Vụ trộm bảo tàng Green Vault tại Đức làm bốc hơi số cổ vật trị giá 128 triệu USD đã từng khiến cả thế giới chấn động, đặc biệt vì cách những tên tội phạm ra tay.
Sau 9 nhát rìu bổ cực mạnh, lớp tủ kính của bảo tàng Green Vault thuộc thành phố Dresden (Đức) vỡ ra. 2 tên trộm đeo mặt nạ thò tay vào, khoắng lấy 21 món trang sức vô giá bằng kim cương bên trong rồi nhanh chóng biến mất.
Đó là chuyện xảy ra vào ngày 25/11/2019. Nó chỉ diễn ra trong vài phút ngắn ngủi, và những món trang sức có giá trị bậc nhất thế giới – cả về lịch sử lẫn hiện kim – đã bốc hơi.
Vụ trộm chấn động thế giới
Ngày 28/1/2021, phiên tòa xét xử 6 người đàn ông liên quan đến vụ trộm trang sức lớn nhất lịch sử đã diễn ra tại Đức. Tuy nhiên, số phận của những món đồ bị trộm cho đến nay vẫn là điều bí ẩn. Vụ trộm đã trở thành sự kiện gây chấn động thế giới, khiến cảnh sát phải cực kỳ hao tâm tổn sức mới tìm ra được 6 nghi phạm – đều cùng thuộc một băng đảng, được cho là phải chịu trách nhiệm cho sự việc này.
Số trang sức được khảm bằng 4300 viên kim cương bị trộm từ bảo tàng Green Vault ước tính có giá trị khoảng 128 triệu USD. Tuy nhiên theo Marion Ackermann, giám đốc Sưu tập Nghệ thuật Dresden, giá trị thật của chúng là không thể đong đếm bằng tiền, dựa trên tính lịch sử và tầm quan trọng đối với nền văn hóa. Trong số đó có những món trang sức từ thập niên 1980 được khảm tới cả trăm viên kim cương.
Nhưng thứ khiến thế giới chú ý nằm ở cách vụ trộm diễn ra. Theo Roy Ramn, chuyên gia tư vấn an ninh tại New Scotland Yard (London, Anh), các vụ việc như vậy thực sự rất hiếm trong thế giới hiện đại.
“Kỹ thuật an ninh hiện đại đã phát triển rất mạnh qua nhiều năm qua, với hệ thống camera báo động và vô số công nghệ bảo mật. Vậy nên, rủi ro bị bắt quả tang hoặc bị phát hiện quá sớm là rất cao. Bạn sẽ cần các thông tin rất sâu bên trong, và một kế hoạch cực kỳ chi tiết.”
Theo các nhà điều tra, khoảng 6 tháng trước vụ trộm, đã có 1 kẻ khả nghi đến thành phố Magdeburg – nằm cách Dresden khoảng 200km để mua một chiếc xe cũ thuộc hãng Audi S6 – cũng là chiếc xe lũ trộm dùng để tẩu thoát. Cảnh sát cho biết chiếc xe này đã bị gỡ bỏ đăng ký, nhưng chúng thậm chí còn thay đổi màu sơn để xóa nguồn gốc kỹ hơn. .
“Điều này cho thấy chúng đã lên kế hoạch rất kỹ, về việc vụ trộm sẽ diễn ra như thế nào, về phản ứng của cảnh sát ra sao, và tính trước những cách cản chân cảnh sát để kéo dài thời gian,” – Ramm nhận xét.
“Nếu chiếc xe lọt vào mắt nhân chứng gần hiện trường và người này có thể tả lại được hình dáng của nó, cảnh sát sẽ mất thời gian truy tìm theo dấu vết ấy và khiến tình hình trở nên phức tạp hơn.”
Nhưng sự chuẩn bị của những tên trộm không chỉ dừng lại ở chiếc xe. Vài ngày trước vụ trộm, các chấn song cửa sổ nơi lũ trộm dùng để đột nhập đã bị cắt bỏ. Nhưng để tránh nghi ngờ, chúng đã dán tạm các chấn song lại như cũ bằng keo.
Khung cửa sổ này là một điểm mù – nó không xuất hiện trên camera an ninh, trong khi toàn bộ khu vực luôn rất tốt. Một báo động cảm biến chuyển động được gắn ở đó cũng không hoạt động. Theo Bộ Văn hóa Du lịch bang Saxon, bộ báo động đã bị vô hiệu hóa khoảng 1 ngày trước đó và đội an ninh đã không thể kích hoạt lại nó.
128 triệu đô bốc hơi trong 13 phút
4h50 phút sáng ngày 25/11/2019, lũ trộm ra tay.
Theo báo cáo điều tra, lũ trộm đã phóng hỏa tại một trạm điện gần Green Vault, khiến đèn đường bị ngắt và đưa cả khu vực chìm vào bóng tối. Đến 4h57, chúng tiến vào bảo tàng.
Dựa trên camera an ninh, có thể nói lũ trộm đã lên kế hoạch rất kỹ. Chúng lẻn vào tòa nhà bằng khung cửa sổ đã chuẩn bị trước, đến thẳng phòng chứa trang sức – nơi trưng bày những hiện vật quý giá nhất của bảo tàng. Chúng chỉ mất vài phút để vào trong, đập vỡ cửa kính, gom thứ cần lấy và tẩu thoát. Chỉ còn sót lại một vài món trang sức được cố định vào khung trưng bày.
Đáng chú ý là trước khi rời đi, lũ trộm còn dùng bình cứu hỏa phun khắp phòng để xóa dấu vết để lại.
Dấu chân là thứ thường được dùng để xác định loại giày dùng khi gây án,” – Ramm nói tiếp. “Thông thường, những tên trộm sẽ rất cẩn thận với dấu vân tay, nhưng lại quên mất dấu giày. Nhìn chung, đó là dấu vết tương đối hữu dụng.”
Từ lúc đột nhập cho đến khi tẩu thoát bằng chiếc Audi, lũ trộm chỉ mất tổng cộng 13 phút – theo tư liệu từ camera an ninh. Chiếc xe bị bỏ lại ở một tầng hầm giữ xe cách đó 3 dặm, trong tình trạng bị đốt cháy hoàn toàn.
“Rất khó để sử dụng một phương tiện mà không lưu lại dấu vết ADN,” – Ramm cho biết. “Đã có rất nhiều sự vụ trên thế giới chỉ cần một dấu ADN nhỏ là đủ để biết danh tính người dùng chiếc xe đó. Vậy nên đốt xe là để hủy dấu vết ADN.”
Kế hoạch được lên rất kỹ lưỡng
Cảnh sát thành lập chiến dịch Operation Epaulette ngay sau khi nhận được tin báo khẩn cấp từ nhân viên an ninh, ở thời điểm lũ trộm vẫn còn đang ở trong tòa nhà. Đáng chú ý, có 2 nhân viên an ninh đã trông thấy lũ trộm đột nhập trên camera nhưng không làm gì để ngăn chặn. Quyết định này sau đó bị cảnh sát đặt dấu hỏi, nhưng Ackerman cho biết họ đã làm đúng quy tắc an toàn của bảo tàng.
Sau khi nhìn vào sự việc, Ramm nhận xét điều đầu tiên cần làm là phải điều tra chính bản thân bảo tàng.
“Cách duy nhất để chuyện này xảy ra là lũ trộm phải có thông tin nội bộ,” – ông giải thích. “Bạn phải biết nhiều thông tin, chẳng hạn như phòng có cảm biến laser hay không, hoặc sẽ không có cảm biến chuyển động nào. Nói chung cách chúng hành động rất rủi ro nếu thực sự không biết gì.”
“Chỉ có thể giải thích là chúng đã nghiên cứu rất kỹ tòa nhà này.”
Tháng 3/2020, văn phòng công tố bang Saxony cho biết họ đã tiến hành điều tra 4 nhân viên an ninh tại bảo tàng, và cuộc điều tra vẫn đang diễn ra cho đến thời điểm hiện tại. Người phát ngôn của văn phòng cho biết đã có khiếu nại chống lại 2 nhân viên an ninh vì “không có hành động phù hợp để ngăn chặn vụ trộm”, và khiến cả 2 bị đưa vào điều tra.
Trong đó, 1 người bị tình nghi đã giao tài liệu về hệ thống an ninh trong bảo tàng cho lũ trộm và bị bắt sau sự việc 4 ngày. Ngoài ra, có một nhân viên an ninh khác bị đưa vào tầm ngắm vì “xuất hiện bằng chứng phá hoại hệ thống báo động được cho là có liên quan đến vụ trộm.”
Tháng 9/2020, cảnh sát cho biết họ nhận được hàng trăm manh mối và đã tiến hành lục soát vài khu nhà bị tình nghi ở Berlin. Ngoài ra, họ tìm thấy đầu mối khác liên quan đến chiếc xe bị phóng hỏa – bao gồm nơi nó được sơn lại, cùng một tấm ảnh được cho là của nghi phạm vụ án.
Ngày 17/11/2020, gần 1 năm sau vụ trộm chấn động, cảnh sát thực hiện chiến dịch đặc biệt tại Berlin, huy động đội đặc nhiệm cùng hơn 1600 sĩ quan trên khắp nước Đức. Họ nhắm vào 5 thành viên của Remmo Clan – một trong những băng đảng tội phạm quyền lực nhất nước Đức, hoạt động chủ yếu ở Berlin. Theo Ralph Ghadban, chuyên gia khoa học chính trị và tội phạm tại Đức, cách vụ trộm diễn ra có thể cho thấy sức ảnh hưởng của băng nhóm này là lớn đến mức nào.
“Băng đảng sẽ bảo vệ và giúp đỡ thành viên, với số lượng có thể lên tới hàng ngàn và kiểm soát 1/4 thành phố,” – ông cho hay.
Trong số 5 nghi phạm, cảnh sát tuyên bố bắt giữ 3 người. 2 nghi phạm còn trốn được là cặp sinh đôi Abdul Majed R. và Mohamed R., đều bị phát lệnh truy nã quốc tế. Họ mất 1 tháng để bắt được Mohammed, và thêm 4 tháng để bắt giữ Abdul Majed, vào ngày 17/5/2021.
Tháng 8/2021, nghi phạm thứ 6 cuối cùng cũng “xộ khám”, và vụ việc được truy tố ra tòa án.
Số phận của “kho báu” 128 triệu đô
Đây thực sự là điều bí ẩn nhất sau vụ trộm này. Ramm và các chuyên gia khác tin rằng viễn cảnh dễ xảy ra nhất – cũng là thứ mà bảo tàng sợ nhất – là những món đồ ấy đã bị phá hủy để lấy kim cương.
“Toàn bộ vụ việc cần có tổ chức. Rất hiếm khi những người ra tay lại là người xử lý hàng. Sẽ có cả một hệ thống đứng đằng sau, và đó là lý do vì sao cảnh sát đang rất muốn tìm ra bằng chứng liên hệ giữa 6 nghi phạm và các băng nhóm khác.”
Ổ cứng, máy tính, điện thoại… là những gì mà cảnh sát thu được khi điều tra. Chỉ có số trang sức vô giá kia thì không.
Bảo Trâm (Theo CNN)
Theo: Cánh cò