Nhìn thấy rõ chênh lệch sức mạnh quân sự với Nga, Tổng thống Zelensky đã áp dụng loại vũ khí hiệu quả giúp trả đòn trước đối phương, giúp phần nào đó lật ngược tình thế.
Vũ khí trên tay ông ZelenskyTrong một chuỗi các cuộc điện thoại từ Kiev, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã thuyết phục phương Tây đồng ý với một loạt các biện pháp trừng phạt chống lại Nga, điều mà chỉ một tuần trước đó, không ai có thể tưởng tượng nổi chúng có thể được thực hiện.
Tờ The Guardian mô tả chiếc điện thoại hiện đang là thứ vũ khí hiệu quả nhất của nhà lãnh đạo Ukraine trong việc phản ứng với chiến dịch quân sự của Nga, tạo nên sự đối lập rõ rệt giữa sức mạnh cứng và sức mạnh mềm của hai bên.
Cảm nhận được dư luận châu Âu đang phản ứng như thế nào trước sự dũng cảm của người dân trong nước, ông Zelensky đã liên tục điện thoại cho các nhà lãnh đạo phương Tây, sử dụng trang Twitter cá nhân để vừa vỗ về, động viên, trách móc lẫn khen ngợi các đồng minh của mình.
Trong quá trình này, các biện pháp trừng phạt được coi là không tưởng cách đây một tuần đã trở thành nền tảng giúp Ukraine ứng phó với chiến dịch quân sự của Nga.
Các quan chức thừa nhận tốc độ mà phương Tây đồng ý với các lệnh trừng phạt mới cũng khiến các luật sư, quan chức và chủ ngân hàng ngã ngửa, vì họ phải làm việc dưới áp lực khủng khiếp để biến một loạt các quyết định trên thành hiện thực.
“Chúng tôi rất kính trọng ông ấy. Ông ấy có thể không cứu được Ukraine, hay thay đổi được nước Nga, nhưng ông ấy đang thay đổi cả châu Âu”, một lãnh đạo văn phòng nói với The Guardian.
Nhìn vào nhật ký cuộc gọi, ai cũng phải bất ngờ về tần suất liên lạc rất lớn của nhà lãnh đạo Ukraine.
Tổng thống Zelensky đã có chuỗi ngày ngoại giao liên tục với các cuộc điện thoại cho Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, Thủ tướng Ý Mario Draghi, Tổng thống Thụy Sĩ Ignazio Cassis, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.
Sau đó là Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte, Tổng thư ký LHQ António Guterres, Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Giáo hoàng, Thủ tướng Séc Petr Fiala, Thủ tướng Ba Lan Andrzej Duda, và cuối cùng là thủ tướng Anh.
Tất cả đều tập trung vào yêu cầu viện trợ vũ khí và các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn. Những lời kêu gọi đã mang lại phần thưởng vàng cho ông Zelenskiy và giúp phần nào đó lật ngược tình thế.
Ukraine phản đòn Đã có nhiều thứ thay đổi trong thời gian Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, nhưng việc Đức quay ngoắt 180 độ, chấp thuận bán vũ khí cho Ukraine, cam kết sẽ tăng chi tiêu quốc phòng lên 2% GDP và đồng ý cắt đứt Nga khỏi mạng lưới Swift, không chỉ là một loạt các thay đổi chính sách bất thường, mà là sự đánh dấu bước ngoặt trong tư duy hậu Thế chiến II của Berlin.
Công sức của Tổng thống Zelensky tạo ra sự xoay chuyển lịch sử này là không hề nhỏ.
Tương tự, Thủ tướng Ý Mario Draghi hồi đầu tuần nhấn mạnh nhu cầu về các giải pháp lâu dài cần thiết để không sử dụng khí đốt của Nga, nhận ra rằng sự phản đối chính trị trước đây đối với các biện pháp cứng rắn đã tan biến.
Ông Zelensky đã giao sáng kiến cho các quốc gia như Anh, Canada và Pháp để kêu gọi các quốc gia khác chấp nhận loại bỏ Nga khỏi hệ thống thanh toán Swift.
Vào tối thứ Bảy, danh tính của các ngân hàng Nga có khả năng bị loại bỏ vẫn đang được tiến hành, nhưng Gazbank, ngân hàng quan trọng đối với các giao dịch năng lượng của Nga, có khả năng nằm trong danh sách.
Một quan chức khác thừa nhận cơ hội để quân đội Ukraine có thể chống lại các lực lượng vượt trội hơn hẳn của Nga là rất hạn chế.
Do vậy, mục tiêu thực sự của Kiev là khiến cho Nga phải trả giá đắt về mặt kinh tế và chính trị, cao đến mức Tổng thống Putin buộc phải nhận ra rằng ông không thể giành chiến thắng một cách hoàn toàn.
Mạnh Kiên
Theo: Cánh cò