Từng là điệp viên KGB, Tổng thống Nga Vladimir Putin khiến tình báo Mỹ phải khó khăn trong việc giải mã những ý định của vị tổng thống này.
Hơn hai tháng trở lại đây, giới tình báo Mỹ và phương Tây đã ra sức đoán định mục đích của Tổng thống Nga Vladimir Putin khi triển khai hơn 100.000 binh sĩ và khí tài gần biên giới Ukraine là chuẩn bị cho một kế hoạch quân sự nhằm vào nước láng giềng hay chỉ nhằm tạo vị thế đàm phán cho Nga. Họ cảnh báo kịch bản Nga có thể sắp động binh với Ukraine, nhưng hôm 15/2, Moscow bất ngờ tuyên bố rút dần binh sĩ khỏi các khu vực này.
New York Times dẫn lời một quan chức Mỹ nhận định, tính toán của ông Putin dường như đã thay đổi khi ông cân nhắc đến những hệ quả nếu động binh với Ukraine so với những gì mà Moscow có thể có từ các cuộc đàm phán. Một vài quan chức của Mỹ cho rằng, nhà lãnh đạo Nga thường có xu hướng chờ đến phút chót mới đưa ra quyết định và liên tục đánh giá lại các phương án lựa chọn.
Việc giải mã những ý định của một nhà lãnh đạo vốn không dễ dàng, nhưng còn khó khăn và thách thức hơn với Tổng thống Nga Vladimir Putin, một cựu điệp viên KGB. Ông Putin tránh sử dụng các thiết bị điện tử có thể bị nghe lén, hạn chế người ghi chép, hạn chế chia sẻ với trợ lý. Đó là lý do khiến giới tình báo nước ngoài khó có thể “giải mã” những tính toán của nhà lãnh đạo Nga.
Rõ ràng, Mỹ đã đẩy mạnh hoạt động tình báo về các kế hoạch quân sự của Nga thậm chí vài tuần trước khi nó diễn ra. Tuy nhiên, từ lâu Mỹ tự nhận thấy rằng họ vẫn bị động với những quyết định của ông Putin từ việc cho sáp nhập bán đảo Crimea đến chiến dịch quân sự ở Syria.
Minh Ngọc
Theo: Cánh cò