Ngày 22-3, trong cuộc phỏng vấn với Đài CNN (Mỹ), phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Nga sẽ xem xét khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân khi thấy có “mối đe dọa sống còn” với nước này.
“Chúng tôi có một học thuyết về an ninh nội địa và điều đó đã được công khai. Quý vị có thể đọc trong đó để thấy mọi lý do cho việc sử dụng vũ khí hạt nhân. Do đó, nếu có một mối đe dọa với sự sống còn của đất nước chúng tôi, nó (vũ khí hạt nhân) sẽ được sử dụng theo học thuyết của chúng tôi”, ông Peskov cho biết.
Theo Hãng tin Reuters, ông Peskov đã đưa ra bình luận trên sau khi được hỏi liệu ông có tự tin rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ không sử dụng vũ khí hạt nhân hay không.
Tháng trước, ông Putin đã ra lệnh cho bộ trưởng quốc phòng và tổng tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang duy trì các lực lượng răn đe hạt nhân Nga ở tình trạng sẵn sàng chiến đấu ở mức cao nhất.
Động thái mới của ông Putin làm dấy lên lo ngại về việc sử dụng vũ khí hạt nhân trong xung đột với Ukraine.
Khi được hỏi về tuyên bố của ông Peskov và lập trường hạt nhân rộng hơn của Nga, phát ngôn viên Lầu Năm Góc John Kirby nói bình luận của Nga về khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân là “nguy hiểm”.
“Đó không phải là cách một cường quốc hạt nhân nên làm. Chúng tôi đang giám sát vấn đề này mỗi ngày, trong mọi khả năng của chúng tôi”, ông Kirby cho biết.
Theo Hãng tin AFP, Nga vẫn duy trì kho dự trữ đầu đạn hạt nhân lớn nhất thế giới.
Ngoài ra, khi được hỏi về việc Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đạt được những gì ở Ukraine, ông Peskov đã trả lời: “Ông ấy vẫn chưa đạt được gì”. Tuy nhiên, phát ngôn viên Điện Kremlin khẳng định chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine “đang đi theo đúng kế hoạch và mục đích đề ra từ trước”.
Trong một diễn biến cùng ngày, theo Reuters, Nga đã có những trao đổi gay gắt với Mỹ và Anh tại Liên Hiệp Quốc, liên quan đến các cáo buộc về khả năng của một cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học ở Ukraine.
Tại cuộc họp, Nga đã nêu vấn đề rò rỉ khí amoniac ở thành phố Sumy, đông bắc Ukraine, cáo buộc “các nhóm dân tộc cực đoan Ukraine” gây ra việc này. Mỹ và Anh đã bác bỏ cáo buộc của Nga.
Phó đại diện Nga tại Liên Hiệp Quốc, ông Dmitry Polyanskiy cho biết quân đội Nga “chưa bao giờ có kế hoạch hay thực hiện các cuộc tấn công nhằm vào bất cứ cơ sở lưu trữ hay sản xuất các chất độc hại ở Ukraine”.
Ông Polyanskiy cho rằng “những nhóm dân tộc cực đoan Ukraine”, với sự khuyến khích của các nước phương Tây, đã không ngừng nhắm vào người dân của chính họ và dàn dựng các cuộc tấn công để đổ tội cho Nga.
Đây là lần thứ ba Nga nêu vấn đề về vũ khí sinh học hoặc hóa học kể từ khi nước này mở chiến dịch hoạt động quân sự đặc biệt tại Ukraine ngày 24-2. Phương Tây và Ukraine đã bác bỏ cáo buộc này.
Khai Tâm
Theo: Cánh cò