Khi thông tin về cuộc chiến tại Ukraine tràn ngập các phương tiện truyền thông, các đối tượng chống phá ra sức tận dụng để tô vẽ, phóng đại nhằm mục đích hạ thấp và bôi nhọ lãnh đạo nhà nước.
Chỉ cách đây vài ngày, Đại sứ Nguyễn Hồng Thạch bị một số người chửi rủa thậm tệ vì vấn đề chậm di tản công dân Việt Nam ở Ukraine. Việc này đến từ nguyên nhân bất khả kháng là cuộc chiến diễn ra quá bất ngờ, khiến chính các nước đối tác của Nga như Thổ Nhĩ Kỳ, Israel, Trung Quốc và thậm chí chính đất nước Ukraine cũng không có thông tin để kịp phản ứng. Một số đối tượng khác thì chỉ trích Việt Nam vì chưa hùa theo luận điệu của phương Tây lên án nước Nga xâm chiếm Ukraine. Và mới đây nhất là nhiều đối tượng dùng hình ảnh lãnh đạo của Tổng thống Ukraine Zelensky để hạ thấp và bôi nhọ hình ảnh lãnh đạo đất nước.
Phải thừa nhận trong khi đất nước Ukaine bị lôi kéo vào một cuộc chiến tàn khốc thì Tổng thống Volodymyr Zelenskyy đã thể hiện được tầm ảnh hưởng của mình. Ông liên tục lên mạng thúc giục người dân quyết chiến đến cùng để bảo vệ đất nước, từ chối mọi sự di tản. Ông liên lạc với mọi quốc gia có thể giúp đỡ, than vãn, chỉ trích phương Tây nếu cần. Nhưng ông là một “người hùng bất đắc dĩ”. Những hình ảnh oai phong trên truyền thông được nhiều người ủng hộ không che lấp được thực tế là ông đã có những sai lầm trong chính sách, đẩy cả đất nước vào thảm cảnh. Ukraine hoàn toàn có thể như trước kia, giữ được độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và môi trường ổn định để yên tâm phát triển kinh tế. Vì chạy theo những ảo tưởng hào nhoáng và cả âm mưu từ phương Tây mà từ một quốc gia lớn đang trên đà thịnh vượng, Ukraine rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng, và hiện tại đang ở giữa vòng xoáy của một cuộc chiến.
Từ một diễn viên hài lừng danh trở thành Tổng thống rồi một nhà lãnh đạo thời chiến bất đắc dĩ, ông đã tận dụng tốt lợi thế truyền thông để biến mình thành trung tâm giữa cuộc chiến. Thế nhưng chỉ vài tháng trước ông bị nhìn nhận là một người không có kinh nghiệm chính trị, quá phụ thuộc vào nhóm cộng sự thiếu kinh nghiệm. Chỉ một năm trước, các cuộc đàm phán hòa bình và xây dựng quan hệ với lãnh đạo Nga sụp đổ. Trong khi đó, Covid-19 cũng tấn công người dân và nền kinh tế Ukraine khiến đời sống người dân khốn đốn sau những năm dài khủng hoảng. Hình ảnh chống tham nhũng của ông cũng từng bị hoen ố khi các dữ liệu rò rỉ cho thấy ông và các đối tác trong công ty sản xuất hài kịch Studio Kvartal 95 liên quan tới 10 thực thể đăng ký tại Belize, Quần đảo Virgin của Anh và Cộng hòa Cyprus. Kết quả trung bình của 4 cuộc khảo sát dư luận vào giữa tháng 12 năm ngoái cho thấy tỷ lệ ủng hộ của ông Zelensky giảm xuống 25%.
Hình ảnh thảm hại đó đã bị cuộc chiến hiện tại che phủ, và ông Zelensky đang được tung hô sau những hình ảnh hoành tráng trên truyền thông. Nhiều người từ trước đến nay có thể chưa nghe tên Zelensky, nay bị ảo ảnh đó thu hút và trở nên ngưỡng mộ. Các đối tượng chống phá lập tức nắm lấy tâm lý này để bai lãnh đạo Việt Nam, cho rằng không bằng lãnh đạo xứ họ. Thế nhưng những người này đã cố tình quên sự kiện năm 2014 khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển của Việt Nam.
Việt Nam khi đó đã khẳng định, “đang cân nhắc các phương án để bảo vệ mình, kể cả phương án đấu tranh pháp lý, theo luật pháp quốc tế nhưng Việt Nam không tham gia bất cứ liên minh quân sự nào để chống lại một quốc gia khác và đây là chính sách đối ngoại nhất quán của Việt Nam“. Bởi “Việt Nam đã chịu nhiều đau thương mất mát từ các cuộc chiến tranh xâm lược. Vì thế, chúng tôi luôn tha thiết có hòa bình, hữu nghị để xây dựng và phát triển đất nước”. Kết quả, với những phản ứng quyết liệt nhưng mềm dẻo của Việt Nam, Trung Quốc khi đó đã phải tôn trọng bằng cách rút giàn khoan ra khỏi vùng biển Việt Nam.
Việc Trung Quốc chiếm đóng trái phép quần đảo Hoàng Sa và một số đảo Trường Sa của Việt Nam là thực tế hiện hữu, nhưng Việt Nam kiên quyết đòi lại bằng cách biện pháp hòa bình và chứng cứ pháp lý. Điều này cũng tương tự như tranh chấp đảo Dokdo giữa Hàn Quốc và Nhật Bản, đảo Điếu Ngư giữa Nhật Bản và Trung Quốc, Quần đảo Kuril giữa Nhật Bản và Nga. Thế giới có nhiều xung đột nhỏ như vậy, nhưng chiến tranh và vũ lực bao giờ cũng chỉ là biện pháp cuối cùng và bất đắc dĩ.
Thế nhưng có nhiều đối tượng muốn Việt Nam phải đánh nhau với Trung Quốc vì những mưu đồ cá nhân, để làm Việt Nam suy yếu và bất ổn. Chính vì điều này, họ coi việc Việt Nam giữ quan hệ hòa hảo với Trung Quốc là kém cỏi so với ông Tổng thống “anh hùng chiến tranh bất đắc dĩ” Zelensky. Vị thế lãnh đạo quốc gia luôn luôn cần nhìn vấn đề từ đại cục, không phải là những ảo ảnh truyền thông nhanh đến rồi nhanh đi. Một quốc gia đang trong vòng xoáy bất ổn so với một quốc gia đã có quan hệ chiến lược với các nước lớn như Nga, Trung Quốc, và ngay cả Mỹ cũng đã đặt vấn đề muốn nâng tầm quan hệ lên mức cao nhất, thì chính sách nào tốt hơn thiết nghĩ đã quá rõ ràng.
An Diễm
Theo: Cánh cò