Thủ tướng Đức Olaf Scholz trì hoãn quyết định viện trợ 100 xe tăng tiên tiến cho Ukraine vì “không muốn vội vàng đi trước”.
Theo trang Politico, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đang trì hoãn quyết định cuối cùng về việc có cung cấp xe tăng tiên tiến cho Ukraine hay không, bất chấp sức ép từ một số quan chức hàng đầu khác.
“Đức không nên vội vàng đi trước”
Theo kế hoạch được thúc đẩy bởi Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế Robert Habeck và Ngoại trưởng Annalena Baerbock – đều là thành viên cấp cao của đảng Xanh, Đức sẽ viện trợ cho Ukraine khoảng 100 xe tăng hiện đại.
Kế hoạch được đưa ra trong bối cảnh Berlin và các nước phương Tây cho rằng chiến dịch của Nga ở Ukraine có thể kéo dài trong nhiều tháng hoặc nhiều năm, và khi Kiev trực tiếp yêu cầu các thiết bị như vậy.
Ban đầu dự kiến sẽ có quyết định cuối cùng về vấn đề này trong tuần này. Tuy nhiên, Thủ tướng Scholz của Đảng Dân chủ Xã hội vẫn đang do dự, khiến các đối tác liên minh cầm quyền của ông thất vọng.
Ông Scholz lập luận rằng trước tiên Đức nên đạt được một lập trường chung với các đồng minh phương Tây về vấn đề này trước khi cung cấp các thiết bị quân sự hạng nặng như vậy cho Ukraine.
“Chúng tôi đang thiết lập mọi thứ cho đúng và hợp lý”, Thủ tướng Scholz phát biểu trước Quốc hội Đức hôm 6/4 khi được hỏi về việc chuyển giao xe tăng. Ông nói thêm rằng điều quan trọng là Đức phải phối hợp với các đối tác EU và NATO để đảm bảo “chúng ta cung cấp hỗ trợ quân sự theo cách tương tự và không có ai đang vội vàng đi trước – kể cả Đức”.
Người đứng đầu nội các Đức nói thêm: “Tôi tin rằng sẽ là một sai lầm nghiêm trọng đối với Đức khi nhận một vai trò đặc biệt và đi một con đường đặc biệt.”
Trong khi đó, các ngoại trưởng NATO đã thảo luận về hỗ trợ quân sự cho Ukraine vào ngày 6 và 7/4 nhưng không đưa ra bất kỳ chi tiết cụ thể nào liên quan đến việc cung cấp xe tăng.
Ban đầu, các quan chức Đức đã loại trừ việc chuyển giao các thiết bị quân sự phức tạp hơn của phương Tây như xe tăng cho Kiev, cho dù hồi tháng 2 Berlin đã có quyết định lịch sử – giao tên lửa chống tăng và phòng không cho Ukraine. Lý do mà giới chức Đức đưa ra là sẽ mất vài tuần hoặc vài tháng để huấn luyện binh sĩ Ukraine sử dụng các thiết bị quân sự phức tạp như xe tăng.
Tuy nhiên, khi có vẻ như cuộc chiến sẽ còn kéo dài, các quan chức Đức cho biết họ bắt đầu xem xét các nguồn cung cấp quân sự mà Ukraine có thể sử dụng ở giai đoạn sau. Họ cho rằng Nga đang tập hợp lại, rút lực lượng khỏi Kiev và có khả năng tấn công lớn ở miền đông Ukraine trong những tuần tới.
Sự do dự của Thủ tướng Scholz đã gây ra phản ứng dữ dội từ các đối tác liên minh của ông, Đảng Xanh và Đảng Dân chủ Tự do (FDP).
Ông Anton Hofreiter, người đảng Xanh và là Chủ tịch Ủy ban các vấn đề châu Âu của Quốc hội Đức, cho biết điều quan trọng là Đức phải thể hiện “vai trò lãnh đạo” trong EU và NATO và không nấp sau các nước khác.
“Tôi ủng hộ việc bãi bỏ quyết định của Nội các Đức không cung cấp vũ khí hạng nặng càng sớm càng tốt”, ông Hofreiter nói với Politico.
Bà Marie-Agnes Strack-Zimmermann của FDP, Chủ tịch Ủy ban quốc phòng Quốc hội Đức, cũng kêu gọi Thủ tướng Scholz “nhanh chóng” phê duyệt việc giao xe tăng. Các nhà lập pháp hàng đầu từ Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) trung hữu, đảng đối lập chính, cũng tham gia nỗ lực thúc đẩy việc chuyển giao xe tăng cho Ukraine.
Những vấn đề hậu cần
Trong khi chính phủ Séc được cho là đã gửi cho Ukraine các xe tăng và thiết giáp chở quân từ thời Liên Xô, giống hệt với các mẫu mà quân đội Ukraine đã sử dụng, các xe tăng của Đức nếu được chuyển cho Kiev sẽ đánh dấu một cấp độ vũ khí hạng nặng mới của phương Tây trong cuộc chiến.
Đức đang xem xét gửi xe tăng hạng nhẹ “Marder” và các xe bọc thép trang bị tên lửa chống tăng. Giới chức cho biết, công ty quốc phòng Rheinmetall của Đức đã phát tín hiệu rằng họ có thể cung cấp 100 xe tăng như vậy.
Các chính trị gia Đức cũng đang thảo luận về việc liệu Berlin có thể cung cấp xe tăng chiến đấu hạng nặng, đẳng cấp thế giới cho Ukraine hay không. “Bà Rheinmetall được báo cáo không chỉ có Marder mà còn có vũ khí nặng hơn,”, nghị sĩ Hofreiter nói.
Đại sứ Ukraine tại Đức, Andriy Melnyk, nói với đài phát thanh Deutschlandfunk hôm 7/4 rằng Kiev đang “mong đợi” Berlin cung cấp các xe tăng Marder và Leopard, cũng như xe tăng Gepard phòng không.
Tuy nhiên còn có những vấn đề về hậu cần, như Đức sẽ cần huấn luyện binh sĩ Ukraine sử dụng những chiếc xe tăng này, đào tạo thợ máy cách bảo dưỡng và đảm bảo nguồn cung cấp đạn dược và phụ tùng thay thế.
Bà Strack-Zimmermann cảnh báo rằng những hoạt động như vậy không thể được thực hiện trên đất Ukraine “bởi vì theo luật pháp quốc tế, [khi đó] chúng ta sẽ là một bên trong cuộc chiến”.
Đầu tuần này, Ngoại trưởng Đức Baerbock cho biết Berlin đang tìm cách giải quyết “các vấn đề kỹ thuật trong việc chuyển giao và sử dụng” các loại vũ khí tiên tiến hơn cho Kiev.
Một vấn đề thực tế khác: Do các xe tăng tại căn cứ Rheinmetall phần lớn đã ngừng hoạt động, chúng sẽ phải được kiểm tra, tân trang lại trước khi được gửi đến Ukraine. Một giải pháp thay thế có thể là gửi các mẫu xe tương tự của quân đội Đức đến Ukraine và sau đó thay thế xe tăng của quân đội bằng những chiếc xe cũ đã tân trang lại.
Tuy nhiên, một quan chức thuộc Bộ Quốc phòng Đức, dẫn đầu là bà Christine Lambrecht thuộc Đảng Dân chủ Xã hội cầm quyền, cảnh báo rằng bước đi như vậy có thể ảnh hưởng đến khả năng quân sự tức thời của Đức trong liên minh NATO.
Trong khi đó, Thorsten Benner, giám đốc Viện nghiên cứu Chính sách công toàn cầu ở Berlin, lập luận rằng, nước Đức – vốn đã vấp phải chỉ trích vì phản đối các biện pháp trừng phạt năng lượng cứng rắn hơn đối với Nga – nên bù đắp điều này bằng cách giao xe tăng cho Ukraine.
Khai Tâm
Theo: Cánh cò