Tổng thư ký Quốc hội khẳng định nguyên tắc xử lý vụ Việt Á là xử lý nghiêm minh, không có ngoại lệ, không chịu bất kỳ sức ép và sự can thiệp trái pháp luật nào.
Chiều 11/1, tại buổi họp báo công bố kết quả kỳ họp bất thường thứ nhất, Quốc hội khoá XV, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường trả lời báo chí về việc Quốc hội yêu cầu Chính phủ làm rõ trách nhiệm trong vụ công ty Việt Á.
Ông Bùi Văn Cường khẳng định, nguyên tắc xử lý trong vụ công ty Việt Á đó là xử lý nghiêm minh các tổ chức cá nhân, vi phạm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không chịu bất kỳ sức ép và sự can thiệp trái pháp luật nào.
“Đó là quan điểm chung trong công tác phòng chống tham nhũng của chúng ta. Đây là vấn đề đã được nêu rất cụ thể trong nghị quyết của Quốc hội. Vụ việc đang trong quá trình điều tra, do đó phải đợi cơ quan điều tra. Sau khi cơ quan điều tra tiến hành các thủ tục tố tụng và khi tòa án tổ chức xét xử thì chúng ta mới có kết quả cuối cùng”, ông Cường cho hay.
Theo ông Bùi Văn Cường, qua thảo luận của các vị đại biểu Quốc hội, ý kiến các cơ quan liên quan nêu trong dự thảo Nghị quyết chung của kỳ họp được Quốc hội thông qua và phát biểu bế mạc của Chủ tịch Quốc hội cũng đã khẳng định rõ quan điểm của Quốc hội trong việc giao cho Chính phủ, Thủ tướng, các cấp các ngành triển khai một số nhiệm vụ trong công tác phòng chống dịch COVID-19.
Trong đó, Quốc hội nêu rõ cần nâng cao năng lực quản lý nhà nước, đặc biệt trách nhiệm quản lý của ngành y tế trong lĩnh vực dược, trang thiết bị y tế để tăng cường kiểm soát chặt chẽ việc mua sắm công, thanh tra, kiểm tra, giám định, kiểm định chất lượng thuốc, trang thiết bị y tế, vật tư y tế, chủ động phát hiện sớm các vi phạm, hành vi lợi dụng dịch bệnh để trục lợi.
Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng, các cấp, các ngành, các địa phương chủ động phát hiện sớm các vi phạm, hành vi lợi dụng dịch bệnh để trục lợi. Quốc hội yêu cầu tập trung khẩn trương, quyết liệt mở rộng điều tra, làm rõ việc giao nhiệm vụ, nghiên cứu, nghiệm thu, chuyển giao, cấp phép lưu hành, hiệp thương giá, tổ chức sản xuất, chất lượng sản phẩm, mua bán kit xét nghiệm COVID-19 và các vi phạm pháp luật khác (nếu có) liên quan đến Công ty Việt Á.
Tại kỳ họp, Quốc hội xem xét, quyết định thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự.
Đồng thời, Quốc hội thông qua Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội; Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025; Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ và Nghị quyết kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV.
Đã khởi tố 19 bị can
Trước đó, theo Bộ Công an, quá trình điều tra mở rộng vụ án, đến nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố 19 bị can về các tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”; “Đưa hối lộ, Nhận hối lộ”; “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Cơ quan điều tra đã tiến hành kê biên 28 bất động sản, phong tỏa tài khoản hơn 320 tỷ đồng, 100.000 USD và tạm giữ số tiền hơn 4,8 tỷ đồng do một số đối tượng có liên quan tự nguyện giao nộp.
Theo lời khai ban đầu, Việt đã “bắt tay” với các đối tác nâng khống giá kit xét nghiệm lên khoảng 45%, số tiền Việt Á thu về trong vụ này là trên 500 tỷ đồng; số tiền “hoa hồng” mà Việt Á chi cho các “đối tác” là gần 800 tỷ đồng.
Thường trực Ban Chỉ đạo TƯ về phòng, chống tham nhũng tiêu cực đã đưa vụ án vào diện Ban Chỉ đạo TƯ về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.
Ngọc Anh
Theo: Cánh cò