Friday, November 1, 2024

Xu hướng toàn cầu hóa có bị “đảo ngược” vì xung đột?

Chưa bao giờ trong lịch sử mà chỉ trong vài năm ngắn ngủi, các cuộc biến động lại nối đuôi nhau diễn ra liên tiếp như hiện nay. Mở đầu là cuộc chiến thương mại thuế quan giữa hai ông lớn Mỹ-Trung, tiếp đó là đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19, rồi lại đến xung đột Nga-Ukraine, kéo theo cuộc chiến tranh kinh tế tàn khốc giữa Nga- Mỹ và Châu Âu. Những biến động lớn đã và đang làm đứt gãy nghiêm trọng chuỗi cung ứng toàn cầu.

Quân đội Ukraine tại Bucha hôm 2/4. Ảnh: Reuters.

Như nguồn nguyên liệu thô của Nga và Ukraine không sang được Châu Âu. Phân bón của Nga, Belarus không đến được Châu Á. Ngũ cốc và dầu thực vật từ Ukraine bị tắc nghẽn, …

Tất cả những cú đứt gãy đó đang đe dọa làm đảo chiều xu hướng toàn cầu hóa của thế giới. Chuỗi cung ứng vốn là sợi dây để các quốc gia kết nối với nhau, mạng lưới toàn cầu hóa cũng được tạo ra từ đó. Chuỗi cung ứng càng bền vững, xu hướng toàn cầu hóa càng được củng cố. Và ngược lại, chuỗi cung ứng bị đứt gãy, cái gọi là toàn cầu hóa cũng sẽ tàn lụi theo. Vậy, trong tình thế rối ren như hiện nay, xu hướng này sẽ đi về đâu? Liệu nó có bị đảo ngược không? Hay là luồn lách để thích nghi với trạng thái mới của thế giới?

Xu hướng toàn cầu hóa cũng tìm cách thích nghi với trạng thái bình thường mới

Toàn cầu hóa là một xu hướng không thể đảo ngược. Bởi không một quốc gia nào có thể tự cung tự cấp hết tất cả mặt hàng cho người dân mình. Nó vẫn sẽ tồn tại và tiếp diễn, tuy nhiên mọi thứ sẽ không còn được như trước đây, do các đợt biến động đã chệch hướng đường ray của xu hướng này.

Hôm 6/3/2022, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhấn mạnh nước này cần ổn định sản lượng lương thực và ngô, đồng thời mở rộng sản lượng đậu tương cùng nhiều loại hạt có dầu khác nhằm đảm bảo “bát cơm của người dân phải chứa đầy lương thực của Trung Quốc. Thực phẩm của người Trung Quốc phải do người Trung Quốc làm ra và nằm trong tay của người Trung Quốc”, ông nói. Còn với Mỹ, đầu năm ngoái, tổng thống Mỹ Joe Biden cũng ký sắc lệnh ủng hộ một chiến dịch mang tên “made in America” mang các nhà máy trở về nước Mỹ.

Còn ở Châu Âu, các nước EU đã chuyển hướng nhu cầu năng lượng sang Mỹ, Na Uy, Qatar, … ; tìm mọi cách để tách rời bản thân với Nga. Và với Nga, Moscow cũng đã quay sang Trung Quốc và Ấn Độ để giải quyết số lúa mì và năng lượng dư thừa trong nước.

Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Trung Quốc

Nhìn vào các diễn biến mới nhất gần đây, có hai thay đổi dễ thấy nhất trong xu hướng mới của toàn cầu hóa đó là: Thứ nhất các nước sẽ tìm mọi cách để tự cung tự cấp những mặt hàng có thể cho người dân trong nước mình. Các nước sẽ tìm kiếm một giải pháp an ninh kinh tế cho riêng mình bằng việc ưu tiên tự cung tự cấp. Còn thứ hai là chuyển hướng làm ăn, nhập khẩu hàng hóa sang những quốc gia mà họ cho là thân thiện về mặt chính trị.

Hai xu hướng này vốn đã tồn tại trước đó, nhưng nó đã được thúc đẩy mạnh mẽ do cuộc xung đột về chính trị chưa thấy đâu là hồi kết giữa Mỹ và Nga. Các bất ổn quá lớn đã khiến xu hướng toàn cầu hóa bị tách hẳn thành hai xu hướng nhỏ hơn. Và giờ đây hệ lụy là rất khó để đảo ngược. Các quốc gia sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hai xu hướng mới này thay vì đi theo xu hướng toàn cầu hóa như trước đây do tâm lý lo ngại các cuộc xung đột mới sớm muộn rồi cũng diễn ra.

Như việc Trung Quốc với Đài Loan; Hàn Quốc với Triều Tiên; Ấn Độ với Pakistan; Mỹ với Iran; các cuộc nội chiến ở Nam Sudan, Yemen, Lybia, Syria, Afghanistan, Iraq; bạo lực hình sự ở Mexico; đối đầu giữa Mỹ và Triều Tiên, bất ổn chính trị tại Cộng hòa Dân chủ Congo, Ai Cập, Lebanon, Venezuela, Ethiopia; …

Tâm lý đề phòng sẽ ngày một ăn sâu trong một thế giới đầy bất ổn như hiện nay. Hệ quả là hai xu hướng nói trên sẽ ngày càng phổ biến hơn.

Các xu hướng mới sẽ tạo ra tác động gì?

Việc Trung Quốc chủ trương thúc đẩy an ninh lương thực trong nước chắc chắn sẽ làm sụt giảm nhu cầu nhập khẩu lương thực của quốc gia này. Từ đó giảm nhu cầu xuất khẩu ở các quốc gia nước ngoài là đối tác của Bắc Kinh. Nếu xu hướng tự cung tự cấp được nhân rộng ra thế giới, xuất nhập khẩu giữa các quốc gia tất yếu sẽ bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, tác động đáng lo ngại nhất đó là vai trò của luật pháp quốc tế sẽ bị suy yếu.

Xu hướng thứ hai cũng là xu hướng không mong đợi nhất đó là thế giới sẽ hình thành ra những khối thương mại riêng lẻ làm việc theo nhóm. Như Nga -Trung xích lại gần nhau do lo ngại mối đe dọa từ Mỹ. Còn Mỹ và EU sẽ cùng hợp tác để tránh phụ thuộc và Nga, Trung Quốc. Các khối thương mại này rời xa nhau do không được thân thiện về chính trị. Khi đó, vai trò luật pháp quốc tế sẽ bị suy yếu, bởi nền tảng cấu thành nên sức nặng cho luật pháp quốc tế đó là nhờ vào xu hướng toàn cầu hóa suốt những năm sau chiến tranh thứ 2 đến nay.

Xu hướng toàn cầu hóa đã bước vào giai đoạn phát triển mạnh mẽ nhất kể từ sau Thế Chiến thứ hai. Từ đó đến nay, toàn bộ cấu trúc kinh tế của thế giới đã dần thay đổi. Mục đích của toàn cầu hóa sau chiến tranh là gắn kết các nền kinh tế với nhau, để giảm thiểu tối đa khả năng xảy ra một cuộc chiến tranh thế giới khác. Nhưng khi các nước rời xa nhau theo kiểu “bè phái” cộng với những mâu thuẫn đã âm ỉ từ nhiều năm, hệ quả là ai thích làm gì thì làm, luật pháp quốc tế không còn đủ tính răn đe để phán quyết hành động của các quốc gia.

Đây là tình huống xấu nhất và cũng là không mong đợi nhất. Vì khi luật pháp quốc tế bị suy yếu, bạo lực sẽ lại lên ngôi. Các cuộc chiến sẽ dễ dàng bị châm ngòi và thường dân vô tội sẽ lại phải hứng chịu hậu quả.

Hình ảnh hoang tàn ở Ukraine

Trong nguy vẫn có cơ

Toàn cầu hóa đã giúp các nền kinh tế kết nối với nhau. Và nhờ đó thị trường tài chính như trái phiếu, cổ phiếu, đồng tiền ảo, … đã được giao dịch dễ dàng hơn. Nhưng khi các nền kinh tế rời xa nhau, thị trường tài chính sẽ bị phân mảnh và ngắt kết nối, các nhà đầu tư sẽ gặp nhiều khó khăn hơn, dòng vốn lưu chuyển trong nền kinh tế toàn cầu sẽ gặp nhiều lực cản.

Thế nhưng, cũng vì vậy mà người hưởng lợi nhất khi xu hướng toàn cầu bị chia tách đó là các nước đứng ở vị thế trung lập. Như Việt Nam là một ví dụ điển hình. Chúng ta là một trong những quốc gia có nền chính trị cực kỳ ổn định, kể cả trong lẫn bên ngoài. Với những biến động khó lường hiện nay, Việt Nam đã trở thành vùng đất an toàn cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp các nước. Các quốc gia trung lập, có sự tách bạch rõ ràng về kinh tế và chính trị sẽ tạo nên một tâm lý an toàn cho các nhà đầu tư. Sự dịch chuyển chuỗi cung ứng, dòng vốn FDI cũng có xu hướng sẽ tìm đến những quốc gia đứng ngoài các cuộc xung đột địa chính trị.

Tóm lại, toàn cầu hóa không kết thúc, nó vẫn sẽ diễn ra, thế nhưng với những biến động đã xảy ra, tất yếu nó sẽ phải đi theo chiều hướng khác. Lực đẩy từ covid-19 và các cuộc xung đột chính trị đã khiến thế giới thay đổi. Trạng thái bình thường mới đang dần được thiết lập và các nước không còn cách nào khác là phải học cách thích nghi.

Huy Hoàng

Theo: Cánh cò

Related Articles

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Stay Connected

863FansLike
44FollowersFollow
0SubscribersSubscribe

BÀI MỚI

Xem nhiều

Phản biện - Luận bàn

ĐỐI TƯỢNG