới.
Vấn đề thứ tư là “’Hiệu ứng boomerang” của các lệnh trừng phạt. Việc áp lệnh trừng phạt lên Nga không chỉ làm tổn hại riêng Moscow mà còn ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế thế giới, làm gián đoạn chuỗi cung ứng, lạm phát và thiếu lương thực. Đó là lý do tại sao nhiều nước châu Âu vẫn tiếp tục nhập khẩu dầu mỏ và khí đốt từ Nga, cũng như việc Hungary và có lẽ là một số quốc gia khác sẽ nhất trí thanh toán với Nga bằng đồng rúp. Hiệu ứng ngược của các lệnh trừng phạt cũng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến đảng Dân chủ Mỹ trong cuộc bầu cử giữa kỳ vào tháng 11 khi lạm phát khiến các cử tri thay đổi lá phiếu của mình.
Vấn đề thứ năm của các lệnh trừng phạt liên quan đến nhu cầu năng lượng và lương thực của Nga. Sản lượng xuất khẩu của Nga có thể sẽ giảm nhưng giá cả các mặt hàng này trên thế giới lại tăng. Do đó, lượng xuất khẩu của Nga có thể thấp hơn nhưng doanh thu từ xuất khẩu vẫn gần như bằng hoặc thậm chí cao hơn trước đây.
Vấn đề thứ sáu của các lệnh trừng phạt liên quan đến địa chính trị. Các quốc gia khác, đáng chú ý nhất là Trung Quốc, coi cuộc chiến Nga – Ukraine ở một mức độ nào đó là cuộc chiến của Nga nhằm chống lại sự mở rộng của NATO sang Ukraine.
Mỹ khẳng định NATO là một liên minh phòng thủ nhưng Nga, Trung Quốc và một số quốc gia khác lại không cho là như vậy. Các nhà lãnh đạo Nga đã phản đối việc NATO mở rộng về phía Đông kể từ khi quá trình này bắt đầu vào giữa những năm 1990 với việc Cộng hòa Séc, Hungary và Ba Lan gia nhập liên minh. Tổng thống Putin cũng đã kêu gọi NATO dừng mở rộng sang Ukraine nhưng Tổng thống Biden đã từ chối đàm phán với Nga về vấn đề này.
Tóm lại, nhiều quốc gia, trong đó chắc chắn bao gồm Trung Quốc, không ủng hộ sức ép toàn cầu lên Nga, vốn có thể dẫn tới sự mở rộng NATO. Phần còn lại của thế giới muốn hòa bình chứ không phải một chiến thắng của Mỹ hay NATO trong cuộc chiến ủy nhiệm với Nga.
Thỏa thuận hòa bình là câu trả lời duy nhất?
Không phải các lệnh trừng phạt hay việc tăng cường hỗ trợ vũ khí, chỉ có một thỏa thuận hòa bình mới có thể chấm dứt chiến tranh ở Ukraine. Việc thực hiện các biện pháp trừng phạt trên thực tế chỉ làm suy yếu sự ổn định về chính trị và kinh tế toàn cầu cũng như chia rẽ thế giới.
Mỹ đang trừng phạt Nga nhưng không đem lại nhiều triển vọng thành công cho Ukraine hay các lợi ích của Mỹ. Thành công thực sự là chiến tranh kết thúc, Nga rút quân trong khi Ukraine được an toàn và được đảm bảo an ninh. Những kết quả này chỉ có thể đạt được trên bàn đàm phán.
Theo nhà quan sát Jeffrey Sachs nhận định trên CNN, bước quan trọng với Mỹ, NATO và Ukraine hiện nay là làm rõ NATO sẽ không mở rộng sang Ukraine và đổi lại Nga sẽ dừng chiến dịch quân sự hiện tại cũng như rút quân khỏi Ukraine.
Hiện nay, việc đàm phán về một thỏa thuận hòa bình giữa Nga và Ukraine vẫn chưa có nhiều tiến triển.
Ngày 20/4, Nga cho biết nước này đã gửi đề xuất thỏa thuận hòa bình cho Ukraine với những điều khoản rõ ràng.
“Hiện nay, dự thảo thỏa thuận đã được chuyển cho phía Ukraine, bao gồm những điểm vô cùng rõ ràng. Quả bóng đang ở trên sân của họ. Chúng tôi đang chờ câu trả lời”, người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov cho hay.
Tuy nhiên, phía Nga cho biết kể từ ngày thỏa thuận được chuyển đi (15/4), cho tới nay, Ukraine vẫn chưa đưa ra bất kỳ phản hồi nào.
“Không có điều gì đáng tin trong những phát biểu của họ. Nhiều tuyên bố, cả trước công chúng lẫn trên bàn đàm phán, đã bị phía Kiev bác bỏ ngay lập tức, đôi khi chỉ trong 1 tiếng hoặc thậm chí 15 phút. Kiev chỉ đơn giản đang đi ngược với những gì đã đạt được. Một lần nữa, mọi thứ vẫn chỉ nằm trên văn bản và giấy tờ”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho hay.
Lập trường của Ukraine về lệnh ngừng bắn với Nga vẫn chưa rõ ràng. Trong khi Ukraine tuyên bố ủng hộ lệnh ngừng bắn nhân dịp lễ Phục sinh mà Tổng thư ký Liên Hợp Quốc đề xuất thì trước đó thì Ngoại trưởng nước này lại cho rằng tình hình chỉ có thể được giải quyết trên chiến trường.
“Câu hỏi chấm dứt chiến tranh với Nga sẽ được giải quyết trên chiến trường, không phải trên bàn đàm phán. Đây không phải là vấn đề chúng tôi có ý định giải quyết qua ngoại giao”, ông Kuleba nhận định với kênh France 24 của Pháp.
Sự thiếu tin tưởng lẫn nhau giữa Nga và Ukraine, việc phương Tây tăng cường viện trợ vũ khí cho Ukraine cũng như những đe dọa trừng phạt đang cản trở tiến trình đàm phán hòa bình giữa Moscow và Kiev, đồng thời khiến cuộc chiến giữa hai bên thêm phức tạp và có nguy cơ lan rộng.
Dù vậy, ngay cả khi những cuộc đàm phán sẽ tiếp tục thất bại thì chúng cũng không hề vô ích. Lịch sử của các cuộc đàm phán cho thấy con đường dẫn đến một thỏa thuận hòa bình bền vững thường được chuẩn bị từ những cuộc đàm phán thất bại. Cũng giống như xung đột trên chiến trường, sau mỗi cuộc đàm phán, mỗi bên đều rút ra kinh nghiệm và bài học cho mình. Sự ủng hộ và sự tham gia vào các cuộc đàm phán nên được khuyến khích, thậm chí cả khi chúng không có nhiều triển vọng bởi đó sẽ là nền tảng để các bên học cách chấm dứt cuộc chiến này.
Tùng Anh
Theo: Cánh cò