Những gì diễn ra trên mặt đất dường như báo hiệu rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin chuẩn bị có một động thái quân sự nào đó với Ukraine, đất nước mà trong suốt 8 năm qua đã thể hiện rằng họ muốn thoát khỏi tầm ảnh hưởng của Kremlin để hướng về phương Tây.
Thế nhưng, cũng cần nhớ rằng ông Putin từng là một trung tá KGB – người đã dành cả sự nghiệp của mình trong ngành tinh báo để điều chỉnh các chiến thuật nhằm giữ cho các đối thủ mất thăng bằng, và khai thác điểm khác biệt giữa họ.
Tổng thống Putin có nhiều lựa chọn
Và trên thực tế, Moscow cũng đang có trong tay nhiều lựa chọn trong ván bài Ukraine, mà không cần phải thực hiện một cuộc chiến toàn diện – vốn chắc chắn sẽ gây tổn thất cho nền kinh tế Nga cũng như quân đội nước này.
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ám chỉ điều đó trong một cuộc báo tuần này ở Washington.
Ông Biden chia sẻ Mỹ và các đồng minh NATO cam kết sẽ tung ra các lệnh trừng phạt kinh tế khắc nghiệt nhất nếu Moscow tấn công Ukraine.
Tuy nhiên, tổng thống Mỹ cũng nói rằng đang có sự chia rẽ giữa hai bên bờ Đại Tây Dương về việc khối quân sự này sẽ làm gì nếu Nga thực hiện các hành động phá hoại hoặc tấn công mạng dồn dập.
Một ngày sau đó tại Geneva, sau cuộc gặp với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov, Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken cố gắng trấn an các phóng viên rằng dù trong trường hợp Moscow thực hiện các hành động phá hoại như vậy, Nga vẫn sẽ phải đối mặt với phản ứng “quyết đoán, có tính toán và thống nhất” từ NATO.
Ông Blinken cũng nói thêm Mỹ tin rằng Nga đang chuẩn bị các phương án thay đổi chính quyền ở Kiev mà không giống một cuộc tấn công truyền thống.
“Chúng tôi đã thấy các kế hoạch thực hiện nhiều hành động gây bất ổn khác nhau, một số trong đó gần đến mức sử dụng vũ lực công khai, để gây bất ổn cho Ukraine, nhằm thay đổi chính phủ”, Ngoại trưởng Mỹ Blinken cho biết.
Bình luận của ông Blinken xuất hiện một tuần sau khi chính phủ Mỹ cho biết các cơ quan tình báo nước này đã thu thập được thông tin cho thấy Moscow đã đưa một nhóm đặc nhiệm vào miền Đông Ukraine. Nhiệm vụ của nhóm này là thực hiện các hoạt động phá hoại, gây nổ và được đào tạo về tác chiến đô thị.
Bộ Tài chính Mỹ tuần rồi cũng thông báo đưa ra lệnh trừng phạt với 4 người là quan chức hoặc cựu quan chức Ukraine, bị Washington cáo buộc đã làm việc với tình báo Nga để chuẩn bị phương án thành lập chính phủ mới ở Ukraine dưới sự kiểm soát của Moscow.
Tất cả thông tin trên khiến các nhà phân tích quân sự ngày càng tập trung vào thứ gọi là “vùng xám” – bao gồm các hoạt động từ can thiệp bầu cử, tấn công mạng cho đến điều khiển từ xa – những thứ có thể định hình số phận của một quốc gia mà không phải trả giá bằng chiến tranh quân sự.
Ngay cả khi Tổng thống Putin quyết định tiến hành tấn công quân sự với Ukraine, thì chưa chắc nhà lãnh đạo Nga sẽ chọn phương tấn công trên bộ quy mô bằng việc chiếm đóng các thành phố lớn của Ukraine rồi hành quân đến Kiev, Washington Post nhận định.
Do tiềm lực phòng không của Ukraine rất hạn chế, Nga sẽ sớm giành ưu thế trên không. Điều này sẽ cho phép các lực lượng Nga tiến hành không kích phủ đầu vào Kiev và các địa điểm khác, và nếu trường hợp đó xảy ra, chính phủ Ukraine có thể buộc phải đầu hàng ngay từ trước khi xe tăng Nga tiến qua biên giới.
“Tôi cho rằng Nga có rất nhiều phương án linh hoạt và có thể nhân rộng về mặt quân sự, và họ cũng có nhiều lựa chọn khác”, ông Dara Massicot, nhà nghiên cứu chính sách cấp cao tại RAND Corp, nhận định. RAND Corp là viện chính sách có trụ sở tại California, và ông Massicot phụ trách nghiên cứu các vấn đề về Liên bang Nga.
“Nga có thể tăng dần áp lực bằng cách bắt đầu các cuộc tấn công mạng, gia tăng các hành vi quấy rối dọc theo đường liên lạc giữa Ukraine và phe ly khai miền Đông. Họ cũng có thể thực hiện một cuộc tấn công quy mô lớn với không quân, tên lửa và bộ binh”, ông Massicot nói thêm.
Nhà phân tích này cũng cho rằng Nga có thể giảm thiểu rủi ro quân sự bằng cách không kích chiến thuật, tấn công chính xác từ xa hoặc thậm chí là sử dụng pháo tầm xa mà vẫn có thể gây ra tổn thất đáng kể cho Ukraine.
Liệu chiến tranh trên bộ có nổ ra?
Số lượng lớn binh sĩ và khí tài được điều động đến gần biên giới Ukraine trong thời gian qua sẽ đóng vai trò như một lời đe dọa, rằng một cuộc chiến toàn diện có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Một số nhà phân tích cũng cho rằng Moscow không có ý định tấn công Ukraine, mà những hành động vừa qua chỉ để leo thang căng thẳng nhằm thuyết phục Washington cam kết không đưa Ukraine gia nhập NATO.
Ông Dmitri Trenin, Giám đốc Trung tâm Carnegie Moscow, bác bỏ ý tưởng cho rằng Nga sẽ tấn công Ukraine.
“Cái gọi là ‘vụ xâm nhập nhỏ, vụ xâm nhập lớn’ đều đến từ nỗi sợ hãi và những ảo mộng của phương Tây, chứ không liên quan đến suy nghĩ của Kremlin hay kế hoạch của Hội đồng Tham mưu trưởng quân đội Nga”, ông Trenin nói.
“Lý do cho những động thái của Nga, theo quan điểm của tôi, không phải để gây chiến với Ukraine mà là sự phô diễn sức mạnh của một cường quốc quân sự nhằm buộc Mỹ ngồi xuống để đàm phán về các vấn đề an ninh ở châu Âu, bao gồm những thứ liên quan đến Ukraine”, ông Trenin nói thêm.
Fyodor Lukyanov, một nhà phân tích chính sách đối ngoại nổi tiếng của Nga và cũng là thành viên Hội đồng Các vấn đề Quốc tế Nga, (RIAC), cũng cho rằng có lý do để Nga tăng sức ép quân sự với Ukraine. RIAC là một viện chính sách thuộc chính phủ Nga, được thành lập năm 2010 nhằm cải thiện tầm ảnh hưởng mềm của Moscow.
Ông Lukyanov cho rằng mục tiêu của Kremlin là để thay đổi cán cân an ninh giữa NATO và Nga, và cũng để đẩy lui ý tưởng rằng các liên minh giữa châu Âu và Đại Tây Dương mới là nền tảng cho an ninh của châu Âu.
“Từ góc nhìn của Nga thì ý tưởng đó đang không hiệu quả”, ông Lukyanov nhận định. Ông giải thích rằng mục tiêu này của Kremlin là quá tham vọng nếu chỉ sử dụng biện pháp ngoại giao, và đó là lý do cho việc gây sức ép quân sự.
Ông Lukyanov cho rằng đối với Moscow thì chỉ “đe dọa Ukraine” là không đủ” để thu về những nhượng bộ từ Washington, gợi ý việc Nga có thể thực hiện một hành động khiêu khích nào đó nhưng không phải ở Ukraine.
Tổng thống Putin tháng trước cũng cảnh báo Nga sẽ đáp trả bằng các biện pháp quân sự – kỹ thuật nếu phương Tây tiếp tục gây hấn. Phát biểu được đưa ra sau khi Nga hối thúc Mỹ và NATO trả lời khẩn cấp về các yêu cầu an ninh, trong đó mục chặn việc Ukraine gia nhập NATO.
Một số nhà phân tích cho rằng các biện pháp mà ông Putin nhắc đến sẽ bao gồm việc đặt thêm vũ khí tấn công (tên lửa tầm xa, tàu ngầm hạt nhân…) ở những địa điểm có thể trực tiếp đe dọa Mỹ và đồng minh NATO.
Ông Andrew Weiss, phó chủ tịch phụ trách nghiên cứu tại Quỹ Carnegie cho Hòa bình Quốc tế (CEIP), một viện chính sách ở Washington, cho rằng mục tiêu của Nga có thể bao gồm việc thay đổi chính phủ ở Kiev hoặc khiến nó tan rã.
Ông Weiss cho rằng Nga có thể thực hiện một chiến dịch không kích để có thể đạt được nhiều mục tiêu mà không vướng vào một cuộc chiếm đóng công khai, thứ sẽ rất tốn kém.
“Có mối đe dọa nghiêm trọng về việc thay đổi chính quyền mà không ần chiến tranh trên bộ, vì chính phủ hiện tại ở Kiev trông rất bất ổn vào thời điểm quốc gia này lâm nguy”, ông Weiss nhận định.
Theo: Cánh cò