Odessa đang trở thành điểm nóng mới trong chiến dịch quân sự của Nga. Nhật Bản tham gia trừng phạt Nga, tước qui chế tối huệ quốc của Moscow.
Odessa trở thành điểm nóng mới
Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine đã bước sang ngày thứ 21 (16/03/2022), với những diễn biến mới rất phức tạp.
Thông tin cập nhật mới nhất được thiếu tướng Igor Konashenkov, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga cho biết: Rạng sáng 16/3, Nga đã tấn công và vô hiệu hóa trung tâm thông tin liên lạc ở làng Vinnitsa bằng vũ khí tầm xa, chính xác cao.
Phía Nga cũng tuyên bố bắn hạ một máy bay trực thăng Mi-24 của Ukraine trên không gần làng Sarana, cũng như sáu máy bay không người lái.
Lực lượng không quân Nga đã bắn trúng 34 cơ sở quân sự của Ukraine. Trong số này, một cơ sở lắp đặt nhiều hệ thống phóng tên lửa, 3 sở chỉ huy, 1 trạm tác chiến điện tử, 7 kho đạn và 19 điểm tập kết trang bị quân sự.
Tổng cộng từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine, Nga đã phá hủy của đối phương 180 máy bay và trực thăng, 166 máy bay không người lái, 1.367 xe tăng và các phương tiện chiến đấu bọc thép khác, 132 hệ thống tên lửa phóng loạt (MLRS), 502 pháo dã chiến và súng cối, cũng như 1.156 đơn vị xe quân sự đặc chủng của lực lượng vũ trang Ukraine.
Trong ngày, các hệ thống phòng không và phòng không của Lực lượng Hàng không vũ trụ Nga đã bắn hạ một máy bay trực thăng Mi-24 của Ukraine trên không gần làng Sarana, cũng như sáu máy bay không người lái.
Trong khi đó, bên phía Bộ Tổng Tham mưu các lực lượng vũ trang Ukraine lại đưa ra thông tin về thiệt hại của quân đội Nga: Từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt (24/02/2022), đã có hơn 13.500 lính Nga bị loại khỏi vòng chiến.
Phía Ukraine cũng tuyên bố đã phá hủy 404 xe tăng, 1.279 phương tiện chiến đấu bọc thép, 150 khẩu pháo và súng cối, 64 xe pháo phản lực phóng loạt (MLRS), 36 hệ thống phòng không, 81 máy bay phản lực, 95 trực thăng, 640 xe cộ khác, 3 tàu nhỏ, 60 téc nhiên liệu, và 9 UAV chiến thuật của Nga.
Về tình hình trên hướng bắc: Thủ đô Kiev vẫn bị phong tỏa chặt chẽ, nhưng quân đội Nga đang vấp phải sự chống trả quyết liệt của quân đội Ukraine.
Quân đội hai bên đã giao chiến quyết liệt trên phòng tuyến Gostomel-Vyshgorod và khu vực Bucha-Irpin. Ở phía đông của thành phố Kiev, cuộc giao tranh diễn ra ở phía đông bắc và phía đông của Brovary.
Các thành phố khác của miền bắc Ukraine: Chernihiv và Sumy vẫn bị phong tỏa.
Về tình hình chiến sự trên hướng đông: Thành phố Kharkov vẫn bị uy hiếp mạnh, tuy nhiên quân Nga và các đồng minh vẫn rất khó tiến sâu.
Trên hướng Donetsk, giao tranh vẫn tiếp tục ở khu vực Avdiivka và Marinka, nhưng vẫn chưa có tiến triển đột phá.
Trên hướng Gorlovka, dân quân Cộng hòa nhân dân Donetsk tự xưng (DNR) đã tiến công về hướng Verkhnetoretsky, với sự yểm trợ của pháo binh và không quân.
Dân quân Cộng hòa nhân dân Lugansk tự xưng (LNR) tiếp tục chiến đấu ở phía tây của Popasnaya, và cũng đã chiếm được ít nhất một nửa Rubizhne. Giao tranh vẫn tiếp tục ở vùng ngoại ô Severodonetsk.
Về tình hình chiến sự trên hướng nam: Điểm nóng của toàn mặt trận vẫn là thành phố Mariupol. Chiến sự trong nội thành diễn ra quyết liệt.
Quân đội Ukraine cáo buộc phía Nga đã bắn pháo phản lực loại BM-21 vào nội thành, làm nhiều người dân bị thương vong.
Quân đội Ukraine cũng đã thực hiện tập kích hỏa lực vào sân bay Kherson, phá hủy 3 trực thăng của Nga. Tuy nhiên, về tổng thể toàn bộ tỉnh Kherson đã nằm dưới quyền kiểm soát của Nga.
Thành phố Odessa bị uy hiếp mạnh mẽ bởi hải quân Nga. Các tàu đổ bộ Nga đã xuất hiện trên vùng biển ngoài khơi thành phố. Hiện ở Odessa, phía Ukraine tập trung 6 lữ đoàn, đưa cả xe tăng ra phòng thủ bờ biển (chống đổ bộ) và bảo vệ nội thành.
Nhật Bản tước qui chế tối huệ quốc của Nga
Về tình hình đàm phán giữa hai bên: Vòng đàm phán thứ tư giữa Nga-Ukraine, bắt đầu hôm 14/3, đã kéo dài sang ngày thứ 3. Một quan chức cấp cao của Ukraine cho biết, các cuộc đàm phán rất khó khăn nhưng “chắc chắn có chỗ để thỏa hiệp”.
Theo hãng tin Reuters, trong một đoạn video công bố sáng 16/3, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết, lập trường của nước này và Nga tại các cuộc hòa đàm đang có chiều hướng thực tế hơn, song vẫn cần thêm thời gian.
Về phản ứng quốc tế: Nhật Bản đã áp dụng biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Nga.
Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio tuyên bố, nước này quyết định thu hồi quy chế tối huệ quốc (Most Favoured Nation – MFN) về thương mại của Nga vì những diễn biến ở Ukraine.
Ông khẳng định sẽ hợp tác chặt chẽ với Nhóm Các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) nhằm ngăn chặn Nga khai thác các khoản vay từ Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và các tổ chức cho vay quốc tế khác.
Nhật Bản cũng sẽ mở rộng phạm vi phong tỏa tài sản của giới tinh hoa Nga và cấm nhập khẩu một số sản phẩm nhất định từ nước này.
Chế độ tối huệ quốc (MFN) là nền tảng của thương mại quốc tế. Đây là chế độ được áp dụng chủ yếu trong lĩnh vực thương mại quốc tế, theo đó người nước ngoài và pháp nhân nước ngoài được hưởng các quyền và các ưu đãi ngang bằng với các quyền và ưu đãi mà nước sở tại dành cho người nước ngoài và pháp nhân nước ngoài của bất kì nước thứ ba nào trong hiện tại và tương lai.
Các ưu đãi này chủ yếu tập trung vào lĩnh vực thuế quan đối với hàng hoá xuất nhập khẩu, lĩnh vực đầu tư…
Về phía Nhà Trắng: Ngày 16/3, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin khẳng định, các đồng minh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sẽ tiếp tục chuyển giao vũ khí phòng thủ cho Ukraine.
Phát biểu với phóng viên khi tới tham dự Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng NATO tại thủ đô Brussels (Bỉ), ông Austin nói: “Chúng tôi luôn đoàn kết trong việc ủng hộ Ukraine. Chúng tôi hỗ trợ khả năng phòng thủ và sẽ tiếp tục hỗ trợ họ”.
Quan chức Mỹ đồng thời nhấn mạnh cam kết của NATO trong việc bảo vệ toàn bộ đồng minh là “vững chắc”, mặc dù Ukraine không phải là thành viên của liên minh quân sự này.
Tương tự, theo Reuters, Bộ trưởng Quốc phòng Hà Lan Kajsa Ollongren khẳng định, nước này và các nước thành viên NATO khác sẽ tiếp tục chuyển giao vũ khí cho Ukraine ngay cả khi các chuyến hàng này có thể trở thành mục tiêu của Nga.
Khai Tâm
Theo: Cánh cò