Friday, November 22, 2024

10 đại án sẽ xét xử trong năm 2022, vụ Việt Á sẽ xử triệt để

Ban chỉ đạo Trung ương phòng chống tham nhũng, tiêu cực yêu cầu năm nay xét xử sơ thẩm 10 vụ án trọng điểm, trong đó có vụ tại Bộ Tư lệnh cảnh sát biển, Công ty Việt Á, Bệnh viện Tim Hà Nội.

Lãnh đạo Ban Nội chính trung ương thông tin tại buổi họp báo – Ảnh: THÂN HOÀNG

Chiều 20-1, Ban Nội chính trung ương tổ chức họp báo thông tin kết quả phiên họp thứ 21 của Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (Ban Chỉ đạo).

Ông Nguyễn Thái Học – phó trưởng Ban Nội chính trung ương – cho biết Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng (trưởng Ban Chỉ đạo) đã giao nhiệm vụ trọng tâm công tác trong năm 2022. Trong đó có nhiệm vụ đưa 10 vụ án trọng điểm ra xét xử sơ thẩm.

1. Vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Tổng công ty Sản xuất – Xuất nhập khẩu Bình Dương

2. Vụ án “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh” xảy ra tại Cục Quản lý Dược – Bộ Y tế và các cơ quan, đơn vị có liên quan

3. Vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Công ty TNHH MTV Đầu tư và xây dựng Tân Thuận

4. Vụ án “Buôn lậu; sản xuất, buôn bán hàng giả; đưa hối lộ; nhận hối lộ…” xảy ra tại Đồng Nai và một số địa phương

5. Vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; nhận hối lộ” xảy ra tại một số đơn vị thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam và Bộ đội biên phòng

6. Vụ án “Lạm quyền trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TPHCM (Saigon Co.op)

7. Vụ án “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai” xảy ra tại Dự án sinh thái tâm linh Cửu Long Sơn Tự và Dự án Biệt thự sông núi Vĩnh Trung tại khu vực núi Chín Khúc, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa

8. Vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Bệnh viện Bạch Mai và một số cơ quan, đơn vị

9. Vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Bệnh viện Tim Hà Nội và các đơn vị có liên quan

10. Vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; đưa hối lộ; nhận hối lộ; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Công ty Việt Á và một số cơ quan, địa phương

Đáng chú ý, trong 10 đại án được yêu cầu xét xử trong năm nay có vụ “thổi giá” kit xét nghiệm COVID-19 xảy ra tại Công ty Việt Á và nhiều địa phương.

Kỷ luật 32 trường hợp thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý

Trong năm 2021, các cơ quan tố tụng đã khởi tố, điều tra 390 vụ án và hơn 1.000 bị can về các tội tham nhũng, chức vụ. Nhiều cán bộ cấp cao vi phạm liên quan đến tham nhũng, tiêu cực, trong đó có 32 trường hợp thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý đã bị xử lý kỷ luật (tăng 15 trường hợp so với năm 2020).

“Điểm nổi bật là đã khởi tố mới nhiều vụ án lớn, nghiêm trọng, phức tạp, tiếp tục mở rộng điều tra, kiên quyết, kiên trì đi sâu làm rõ bản chất tham nhũng, tiêu cực trong nhiều vụ án, khởi tố thêm nhiều bị can là cán bộ cấp cao, cả đương chức và nghỉ hưu, sĩ quan cấp tướng trong lĩnh vực vũ trang, trong đó 10 trường hợp cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý”, ông Học thông tin.

Nói về những khó khăn thách thức trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, ông Học cho biết thêm: “Có những vụ án chúng ta nghĩ là dừng lại, không thể đi đến tận cùng. Tuy nhiên nhờ sự kiên trì, bền bỉ đã đi được đến tận cùng. Điển hình là vụ án Phan Văn Anh Vũ đưa, nhận hối lộ, đây là kết quả của việc đấu tranh kiên trì, bền bỉ và chúng ta đã đi tận cùng bản chất là tham nhũng, vụ lợi”.

Cũng theo nhận định của phó trưởng Ban Nội chính, trong nhiều vụ án một số đảng viên, cán bộ đóng vai trò tiếp tay, bảo kê, giúp sức, thậm chí chỉ đạo.

“Điều này cho thấy một thành phần cán bộ, đảng viên suy thoái, biến chất. Thông qua một số vụ án cho thấy có sự cấu kết chặt chẽ giữa các nhóm lợi ích, giữa các lực lượng. Doanh nghiệp, người làm khoa học, người quản lý có sự liên kết với nhau để trục lợi.

Đơn lẻ thực hiện thì khác, nhiều nhóm lợi ích cùng bắt tay thì vỏ bọc tinh vi hơn, ngụy trang phức tạp hơn. Do đó, Tổng bí thư yêu cầu, không chủ quan thỏa mãn với kết quả đạt được”, ông Học nhận định.

Vụ Việt Á: Bất cứ cấp nào có liên quan cũng phải xử lý

Tại buổi họp báo, PV đặt câu hỏi: Ban Chỉ đạo đã giao cơ quan chức năng nào vào cuộc làm rõ xử lý trách nhiệm cá nhân ở Bộ Y tế, Bộ Khoa học và công nghệ trong vụ Công ty Việt Á? Những sai phạm bị xử lý chỉ dừng lại ở lãnh đạo cấp vụ hay cả những cấp cao hơn của các bộ ngành?

Cơ quan điều tra tống đạt lệnh bắt tạm giam bị can Phan Quốc Việt – Ảnh: GIANG LONG

Ông Học cho biết hiện nay Ủy ban Kiểm tra trung ương đã vào cuộc, đang xem xét xử lý trách nhiệm các tổ chức Đảng, cá nhân liên quan sai phạm trong vụ Công ty Việt Á và nhiều sai phạm khác liên quan ngành y tế. Thanh tra Chính phủ cũng công bố quyết định thanh tra tại Bộ Y tế nhiều nội dung liên quan mua sắm thiết bị y tế, kit xét nghiệm và cơ quan điều tra đang mở rộng vụ án.

Theo ông Học, sau khi có kết luận trách nhiệm liên quan đến tổ chức nào thì theo thẩm quyền để xử lý. “Các cơ quan chức năng thực hiện theo quy định của luật pháp để làm sao sai phạm được xác định đúng, nghiêm minh kịp thời. Hoạt động thanh tra, điều tra không chồng chéo, không ảnh hưởng đến công tác chống dịch mà ngành y tế đang thực hiện”, ông Học nói.

Ông Trần Quốc Cường – phó trưởng Ban Nội chính trung ương – cho biết thêm vụ Việt Á đang được các cơ quan chức năng làm rõ, bất cứ cấp nào nếu có liên quan cũng bị xử lý.

“Nếu điều tra ra thì không có vùng cấm, không chỉ dừng lại ở cấp vụ. Cấp vụ không phải là cấp cuối cùng, bất cứ ai có liên quan cũng phải xử lý”, ông Trần Quốc Cường khẳng định.

Ngọc Anh

Theo: Cánh cò

Related Articles

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Stay Connected

863FansLike
44FollowersFollow
0SubscribersSubscribe

BÀI MỚI

Xem nhiều

Phản biện - Luận bàn

ĐỐI TƯỢNG