Friday, March 29, 2024

Châu Âu gập ghềnh con đường “thoát Nga”

Theo Bloomberg, hôm 7/3, một vị quan chức Liên minh châu Âu (EU) giấu tên cho biết: “EU đang vạch ra một lộ trình nhằm giúp khối chấm dứt sự phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt Nga. Mục tiêu tham vọng là giúp EU có thể giảm 80% lượng nhập khẩu khí đốt từ Nga ngay trong năm nay”.

Trạm bơm khí đốt Bovanenkovo của Nga ở bán đảo Yamal (Bắc cực).

Cơ sở nào cho tham vọng “thoát Nga” của EU?

Theo nội dung trong bảng lộ trình được công bố ngày 8/3, EU cho biết họ sẽ thay thế nguồn cung khí đốt Nga bằng cách nhập khẩu khí tự nhiên hoá lỏng (Liquefied natural gas – LNG) từ Mỹ, Na Uy, Canada và Qatar.

Phó Chủ tịch Uỷ ban châu Âu Frans Timmermans cho biết: “Từ nay đến cuối năm, chúng tôi sẽ thay thế 100 tỷ m³ khí đốt đến từ Nga, tương đương hai phần ba tổng khối lượng mà EU nhập khẩu của Nga hằng năm”.

Ông cũng nhấn mạnh: “Điều này sẽ chấm dứt sự phụ thuộc thái quá của châu Âu vào Nga và mang lại châu Âu những năng lực hành động cần thiết”.

Phó Chủ tịch Uỷ ban châu Âu Frans Timmermans.

Theo số liệu thống kê, chỉ trong tháng 1/2022, EU đã nhập khẩu 10 tỷ m³ LNG từ các nước ngoài Nga. Từ đó, EU dự kiến con số sẽ có thể đạt mức 50 tỷ cho đến hết năm. Nguồn cung sẵn có, 50 tỷ mét khối đầu tiên coi như đã được giải quyết. Nhưng 50 tỷ còn lại sẽ đến từ đâu?

EU cho biết, 20 tỷ m³ khí đốt đầu tiên sẽ được thay thế bởi năng lượng gió. Số khối khí còn lại sẽ đến từ các đường ống dẫn từ các nhà cung cấp khác (không phải Nga). Châu Âu sẽ phải tìm kiếm các nguồn cung mới và đầu tư mới các hạ tầng ống dẫn tới các nhà cung cấp mới bên ngoài châu Âu. Ngoài ra, châu Âu sẽ cố gắng tận dụng nguồn khí đốt tái sinh, năng lượng điện hóa và tiết kiệm năng lượng. Dự kiến với những giải pháp trên sẽ giúp Châu Âu loại bỏ được 100 tỷ m³ đang phụ thuộc vào Nga.

Vết rạn nứt gây cản trở tham vọng của EU

Dù lộ trình rất thực tế, song châu Âu cũng phải đối mặt với không ít khó khăn. Vấn đề là nằm ở số khối khí đến từ các “đường ống mới” mà bản kế hoạch đề ra.

Để kế hoạch đề ra có thể thành công, các thành viên EU phải cùng chung sức để hành động, chi tiền xây mới các đường ống dẫn khí. Tuy nhiên, nội bộ khối đang lục đục, nhiều thành viên đã không mấy thoải mái với những khoản đầu tư “khổng lồ” cho kế hoạch xây đường ống mới để chuyển đổi năng lượng của khối. Bởi họ còn đang chật vật kiềm chế tác động chính trị trong nước do tình trạng giá năng lượng liên tục leo thang.

Giá dầu leo thang đã làm tổn hại nghiêm trọng đến một số quốc gia thành viên EU. Chỉ vài tuần trước khi nổ ra chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine, giá khí đốt ở châu Âu đã bị đẩy lên mức cao kỷ lục, đưa vấn đề khí đốt lên vị trí số 1 trong chương trình nghị sự của EU. Các chính phủ ở châu Âu khi đó đã phải chi hàng chục tỷ Euro để bảo vệ túi tiền người tiêu dùng và giảm thiểu tác động với các ngành công nghiệp của khu vực.

HƠn 150 tài xế xe tải tuần hành biểu tình phản đối tăng giá xăng dầu tại Barcelona, Tây Ban Nha hôm 23/3/2022.

Một số nhà phân tích ở châu Âu cho rằng EU nên cố gắng “tránh tâm lý lạc quan quá mức”. Cần lưu ý rằng những mục tiêu này sẽ không đạt được trong một sớm một chiều.

Một quan chức EU cũng nói việc cắt giảm nhập khẩu dầu thô và than đá từ Nga có thể đơn giản hơn, vì EU có nhiều nhà cung cấp thay thế. Nhưng vấn đề “khí đốt” lại không dễ dàng như vậy. Dầu mỏ thì rất dễ vận chuyển, chỉ cần đóng thùng dầu và vận chuyển lên tàu. Nhưng vận chuyển khí đốt bằng đường biển phức tạp hơn nhiều, còn các đường ống dẫn khí thậm chí sẽ cần tiền bạc và thời gian xây dựng hơn nữa. Để thay thế nhà cung cấp, châu Âu sẽ phải cần đến nguồn tài chính của các quốc gia thành viên. Việc nội khối không đồng thuận sẽ rất khó để EU đạt được tham vọng trong năm 2022.

Một chiếc tàu vận chuyển khí đốt hóa lỏng (LNG).

Giải pháp bất đắc dĩ: Mua lẻ các lô LNG

Vừa qua, Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck đã tới thăm Qatar và Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE). Chuyến thăm nhằm mục tiêu là tìm kiếm một thỏa thuận tạm thời trong ngắn hạn để cung cấp LNG cho các nước châu Âu.

Người phát ngôn Bộ Kinh tế Đức tại Berlin sau đó xác nhận hai nước đã ký kết được một thỏa thuận hợp tác năng lượng dài hạn. Theo ông Habeck, Qatar và UAE có “tầm quan trọng trung tâm”. Qatar hiện là một trong những nhà xuất khẩu LNG lớn nhất thế giới. Ông hy vọng nguồn cung LNG từ họ sẽ giảm bớt sự phụ thuộc của châu Âu vào Nga.

Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck.

Tuy nhiên, cách đây một tháng, Bộ trưởng Năng lượng Qatar Saad Al-Kaabi hôm 22/2 khẳng định: “Không quốc gia đơn lẻ nào có đủ khả năng thay thế Nga để đảm bảo nguồn cung LNG cho châu Âu. Nga chiếm 30-40% nguồn cung khí đốt cho châu Âu. Không quốc gia nào có thể thay thế Nga làm được điều này… Hầu hết nguồn cung LNG đều được gắn với các hợp đồng dài hạn và điểm đến rất rõ ràng. Do đó, để thay thế khối lượng khí đốt khổng lồ một cách nhanh chóng là điều gần như không thể”.

Phần lớn sản lượng LNG của Qatar đã được gắn chặt với các hợp đồng dài hạn, chủ yếu là cho các khách hàng châu Á, nên việc chuyển hướng sang châu Âu là rất khó, chỉ có thể ở mức từ 10-15% lượng LNG xuất khẩu của Qatar. Vì vậy, số lượng hạn chế của Qatar sẽ không đủ để bù vào số khối khí còn thiếu của châu Âu.

North Field, trạm nén khí LNG lớn nhất của Qatar.

Vấn đề Qatar do đó cũng là vấn đề của Châu Âu. Qatar không đủ thì Châu Âu sẽ phải mua từ các nguồn khác, trong đó có UAE, Na Uy, Mỹ và Canada. Việc không có nhà cung cấp chính và mua theo kiểu “mỗi bên một ít” sẽ khiến giá chiết khấu tất nhiên không được sâu. Điều đó lại càng làm trầm trọng hơn giá khí đốt leo thang tại châu Âu. Nếu các hợp đồng mua bán LNG không được lòng về mặt giá cả, các thành viên EU sẽ lại càng thêm lo lắng.

Ngoài ra, một vấn đề nữa là LNG có thể đến châu Âu qua đường biển, song chi phí vận chuyển sẽ là một thách thức với túi tiền của người dân châu Âu.

Liệu châu Âu có bất chấp túi tiền của mình chỉ để có thể tự do áp đặt lệnh trừng phạt Nga hay không? Đang có hai lựa chọn bày ra trước mắt, một là ở lại với Nga và người dân sẽ mua được khí đốt với giá rẻ, từ từ rồi tính chuyện thoát Nga.

Hai là “kiên định” với lộ trình cắt giảm 80% khí đốt Nga trong năm nay. Nếu vẫn tuân theo lộ trình, châu Âu tất yếu sẽ ngày càng tiến gần với “tự do” cấm vận Nga. Tuy nhiên cái giá phải trả là những đồng bạc xanh và sự rạn nứt của khối sẽ ngày càng lớn.

Giải pháp an toàn hơn là châu Âu có thể thúc đẩy tiến trình này một cách chậm rãi, thay vì quá tham vọng như lộ trình đề ra. Chậm rãi để đổi lấy an toàn cho nền kinh tế, vốn đang bị tổn thương sâu sắc do giá năng lượng leo thang.

Nhưng liệu lần này vấn đề kinh tế có áp đảo được mối bận tâm về chính trị, hay vẫn phải bị “hy sinh” như bao lần khác? Các nhà hoạch định chính sách ở EU đang phải giải một bài toán cân não đến từ bên trong lẫn bên ngoài khối.

Huy Hoàng

Theo: Cánh cò

Related Articles

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Stay Connected

863FansLike
44FollowersFollow
0SubscribersSubscribe

BÀI MỚI

Xem nhiều

Phản biện - Luận bàn

ĐỐI TƯỢNG