Chiến tranh hạt nhân là sự kết thúc của nền văn minh và nó không thể được cho phép dưới bất kỳ hình thức nào, Tass dẫn lời Phó Giám đốc Cục kiểm soát vũ khí và không phổ biến vũ khí hạt nhân tại Bộ Ngoại giao Nga Igor Vishnevetsky cho biết.
Cụ thể, ông Igor Vishnevetsky, Phó Giám đốc Cục kiểm soát vũ khí và không phổ biến vũ khí hạt nhân thuộc Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh trong một cuộc thảo luận tại Câu lạc bộ Valdai rằng, một cuộc chiến tranh hạt nhân không thể xảy ra bởi nó sẽ đồng nghĩa với sự kết thúc của nền văn minh.
“Loại chiến tranh này là không thể. Nhiều chuyên gia hiểu hậu quả của chiến tranh hạt nhân là gì. Đó là sự kết thúc của nền văn minh và nó không thể được phép dưới bất kỳ hình thức nào”, ông Vishnevetsky nói.
Ông nêu rõ thực tế là bất chấp những mâu thuẫn tồn tại hiện nay, 5 quốc gia hạt nhân (Nga, Trung Quốc, Mỹ, Anh và Pháp) đều có chung quan điểm rằng, chiến tranh hạt nhân là điều không thể xảy ra.
“Chúng ta có 5 cường quốc hạt nhân. Một số trong số họ có mâu thuẫn rất nghiêm trọng với nhau. Điều này hiện đang được chú ý trong bối cảnh cuộc khủng hoảng Ukraine. Tuy nhiên, chúng tôi đang đưa ra một tuyên bố chung (về việc không thể chấp nhận chiến tranh hạt nhân)”, ông Vishnevetsky nhấn mạnh.
Ngày 3/1, các nhà lãnh đạo của 5 cường quốc hạt nhân, là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã thông qua một tuyên bố chung. Tuyên bố nhấn mạnh rằng họ coi trách nhiệm chính của mình là ngăn chặn chiến tranh giữa các nước sở hữu vũ khí hạt nhân và giảm thiểu rủi ro chiến lược.
Các nhà lãnh đạo cũng bày tỏ tin tưởng rằng không thể có người chiến thắng trong một cuộc chiến tranh hạt nhân và nó sẽ không bao giờ được bùng nổ. Họ lên tiếng phản đối việc tiếp tục phổ biến vũ khí hạt nhân và tuyên bố mong muốn hợp tác với tất cả các quốc gia để tạo ra bầu không khí an ninh.
“Mỹ không thể để xung đột Nga-Ukraine leo thang thành chiến tranh hạt nhân”
Cựu Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Bill Barr trả lời phỏng vấn Fox News ngày 10/3 nhận định, Mỹ không thể cho phép xung đột hiện nay giữa Nga và Ukraine “leo thang thành một cuộc chiến tranh hạt nhân”, đồng thời cảnh báo giờ là lúc “cần phải thận trọng” và tránh mọi “xung đột trực tiếp” với Nga.
Cựu quan chức tư pháp Mỹ cho biết, ông nhất trí với các động thái của chính quyền Tổng thống Biden từ chối kế hoạch của Ba Lan gửi chiến đấu cơ MiG-29 cho quân đội Ukraine.
Ngoại trưởng Ba Lan Zbigniew Rau trước đó nói rằng chính phủ nước này đã sẵn sàng triển khai việc chuyển giao ngay lập tức và miễn phí tất cả các máy bay MiG-29 đến căn cứ không quân Ramstein của Mỹ ở Đức và cho phép Washington quản lý việc sử dụng các máy bay này. Tuy vậy, Lầu Năm Góc đã từ chối đề xuất này và cho rằng nó “không phù hợp”.
Trong một tuyên bố phát ngày 8/3, Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết viễn cảnh các máy bay khởi hành từ căn cứ của NATO bay vào vùng trời đang có giao tranh có thể dấy lên lo ngại nghiêm trọng đối với toàn bộ liên minh.
Thư ký báo chí Lầu Năm Góc John Kirby cho biết: “Chúng tôi sẽ tiếp tục tham vấn với Ba Lan và các đồng minh NATO khác của chúng tôi về vấn đề này và những khó khăn hậu cần. Tuy nhiên, chúng tôi không cho rằng đề xuất của Ba Lan là một đề xuất phù hợp”.
Ukraine đã và đang đề nghị các nước phương Tây gửi viện trợ quân sự và thiết lập vùng cấm bay trên lãnh thổ nước này nhưng cả Mỹ và các nước NATO nhiều lần lên tiếng cho rằng vùng cấm bay ở Ukraine có thể dẫn đến xung đột trực tiếp với Nga.
“Chúng ta phải hết sức cẩn trọng tránh để xảy ra xung đột trực tiếp với Nga – một cường quốc hạt nhân và chúng ta không thể cho phép điều này leo thang thành một cuộc chiến tranh hạt nhân. Tôi nghĩ giờ là lúc cần thận trọng và không leo thang”, ông Barr nói.
Ông Barr cho biết thêm: “Đó là lý do tại sao việc Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân lại là câu chuyện lớn và đó cũng là lý do tại sao các nỗ lực hiện nay của chính quyền Tổng thống Mỹ Biden mở lại các cuộc đàm phán hạt nhân Iran là vấn đề rất nghiêm túc”.
Về chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine hiện nay, cựu Bộ trưởng Tư pháp Mỹ cảnh báo cuộc chiến có thể còn kéo dài, đồng thời cho rằng không có khả năng Moscow sẽ phát động tấn công nhằm vào các nước khác trong khu vực.
“Tôi không nghĩ có bất kỳ rủi ro nào trong ngắn hạn liên quan đến việc ông ấy [Tổng thống Putin – ND] mở rộng chiến dịch quân sự sang các nước khác. Tôi không nghĩ có bất kỳ kế hoạch nào vượt ra ngoài lãnh thổ Ukraine ở vào thời điểm này”, ông Barr nhận định.
Cựu Bộ trưởng Barr cho rằng, chính sự không quyết đoán, thiếu nhanh nhạy trong dự báo tình hình và những sơ hở bộc lộ trong quá trình rút quân khỏi Afghanistan của chính quyền Biden là một trong các yếu tố khiến Nga thực hiện nước đi như hiện tại ở Ukraine.
“Ông Biden đã không làm bất cứ điều gì, chẳng hạn như chuyển khí tài và nguồn lực đến Ukraine trước khi cuộc chiến bắt đầu – nếu làm điều này từ trước thì có thể sẽ khiến Nga nản lòng”, ông Barr chia sẻ quan điểm.
Tùng Anh
Theo: Cánh cò