Thứ gì hay thì cũng đi kèm “tác dụng phụ”. Mạng xã hội sẽ thực sự là một môi trường tốt để chúng ta học tập và giải trí, nó có cộng đồng để hỏi han chia sẻ chỉ với một cú click chuột mà không cần một cuộc cà phê, có những video không phải tốn phí, tất cả đều được đảm bảo, miễn là chúng ta khai thác đúng cách. Tuy nhiên, nó cũng không kém phần nguy hại…
Chỉ với việc người dùng được tự do “tạo” tài khoản cũng là một cái “hố” bất ngờ. Ai có thể ngờ được bạn nữ mình vừa tán tỉnh hôm trước thật ra là một chàng trai? Hay ai ngờ rằng tài khoản mình vừa chuyển khoản đóng góp cho hoạt động từ thiện nào đó là lừa đảo? Là câu chuyện đau lòng của nhiều người, chỉ vì nghe theo lời xúi giục của các thành phần lừa đảo, cho vay tín dụng … mà biết bao người nhẹ dạ đã trở thành con mồi, phải trả giá cho hành vi sai lầm của mình.
Xã hội phải nhiều lần thổn thức khi đôi ba bữa là đọc tin đau lòng như em P.U.N (Đà Nẵng) phải nhiều lần tìm đến cái chết do bị bạn bè vu khống trên mạng xã hội, em N.T.A.T (Đồng Nai) đã tự kết liễu đời mình khi không thể chịu nổi những lời cay nghiệt. Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã ghi nhận hàng trăm sự việc nguy hiểm do thông tin xấu, độc trên mạng xã hội. Đó là một hồi chuông cảnh tỉnh ý thức chủ quan, xem nhẹ tác hại của phần lớn người dân, nhất là các bậc phụ huynh.
Trong thời gian dịch bệnh diễn ra, sự tung tin sai sự thật của những người nổi tiếng đã làm cho biết bao dư luận hoang mang, lo sợ, dẫn đến những việc đau lòng không đáng có. Biết bao người trẻ và người lớn tuổi, vì tin những “tin vịt” độc hại tung trên mạng xã hội mà gia đình xào xáo, hạnh phúc đỗ vỡ; biết bao gia đình tin vào thông tin xuyên tạc về trợ cấp, mà rơi vào bẫy các thành phần chống phá, chia sẻ thông tin sai lệch lên tài khoản mạng xã hội, khiến bao người hoang mang.
Với tính chất đặc biệt của công nghệ, tin tức trên mạng xã hội được truyền đi rất nhanh, đặc biệt là tin giật gân, gây sốc, xấu độc. Một trang tin tức vừa đăng tin mới thì những lượt bình luận nhanh chóng xuất hiện, kéo theo đó là những lượt like lại tưởng như “vô hại” nhưng góp phần khiến bài viết đó “nổi hơn”, được nhiều người biết đến hơn nữa.
Sẽ có những người bình luận những thông tin giống nhau, một cách tiêu cực nhằm dẫn dắt dư luận, và đám đông vô tình bị dẫn dắt lại lan truyền cho nhiều người hơn nữa, cứ thế mà tăng dần. Sự khủng hoảng diễn ra trên mạng xã hội so với chúng ta tưởng tượng thì nguy hiểm hơn nhiều. Bởi lẽ nếu ví nó như một đám cháy thì xung quanh đều là dầu và Cục An ninh mạng là đội cứu hỏa duy nhất.
Trong nhiều trường hợp đã xảy ra, rất nhiều người dân đồng tình với chỉ đạo của Bộ Trưởng Tô Lâm vào chiều 26/1/2022: “Giao Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm truy vết “tận gốc” thông tin xấu độc, giữ vững an ninh, trật tự, đặc biệt trong dịp Tết nguyên đán”. Với chỉ đạo này, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sẽ phải làm việc nhiều hơn, có thể là “mất Tết”, nhưng đổi lại những sai phạm của các đối tượng sẽ nhanh chống được bóc tách, cảnh báo và tháo gỡ nhanh nhất có thể, người dân sẽ được hưởng nhiều lợi ích hơn.
Với người viết, đây là một chỉ đạo rất kịp thời và cần thiết, bởi lẽ những dịp lễ Tết là khi những đối tượng chống phá lợi dụng để đẩy mạnh tuyên truyền. Đặc biệt trong thời điểm cả nước còn đang đối mặt với đại dịch, bên cạnh việc kiểm soát thông tin xấu độc, chúng ta cần phải cẩn thận cả trong những thông tin được đăng tải từ chính Nhà nước, sao cho thành phần chống phá, gian xảo không thể “chen chân”. Đó phải là một sự nỗ lực rất lớn từ nhiều cấp ngành, để làm sao có thể “làm sạch” không gian mạng xã hội, để người dân được thụ hưởng những giá trị hữu ích từ không gian mạng.
Thái Thanh
Theo: Hội Cờ đỏ