Việc khởi tố, bắt tạm giam đối với bị can Trịnh Văn Quyết, nguyên Chủ tịch FLC đang tốn không ít giấy mực của báo giới. Và dĩ nhiên, với các “nhà dân chủ”, đây cũng là cơ hội tốt để chống phá chính quyền.
Cơ quan Cảnh sát điều tra – Bộ Công an đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và tiến hành tạm giam đối với bị can Trịnh Văn Quyết để tiến hành điều tra để làm rõ hành vi “Thao túng thị trường chứng khoán”, “Che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán” xảy ra ngày 10/01/2022. Việc khởi tố, bắt tạm giam đối với bị can Trịnh Văn Quyết nhận được sự đồng tình, ủng hộ lớn của dư luận, góp phần làm trong sạch môi trường đầu tư, thể hiện rõ pháp luật là nghiêm minh, bình đẳng, không có bất kỳ ngoại lệ nào.
Tuy nhiên lợi dụng vụ việc trên, đối tượng Đỗ Ngà cũng nhanh chóng “nhập cuộc”, tiến hành xuyên tạc, hướng lái bản chất vụ việc. Theo đó, y cho rằng việc các cơ quan chức năng của Việt Nam vừa ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, vừa tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Trịnh Văn Quyết về cùng một vụ việc sai phạm là vi hiến. Từ đây, Đỗ Ngà tiếp tục “múa bút” tấn công hệ thống pháp luật của Việt Nam.
Cả luật hành chính và luật hình sự Việt Nam đều công nhận nguyên tắc một hành vi sai phạm chỉ bị xử lý một lần. Tuy nhiên, không phải cứ xử lý vi phạm hành chính là có thể miễn trừ trách nhiệm hình sự. Đối với vụ việc liên quan đến bị can Trịnh Văn Quyết, ở thời điểm ban đầu, Uỷ ban chứng khoán nhà nước xác định vụ việc chỉ dừng lại ở mức vi phạm hành chính. Vì vậy, để bảo đảm thời hạn và nguyên tắc xử phạt vi phạm được tiến hành nhanh chóng, công khai, khách quan, cơ quan này đã ra quyết định xử phạt vi phạm với ông Trịnh Văn Quyết là phù hợp.
Tuy nhiên, pháp luật hành chính cũng quy định: “Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp, thủ trưởng cơ quan, đơn vị có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính có trách nhiệm phát hiện quyết định về xử lý vi phạm hành chính do mình hoặc cấp dưới ban hành có sai sót và phải kịp thời sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ, ban hành quyết định mới theo thẩm quyền” (khoản 3, Điều 18, Luật xử lý vi phạm hành chính) và “Trong quá trình thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nếu hành vi vi phạm được phát hiện có dấu hiệu tội phạm mà chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự thì người đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính phải ra quyết định tạm đình chỉ thi hành quyết định đó và trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày tạm đình chỉ phải chuyển hồ sơ vụ vi phạm cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự; trường hợp đã thi hành xong quyết định xử phạt thì người đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính phải chuyển hồ sơ vụ vi phạm cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự” (khoản 2, Điều 62, Luật xử lý vi phạm hành chính).
Đối với vụ việc đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính nhưng sau đó có quyết định khởi tố vụ án, khoản 3, Điều 62, Luật xử lý vi phạm hành chính cũng nêu rõ: “Trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, nếu cơ quan tiến hành tố tụng hình sự có quyết định khởi tố vụ án thì người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính phải huỷ bỏ quyết định xử phạt vi phạm hành chính và chuyển toàn bộ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính và tài liệu về việc thi hành quyết định xử phạt cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự”. Từ những quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính và Luật Hình sự, có thể thấy trong trường hợp của ông Trịnh Văn Quyết, vi phạm chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự. Do đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra – Bộ Công an ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can là hoàn toàn phù hợp.
Mặt khác, chúng ta cần hiểu rõ, trong cùng một vụ việc có thể có nhiều hành vi xảy ra. Vi phạm của bị can Trịnh Văn Quyết là một chuỗi các hành vi được thực hiện liên tiếp nhau. Vì vậy, để đánh giá vụ việc cần tiếp cận đầy đủ hồ sơ, tài liệu, xem xét mối liên hệ giữa các hành vi đã được thực hiện để đưa ra kết luận về tính chất, mức độ vi phạm đã được thực hiện. Những luận điệu “thầy bói xem voi” được Đỗ Ngà đưa ra là chủ quan, phiến diện, phi lý, vô căn cứ và chứa đựng mưu đồ chống phá nhà nước.
Nghiên cứu quy định của pháp luật Việt Nam, có thể thấy các nhà làm luật đã dự kiến trước tình huống một vụ việc đã xử lý vi phạm hành chính nhưng sau đó xác định vụ việc có dấu hiệu tội phạm và cơ quan điều tra tiến hành khởi tố vụ án. Đồng thời, chúng ta cũng quy định rõ cách thức xử lý tiếp theo đối với trường hợp này. Vì vậy, chẳng có lý do gì để xuyên tạc, hướng lái, biến tướng, đánh lận bản chất vụ việc.
Bảo An
Theo: Hội Cờ đỏ