Ngày 12/3, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ban hành một lệnh hành pháp, nghiêm cấm xuất khẩu trực tiếp, gián tiếp, tái xuất, bán hoặc cung cấp tiền giấy USD từ Mỹ hoặc của người Mỹ cho chính phủ Nga, hoặc bất kỳ ai ở Nga. Và trước đó, trong bài phát biểu hôm 11/3, Tổng Biden cũng thông báo nước này sẽ hủy bỏ quy chế “Quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn” với nước Nga.
Nỗ lực “cô lập” từ Mỹ và châu Âu
Washington đang cố gắng cắt đứt quan hệ thương mại với Moskva, bắt tay cùng các đồng minh đẩy Nga vào tình thế cô lập về kinh tế. Việc cấm chuyển đồng USD sang Nga không khác gì việc đóng băng thương mại hai chiều, xuất nhập khẩu của nền kinh tế Nga với Mỹ và các nước đồng minh châu Âu, nơi mà trước giờ đã đem lại nguồn tài chính dồi dào của Nga.
Trước đó, vào ngày 2/3, Liên minh châu Âu (EU) cũng đã cấm xuất khẩu và nhập khẩu tiền giấy Euro sang Nga, cho thấy một sự quyết liệt của EU không kém gì Mỹ. Có thể nói, phương Tây đang tìm mọi cách khóa chặt dòng tiền chảy sang Moskva đang được dùng để nuôi sống quân đội Nga ở Ukraine.
Trong một tuyên bố chung, nhóm G7 (Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản, Mỹ, Anh và Canada) đã nhấn mạnh: “Chúng tôi vẫn quyết tâm cô lập Nga khỏi các nền kinh tế của chúng tôi và khỏi các hệ thống tài chính toàn cầu.”
Không có đồng USD, nền kinh tế nước Nga sẽ bị tê liệt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến lĩnh vực nhập khẩu hàng hóa để bình ổn thị trường trong nước. Mặc dù Moskva đã cố gắng thúc đẩy đồng Rube để thay thế một USD, song việc cấm sử dụng Euro của EU đã khiến đồng Rube rớt giá mạnh. Vì vậy, việc bị cắt đứt thêm đồng USD là một cú sốc rất lớn đánh vào đồng Rube, khiến cho nó không còn được neo giữ với USD để giữ giá trị thanh khoản toàn cầu.
Ông Biden cho biết các việc nhiều nền kinh tế lớn ngăn đồng USD sang Nga sẽ tiếp tục giáng một “đòn mạnh khác” vào nền kinh tế Nga. Các biện pháp trừng phạt kinh tế sẽ làm giá trị đồng Rube “bốc hơi” và buộc thị trường chứng khoán Nga phải đóng cửa trong nay mai.
Nguy cơ phản tác dụng
Cắt đứt dòng chảy của đồng USD, đồng tiền phổ biến nhất trên thế giới, đang được giới chức phương Tây kỳ vọng sẽ “cô lập” được nền kinh tế nước Nga.
Về lý thuyết là vậy. Nhưng thực tế chính phương Tây cũng đang đối mặt với nguy cơ bị phản tác dụng ngược khi cố gắng thi hành nhiều chính sách cô lập Nga.
Đầu tiên, việc cấm USD thật ra chỉ là lệnh cấm chuyển USD từ Mỹ sang Nga. Và tất nhiên, Mỹ không thể cấm các quốc gia bên ngoài phương Tây dùng USD thanh toán cho các hợp đồng thương mại với Nga. Cho nên, xét về lý thuyết, Điện Kremlin vẫn có nguồn khác để thu vào USD nhằm gia tăng nhập khẩu hàng hóa của thế giới, bình ổn giá cả trong nước trước các lệnh trừng phạt nặng nề từ phương Tây.
Thứ hai, các quốc gia thành viên của EU sẽ phải thanh toán cho Nga bằng đồng tiền nào khi bản thân họ vẫn loay hoay chưa tìm được nguồn cung dầu khí thay thế Nga? Nếu USD bị cấm từ châu Âu sang Nga, thì tất yếu các hợp đồng mua dầu khí từ Nga sẽ được thanh toán bằng một loại tiền tệ khác. Và trong bối cảnh hiện tại, họ gần như chỉ còn 2 lựa chọn: Đồng Rube của Nga và đồng Nhân Dân Tệ (NDT) của Trung Quốc.
Điều đó cũng nói lên rằng, thực chất Nga mới là bên “nắm quyền sinh sát”. Điện Kremlin có toàn quyền ra giá, quyết định thanh toán bằng đồng tiền gì và châu Âu sẽ bắt buộc phải chấp nhận. Bởi nếu không, sẽ không chẳng có giọt dầu hay dòng khí nào chảy sang châu Âu.
Nga là một trong những quốc gia giàu có nhất về nguyên liệu thô, đứng đầu thế giới về sản xuất và xuất khẩu khí đốt tự nhiên và thứ hai về xuất khẩu dầu mỏ. Các nước phương Tây phụ thuộc đáng kể vào dầu khí, quặng, kim loại, phân bón của Nga và việc thay thế tất cả tài nguyên đó không phải là dễ dàng, nếu không nói là bất khả thi. Các nước không thể dừng lại việc mua hàng của Nga trong một sớm một chiều, cho nên việc cấm vận chuyển USD sang Nga quá sớm sẽ khiến cho những đồng tiền khác thế vào chỗ của USD. Và đó có thể là đồng Rube Nga hoặc là đồng NDT của Trung Quốc.
Nếu đồng Rube mất giá và Nga chấp nhận việc thanh toán bằng đồng NDT, thì tất yếu sẽ tạo ra động lực cho đồng NDT ngày một có đà lấn át vị thế chủ đạo của đồng USD trên thị trường quốc tế.
Không thể phủ nhận việc Nga là một phần quan trọng của nền kinh tế toàn cầu. Vì thế, việc cố gắng loại Nga ra khỏi hệ thống kinh tế thế giới là vô cùng khó khăn. Thậm chí, nếu quá cưỡng ép, đòn kinh tế của phương Tây hoàn toàn có thể phản tác dụng và đẩy nhanh quá trình hạ bệ đồng USD.
Thứ ba, Nga là nhà xuất khẩu vũ khí lớn thứ hai trên thế giới, chỉ sau Mỹ. Vì vậy, việc phương Tây áp đặt lệnh trừng phạt, cấm dùng đồng USD và Euro sẽ tạo động lực để Nga chuyển sang nhận thanh toán bằng đồng NDT, gián tiếp khiến đồng Rube và NDT trở thành lựa chọn duy nhất cho các đối tác khi thanh toán các hợp đồng thương mại với Nga, đặc biệt là trong lĩnh vực quân sự. Điều đó sẽ gián tiếp giúp đồng NDT và Rube trở nên phổ biến hơn trong các giao dịch toàn cầu thay cho đồng USD.
Do đó, lệnh trừng phạt cấm vận chuyển USD và Euro thực chất là một “con dao hai lưỡi” cắt đúng và “yếu huyệt” năng lượng của toàn bộ nền kinh tế phương Tây, đặc biệt là châu Âu.
Cuộc chiến kinh tế Mỹ Nga không thể kết thúc trong một sớm một chiều. Nga vẫn đang có một lợi thế là họ nằm cạnh công xưởng thế giới, Trung Quốc. Moskva có thể dùng trực tiếp đồng NDT để mua hàng hóa từ bên kia biên giới để bình ổn thị trường trong nước, không nhất thiết phải có đồng USD.
Vào thời điểm hiện tại, liệu các chính sách của Mỹ và EU có cô lập thành công được Nga vẫn còn là một ẩn số. Nhưng nếu thất bại, chính chiêu bài cô lập sẽ giúp nền kinh tế Nga vẫn duy trì được độ ổn định, thậm chí là phát triển. Và tất yếu, vị thế của đồng USD sẽ bị càng đe dọa và thách thức ngày một nặng nề hơn.
Huy Hoàng
Theo: Cánh cò