Các bình luận trong và ngoài Trung Quốc đa phần cho rằng, trong cuộc xung đột Ukraine, Mỹ là bên hưởng lợi lớn. Nhưng trang Sohu của Trung Quốc lại có quan điểm khác về vấn đề này.
Cuộc xung đột Nga – Ukraine đã kéo dài hơn 20 ngày và vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc. Các quốc gia thành viên NATO liên tục viện trợ cho Ukraine nhiều loại tên lửa chống tăng và tên lửa phòng không di động. Việc này khiến quân đội Nga phải chịu nhiều tổn thất hơn ở Ukraine.
Các bình luận trong và ngoài Trung Quốc đa phần cho rằng, trong cuộc xung đột Nga – Ukraine này, Mỹ là bên thắng lớn.
Các tập đoàn công nghiệp quân sự Mỹ hưởng lợi
Nước Mỹ không thắng, mà các tập đoàn công nghiệp quân sự Mỹ đã thắng. Người dân thường và hầu hết các công ty Mỹ khó thu được lợi ích trước và sau cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, thậm chí còn chịu thiệt hại. Cuối cùng, chỉ có các tập đoàn công nghiệp quân sự hưởng lợi.
Xung đột Nga – Ukraine chắc chắn sẽ làm chi tiêu quốc phòng của châu Âu tăng đáng kể. Chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine chắc chắn sẽ khiến nhiều nước châu Âu cảm thấy bị đe dọa rất lớn. Để ngăn chặn nguy cơ Nga có thể đối đầu quân sự với châu Âu trong tương lai, châu lục này sẽ phải củng cố tiềm lực quốc phòng. Châu Âu cần mua máy bay chiến đấu tàng hình và vũ khí chống tên lửa từ Mỹ, tạo cơ hội cho các tập đoàn quân sự Mỹ kiếm bộn tiền.
Bản thân Mỹ cũng có lý do để nâng cấp vũ khí trang bị, đó là thực hiện điều khoản phòng thủ tập thể của NATO và ngăn chặn mối đe dọa quân sự của Nga nhằm vào các nước NATO ở châu Âu. Mỹ ngăn cách với châu Âu bởi Đại Tây Dương, không gặp phải mối đe dọa nào trên bộ từ phía Nga nên các tập đoàn quân sự của Mỹ có thể yên tâm sản xuất các loại vũ khí và xuất khẩu sang châu Âu.
Người dân Mỹ và các ngành khác gặp khó
Các tập đoàn công nghiệp quân sự của Mỹ là bên chiến thắng, còn các ngành công nghiệp khác của nước này trở thành bên thua cuộc.
Theo quan điểm kinh tế, vũ khí ngày nay hoàn toàn là hàng tiêu dùng, không phải là tư liệu sản xuất. Vũ khí không thể được sử dụng để tạo ra giá trị kinh tế mới. Điều này có nghĩa là việc sản xuất vũ khí của các doanh nghiệp quân đội cuối cùng sẽ không cải thiện được trình độ sản xuất của các ngành công nghiệp khác, và không thể hình thành một chu kỳ kinh tế lành mạnh. Nếu vũ khí công nghệ cao được sản xuất tại Mỹ nhưng không được sử dụng, nó sẽ là một đống sắt vụn.
Về mặt kinh tế, giá trị của máy bay chiến đấu F-35 kém xa so với một khẩu súng săn. Súng săn có thể dùng để săn bắn các loại động vật như lợn rừng; thịt và lông động vật chính là giá trị kinh tế do súng săn tạo ra. Máy bay chiến đấu F-35 có thể đóng vai trò gì trong sản xuất? Rất tiếc là không! Thay vào đó, nhiên liệu cho một chuyến bay của F-35 có thể đủ cho vài chiếc xe ô tô dùng trong một năm. Nếu đứng trên quan điểm kinh tế đơn thuần, F-35 là một khoản nợ.
Từ góc độ của quá trình sản xuất vũ khí, khi các doanh nghiệp quân sự Mỹ sản xuất vũ khí, họ thực sự có thể thúc đẩy sự phát triển của các nhà cung cấp thượng nguồn. Nhưng sau khi vũ khí được sản xuất, việc chúng được sử dụng hàng ngày sẽ tiêu tốn rất nhiều tài nguyên của nước Mỹ.
Vũ khí ngày nay đều là những chiếc máy hút nhiên liệu. Ví dụ, xe Hummer là phương tiện quân sự tiết kiệm nhiên liệu nhất, nhưng mức tiêu hao nhiên liệu nó cũng gấp mấy lần ô tô thông thường, chưa kể máy bay chiến đấu và xe tăng.
Quân đội Mỹ sử dụng các loại vũ khí này trong quá trình huấn luyện sẽ tiêu tốn rất nhiều nhiên liệu. Điều này chắc chắn sẽ làm tăng giá nhiên liệu. Khi người dân thường của nước Mỹ phải đổ xăng với giá cao, chi phí sinh hoạt chắc chắn sẽ chỉ tăng mà không giảm.
Khi xung đột giữa Nga và Ukraine còn căng thẳng, giá dầu thế giới cũng liên tục leo thang, chạm mức 140 USD/thùng, đây sẽ là một cuộc khủng hoảng lớn đối với nền kinh tế Mỹ. Tuy nhiên, Mỹ lại tiếp tục trừng phạt Nga khiến nhiều loại dầu do Nga sản xuất không thể giao dịch bình thường, càng làm giá dầu thế giới tăng cao.
Khai Tâm
Theo: Cánh cò