Giá cả hàng hóa tăng dữ dội, chỉ số giá tiêu dùng trong tháng Hai đã tăng 5,7% so với một năm trước đó, đồng thời là tháng thứ 11 liên tiếp lạm phát vượt quá phạm vi mục tiêu từ 1-3% của Ngân hàng Trung ương Canada.
Trong tháng 2/2022, tỷ lệ lạm phát tại Canada đã xác lập mức cao kỷ lục mới khi người tiêu dùng đối mặt với đợt tăng giá dữ dội, gây thêm áp lực đối với Ngân hàng Trung ương Canada (BoC) trong việc phải đẩy nhanh tiến trình thắt chặt chính sách tiền tệ.
Phóng viên PV tai Ottawa dẫn số liệu của Cơ quan Thống kê Canada cho biết chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 2/2022 đã tăng 5,7% so với một năm trước đó, mức cao nhất kể từ tháng 8/1991, đồng thời là tháng thứ 11 liên tiếp lạm phát vượt quá phạm vi mục tiêu từ 1-3% của BoC.
Các hộ gia đình tại Canada cảm thấy khó khăn khi hàng tạp hóa tăng giá 7,4% – mức tăng cao nhất kể từ năm 2009, trong khi xăng cũng tăng giá tới 6,9%.
Đáng chú ý, khoảng 2/3 hàng hóa và dịch vụ trong rổ tính CPI đang ở mức lạm phát trên 3%.
Yếu tố mới nhất tác động đến giá tiêu dùng là xung đột giữa Nga và Ukraine, khiến giá lúa mỳ, xăng, phân bón và các mặc hàng khác tăng cao do nguy cơ thiếu nguồn cung.
Một số nhà phân tích dự báo rằng tỷ lệ lạm phát của Canada có thể lên tới 6% hoặc hơn thể trong thời gian ngắn.
Trong một phát biểu mới đây, Thống đốc BoC, ông Tiff Macklem không loại trừ khả năng tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản vào cuối năm nay.
Scotiabank ước tính lãi suất của BoC – hiện là 0,5% – sẽ kết thúc năm 2022 ở mức 2,5%. Đây là tốc độ tăng lãi suất nhanh nhất mà một ngân hàng lớn đang dự kiến. Điều đó sẽ tạo áp lực lớn đối với người tiêu dùng Canada.
Gánh nặng nợ hộ gia đình – tỷ lệ nợ thị trường tín dụng trên thu nhập khả dụng – tại Canada đã tăng lên 186% trong quý 4/2021, mức cao nhất được ghi nhận.
Hương Giang
Theo: Cánh cò