Sau khi Mỹ và phương Tây áp dụng hàng loạt lệnh trừng phạt thì mới đây, Nga đã có động thái trả đũa.
Đe dọa từ Nga
Ông Dmitry Rogozin, người đứng đầu cơ quan vũ trụ nhà nước Roscosmos, cho biết Nga đã quyết định ngừng cung cấp động cơ tên lửa cho Mỹ để trả đũa các lệnh trừng phạt đối với Nga đối với Ukraine.
“Trong tình huống như thế này, chúng tôi không thể cung cấp cho Mỹ những động cơ tên lửa tốt nhất thế giới của chúng tôi. Hãy để họ bay trên một thứ khác, chổi bay chẳng hạn, tôi không biết nữa”, ông Rogozin nói trên kênh truyền hình nhà nước Nga.
Theo ông Rogozin, Nga đã chuyển giao tổng cộng 122 động cơ RD-180 cho Mỹ kể từ những năm 1990, trong đó 98 động cơ được sử dụng để cung cấp năng lượng cho các phương tiện phóng Atlas.
Ông Rogozin cho biết, Roscosmos cũng sẽ ngừng bảo dưỡng các động cơ tên lửa mà họ đã giao cho Mỹ trước đây, đồng thời cho biết thêm rằng Mỹ vẫn còn 24 động cơ mà hiện tại sẽ không nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật nào từ Nga.
Trước đó, Nga cho biết họ sẽ ngừng hợp tác với châu Âu về các vụ phóng vào không gian từ sân bay vũ trụ Kourou ở Guiana thuộc Pháp để đáp trả các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Ukraine.
Tổng Giám đốc Rogozin cho hay Nga đã quyết định đình chỉ hợp tác với Đức về các thí nghiệm trên Trạm vũ trụ quốc tế (ISS). Quan chức này xác nhận để phản đối hành động của Trung tâm Hàng không vũ trụ Đức, Nga đã quyết định tắt đài quan sát vũ trụ Spektr-RG cách Trái Đất 1,5 triệu km.
Moscow cũng đã yêu cầu công ty vệ tinh OneWeb của Anh đảm bảo rằng các vệ tinh của họ sẽ không được sử dụng cho mục đích quân sự. OneWeb, trong đó chính phủ Anh có cổ phần, cho biết họ đã hoãn tất cả các vụ phóng từ Sân bay vũ trụ Baikonur của Nga ở Kazakhstan.
Ông Rogozin cho biết Nga hiện sẽ tập trung vào việc tạo ra các tàu vũ trụ mục đích kép phù hợp với nhu cầu của Roscosmos và Bộ Quốc phòng Nga.
Roscosmos tuyên bố không còn bắt buộc phải tham gia các hoạt động vũ trụ
Sau các lệnh trừng phạt của phương Tây, Nga đã đe dọa rằng họ sẽ không thực hiện tất cả các nghĩa vụ quốc tế liên quan đến lĩnh vực không gian.
Phát biểu với RT, ông Rogozin đề cập rằng các cuộc tấn công mạng của tin tặc Ukraine trên trang web của Roscosmos là một ‘hành động chiến tranh’ và khẳng định rằng quốc tế không thể thực hiện các hoạt động ngoài không gian mà không có Nga.
Phát biểu về các lệnh trừng phạt chống lại chương trình không gian của Nga, ông nói rằng chúng “đã được đưa ra cách đây khá lâu vào năm 2014”. Thừa nhận rằng Roscosmos đã thiệt hại nhiều do các lệnh trừng phạt, ông nói: “Chúng tôi đã có thể chế tạo các thiết bị của riêng mình và sẽ tiếp tục sản xuất chúng”.
Trước đó, chính ông Rogozin cũng ngầm đe dọa trên Twitter cá nhân rằng Nga có thể sẽ rút khỏi trạm vũ trụ ISS, và khi đó trạm này có thể sẽ mất kiểm soát, rơi tự do xuống Trái Đất.
Phản ứng lại vụ việc, NASA cho biết Nga vẫn tiếp tục hoạt động cho trạm vũ trụ ISS trong khi tỉ phú Elon Musk nói công ty SpaceX của ông có cách để giữ cho ISS không rơi trong trường hợp xấu nhất.
Phạm Hùng
Theo: Cánh cò