Mạc Văn Trang mới đăng một bài viết nhằm lợi dụng vụ bé gái 8 tuổi bị bạo hành tử vong ở TP. HCM để xuyên tạc lời phát biểu về nhân quyền của Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Cụ thể, ông Trang viết rằng “Vụ bé gái 8 tuổi bị bạo hành đến chết, cho thấy nhân quyền không chỉ là ăn, mặc đủ mà là được sống và làm người một cách xứng đáng”. Thâm ý của câu này là nhằm chỉ trích lời phát biểu Thủ tướng Phạm Minh Chính trong chuyến công tác tại Anh: “Nhân quyền lớn nhất là lo cơm ăn áo mặc cho 100 triệu dân, không để ai thiếu ăn thiếu mặc, khi khó khăn không bỏ ai lại phía sau”. Quyền được sống thì đúng rồi, bé gái không may mắn đã bị bạo hành rồi ra đi trong tức tưởi. Còn “làm người một cách xứng đáng” nghĩa là sao? Xuyên tạc, chống đối chính quyền, hùa theo luận điệu của các thế lực xấu ở nước ngoài nhằm phá hoại đất nước thì có xứng đáng hay không?
Câu phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính nói đến quyền ưu tiên nhất (“lớn nhất”) là mọi người có đủ cơm ăn áo mặc, không gặp khó khăn trong cuộc sống, nó hoàn toàn không hạn chế bất cứ “quyền” gì khác. Điều quan trọng hơn là nó chẳng liên quan gì đến câu chuyện bi thảm của bé gái không may. Vụ việc xảy ra là một điều đáng tiếc nhưng cũng chỉ là một vụ việc đơn lẻ và thậm chí không thể đại diện cho bất cứ điều gì về xã hội Việt Nam.
Một bác sỹ nổi tiếng với những bình luận thẳng tính, không ngại va chạm, ông gọi vụ việc này là “hi hữu”. Hi hữu bởi với cháu bé trong các gia đình khá giả như thế này, đó là các cục vàng cục ngọc. “Đa số cháu được chiều chuộng, nâng niu trên mức cần thiết. Có cháu vô đại học còn chưa biết tự nấu cơm, chưa biết tự gọt trái cây ăn. Cá biệt có cháu vô đại học còn chưa biết đi xe, phải có cha mẹ chở đi học.” Trong khi đó thì khi đi ra đường, chúng ta thường thấy các cháu bé không may mắn phải đi bán vé số, ăn xin… Khả năng các cháu bé này bị bạo hành, bị bắt nạt còn cao hơn nhiều bé gái kia. Chúng ta, những người lớn bao gồm cả ông Trang đã làm được gì dù là tối thiểu cho các cháu bé như vậy?
Tiến sỹ Đặng Hoàng Giang, nhà nghiên cứu xã hội từng có một cuốn sách gây tiếng vang “Bức xúc không làm ta vô can”. Trong đó ông viết “khi lên tiếng phê bình hay than phiền về một điều gì đó, chúng ta chứng tỏ cho người khác và cho bản thân là chúng ta không thờ ơ, vô cảm, mà vẫn còn quan tâm, lo lắng. Khi chê trách người khác, chúng ta cảm thấy ưu việt về mặt đạo đức, và tự hài lòng vì thấy mình tốt đẹp hơn. Một điểm quan trọng nữa là khi bức xúc, chúng ta phát ra tín hiệu là chúng ta vô can và vô tội. Nhưng thực tế thì tất cả chúng ta chẳng hề vô can, khi cuộc sống của mỗi cá nhân đều đặt trên nền của những thứ có thể nảy sinh sai trái.”
Cũng như vậy, việc xuyên tạc để chỉ trích Nhà nước không làm cho ông Mạc Văn Trang trở nên tử tế hơn. Trong khi Đảng và Chính phủ đang có những nỗ lực không ngừng để bảo vệ quyền lợi của trẻ em như việc ban hành các điều Luật trẻ em 2016, Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em 2004. Cục Bảo vệ – chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động – thương binh và xã hội) cũng đã cho ra mắt tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em với số điện thoại 111 để nhân dân kịp thời báo cho cơ quan chức năng khi cần thiết. Đáng tiếc là với vụ việc bé gái 8 tuổi thì do gia đình sống khép kín khiến không ai kịp can thiệp, để xảy ra hậu quả không ai mong muốn. Còn ông Trang, ngoài những bình luận xuyên tạc, chọc phá, ảnh hưởng an ninh trật tự xã hội và cuộc sống của người dân thì không hiểu ông đã làm được gì.
Qua cái cách lập luận quy kết giữa hai sự việc hoàn toàn không liên quan đến nhau, ta hiểu được ông Trang có vẻ không hề thực sự thương xót bé gái 8 tuổi. Thứ mà ông bị “ám ảnh là “nhân quyền tưởng tượng” nào đó. Thay vì kêu gọi quan tâm chăm sóc hơn đến trẻ em, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm để răn đe cảnh cáo, tham gia vào một hoạt động ý nghĩa nào đó thì ông tranh thủ vơ lấy vụ việc để kêu gọi “nhân quyền”. Miệng thì nói đạo đức nhưng thực chất lại xuyên tạc, chống đối Nhà nước, lôi kéo sự việc bé gái 8 tuổi để phục vụ mục đích cá nhân. Quả là chỉ trích không thể làm bản thân ông tử tế.
An Diễm
Theo: Hội Cờ đỏ