Thursday, March 28, 2024

Xin tiền doanh nghiệp là việc làm ‘xấu xí’ ảnh hưởng lớn tới uy tín địa phương

Nhiều ý kiến cho rằng các hành vi “xin tiền” doanh nghiệp trong các dịp lễ, Tết là việc làm ‘không đẹp’ ảnh hưởng rất lớn tới uy tín của địa phương.

Theo ông Đậu Anh Tuấn – trưởng Ban pháp chế (VCCI), các khoản tiền xin ủng hộ chính là một loại chi phí không chính thức mà các doanh nghiệp đang phải gánh chịu.

Không thể chấp nhận được

Chia sẻ thêm, ông Đậu Anh Tuấn nói: Trong bối cảnh doanh nghiệp gặp vô vàn khó khăn do dịch bệnh hiện nay, các địa phương nên tránh những hành động như trên.

Ngược lại, các địa phương cần đưa ra giải pháp để cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp. Từ đó giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất, vì hầu hết doanh nghiệp đang gặp khó khăn về nguồn tiền do vừa phải ứng phó với dịch bệnh vừa phải lo trả lương, thưởng Tết cho người lao động.

Cùng chung ý kiến, ông Nguyễn Quang Đồng – viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông (Hội Truyền thông số Việt Nam) – cũng thẳng thắn rằng việc ra văn bản “xin tiền” ở một vài nơi giống như “tống tiền” doanh nghiệp. Chính quyền ra văn bản “xin tiền” thì doanh nghiệp không thể từ chối.

Điều đáng nói vấn nạn này không chỉ có ở chính quyền, hiện nhiều đoàn thể cũng “đi xin tiền” phục vụ các hoạt động thể thao, đi tham quan du lịch, hỗ trợ tiền Tết… Đây là khoản chi phí không chính thức nhiều doanh nghiệp đang phải gánh chịu.

Cũng theo ông Nguyễn Quang Đồng, xét về mặt pháp luật, hiện chưa có quy định xử lý những vụ việc “xin tiền” như vậy bởi đa số họ vẫn “xin tiền” dưới danh nghĩa vận động tự nguyện đóng góp.

Tuy nhiên, hành động chính quyền ra văn bản “xin tiền” doanh nghiệp như tại Bình Dương vừa qua ảnh hưởng rất lớn tới uy tín chính quyền địa phương, làm giảm lòng tin của doanh nghiệp, người dân vào cơ quan công quyền.

Người dân, doanh nghiệp có thể đặt câu hỏi: Ngân sách ở đâu, chính quyền chi tiêu thế nào mà không còn ngân sách chi cho các hoạt động của cơ quan?

Trong lúc Quốc hội, Chính phủ đang đưa ra nhiều gói hỗ trợ, cứu trợ để doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh, việc địa phương đi “xin tiền” doanh nghiệp, tạo thêm gánh nặng về chi phí không chính thức, theo ông Nguyễn Quang Đồng, là không thể chấp nhận được.

Cần giúp doanh nghiệp thay vì “xin tiền”

Ông Đậu Anh Tuấn cho rằng các doanh nghiệp đang có nhiều gánh nặng, giống như một người vừa trải qua một trận ốm thì phải có giải pháp giúp họ khỏe mạnh trở lại. Trong khi đó có những địa phương lại tạo thêm gánh nặng thông qua việc “xin tiền” thì sẽ làm cho các doanh nghiệp càng thêm suy kiệt.

Thay vì đi “xin tiền”, chính quyền địa phương phải động viên, thăm hỏi, xem doanh nghiệp có khó khăn gì không để gỡ vướng cho họ.

Nói thêm về nơi này nơi kia có hiện tượng ra văn bản đề nghị hỗ trợ tiền Tết, ông Vũ Trọng Kim – ủy viên Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam – khẳng định làm vậy không thể được.

Một cơ quan, tổ chức đường hoàng lợi dụng việc ủng hộ này kia để xin xỏ là không được. Các cơ quan phải tự lo liệu công việc của mình, đi xin xỏ để chi tiền Tết rất mất hình ảnh. Cơ quan nào còn có ý định đi “xin tiền” Tết doanh nghiệp cũng nên bỏ đi.

Nhấn mạnh thêm, ông Vũ Trọng Kim cho rằng các cơ quan nhà nước lo Tết vui tươi cho đồng bào nghèo, người lao động khó khăn đón Tết vui tươi thì được, chứ đi “xin tiền” lo cho cán bộ, công chức cơ quan là không chấp nhận được. Đây là hành vi công vụ trái với quy tắc chung.

Phải nghiêm cấm các hành vi cơ quan nhà nước ra văn bản “xin tiền” hỗ trợ từ doanh nghiệp vì chế độ công vụ không cho phép làm vậy, mọi cán bộ, công chức phải ý thức để làm đúng chứ không thể phát công văn “đi xin” nhộn nhạo.

Theo ông Vũ Trọng Kim, doanh nghiệp phải lo đủ thứ trên đời, đâu phải lúc nào họ cũng đi ủng hộ chỗ này, chỗ kia. Việc kêu gọi ủng hộ phải đúng quy định chứ không phải ai cũng có thể ký văn bản kêu gọi ủng hộ, kể cả trong bối cảnh thiên tai, bão lũ.

Ông Nguyễn Quang Đồng (viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông – Hội Truyền thông số Việt Nam):

Cần cấm cơ quan công quyền “xin tiền” doanh nghiệp

Cần có quy định rõ việc huy động tiền của người dân, doanh nghiệp chỉ nên huy động qua Mặt trận Tổ quốc các cấp.

Ngoài ra, việc huy động này cũng chỉ nên giới hạn trong các tình huống khẩn cấp, thiên tai, lũ lụt, còn các hoạt động văn hóa, văn nghệ, lễ hội thì không nên lạm dụng việc huy động tiền của người dân, doanh nghiệp.

Và để ngăn vấn nạn “xin tiền” doanh nghiệp, lãnh đạo các địa phương cần ra văn bản cấm các cơ quan công quyền lấy danh nghĩa cơ quan đi “xin tiền” doanh nghiệp vì bất cứ lý do gì.

Trước đó Cánh Cò đưa tin, sáng cùng ngày, mạng xã hội lan truyền một văn bản có dấu đỏ do ông Đoàn Tấn Dũng, Chánh Văn phòng HĐND-UBND TP Thuận An (Bình Dương) ký gửi doanh nghiệp “xin” tiền đón Tết.

Nội dung văn bản ghi, đề nghị doanh nghiệp “hỗ trợ” tiền để “giúp đơn vị hoàn thành công việc cần thiết” và “tập thể văn phòng HĐND-UBND đón tết vui tươi, hạnh phúc, tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ”.

Trong văn bản này, chỉ gửi đích danh một doanh nghiệp nhưng xin đến 500 triệu đồng khiến dư luận bức xúc.

Thanh Ngọc

Theo: Cánh cò

Related Articles

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Stay Connected

863FansLike
44FollowersFollow
0SubscribersSubscribe

BÀI MỚI

Xem nhiều

Phản biện - Luận bàn

ĐỐI TƯỢNG