Trong kỳ họp tại Liên Hợp quốc vừa qua về việc thông qua nghị quyết yêu cầu Nga rút quân khỏi Ukraine, Việt Nam đã bỏ lá phiếu trắng (trung lập). Ngay sau đó, trang Luật khoa tạp chí và một số đối tượng đã đăng bài cho rằng “ba phải, không dám lên án chủ nghĩa bá quyền, đế quốc”, “có thái độ ỡm ờ trước cái ác”.
Có lẽ, trang Luật khoa tạp chí đã cố tình lờ đi nguyên tắc “4 không” của Việt Nam đã được ghi rõ trong Sách trắng quốc phòng 2019: không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế. Trong bối cảnh hội nhập, toàn cầu hóa, tình hình thế giới diễn biến phức tạp, Việt Nam chúng ta luôn ngoại giao với nguyên tắc tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và hợp tác cùng phát triển. Chúng ta nói không với việc tham gia vào liên minh quân sự hay đứng về phía một nước nào để chống lại nước kia. Giống như Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh đã từng nói: “Chúng tôi chọn chính chúng tôi. Không ai và không nước nào có thể bắt Việt Nam phải chọn bên vì chúng tôi độc lập, tự chủ, giành và giữ độc lập bằng sức của mình”.
Trong kỳ họp Liên Hợp quốc vừa qua, đại sứ Đặng Hoàng Giang với bài phát biểu của mình đã thể hiện rất rõ ràng thái độ của Việt Nam chính trực trước sự kiện quốc tế này. Việt Nam tôn trọng vai trò của Liên Hợp quốc trong việc gìn giữ hòa bình thế giới và đang tuân thủ đúng nguyên tắc hoạt động của tổ chức đa phương này, đó là: không được phép can thiệp vào công việc thuộc thẩm quyền nội bộ của bất kỳ quốc gia thành viên nào. Điều 1, Khoản 2, Hiến chương Liên hợp quốc ghi: Tổ chức Liên hợp quốc ra đời nhằm “Phát triển mối quan hệ hữu nghị giữa các dân tộc trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc bình đẳng và quyền tự quyết của các dân tộc…”. Nếu Việt Nam can thiệp vào chuyện nội bộ của nước khác thì chẳng khác nào đang vi phạm Hiến chương Liên Hợp quốc.
Trước tình hình chiến sự hỗn loạn ở Ukraine, Việt Nam kêu gọi đảm bảo an toàn, tính mạng, quyền con người cho người dân Ukraine cũng như những người ngoại quốc đang sinh sống, làm việc ở Ukraine. Những công dân Việt Nam hiện đang sinh sống, lao động và học tập ở Ukraine hiện nay cũng đang nhận sự trợ giúp của Chính phủ để hồi hương sớm nhất có thể. Việt Nam với tư cách là một quốc gia độc lập, một “nạn nhân” của cuộc chiến, điều mong muốn nhất đó là hòa bình. Hiện nay, Việt Nam đang kêu gọi các bên tuân thủ Hiến chương Liên Hợp quốc và Luật pháp quốc tế, ủng hộ giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hoà bình, để giảm thiểu tối đa thiệt hại về người và của.
Việc Luật Khoa tạp chí cố tình “buộc tội” Việt Nam, chúng ta có thể thấy rõ âm mưu kích động, chia rẽ của những kẻ đứng sau. Đặt giả thuyết, nếu Việt Nam bỏ phiếu thuận thì chúng sẽ nói ta nhu nhược, không có tinh thần đấu tranh bởi Ukraine hợp tác với NATO đe doạ hoà bình trên lãnh thổ Nga nên hành động tự vệ vũ trang của Nga là hợp lí. Ngược lại, nếu ta bỏ phiếu chống thì chúng lại bảo Việt Nam ủng hộ Liên Xô với âm mưu bành trướng lãnh thổ, xây dựng lại chính quyền Xô Viết cũ, không yêu chuộng hoà bình. Bất cứ động thái nào của Việt Nam cũng sẽ bị những kẻ mưu đồ chính trị chống phá đặt điều trở nên xấu xí.
Tuy nhiên, Việt Nam là một trong số ít các quốc gia có bề dày kinh nghiệm và lịch sử về hoạt động ngoại giao nhằm giải phóng dân tộc và phát triển đất nước. Chúng ta có những Hiệp định ký với các cường quốc mang ý nghĩa và giá trị tầm cỡ thế giới. Chúng ta có những nhà ngoại giao lỗi lạc được thế giới vinh danh ở giải thưởng Nobel Hòa bình cùng với những tên tuổi lỗi lạc. Ở thời điểm hiện tại, Việt Nam chúng ta vẫn luôn là đối tác đáng tin cậy, có uy tín cao trên trường quốc tế. Chính vì những lý do kể trên, mỗi người dân Việt Nam hoàn toàn có đủ cơ sở để tin tưởng vào đường lối, chính sách ngoại giao của đất nước.
LS Lê
Theo: Hội Cờ đỏ