RFA vừa có bài viết bình luận về tình hình kinh tế xã hội Việt Nam hậu đại dịch Covid-19, bên cạnh những chỉ trích quen thuộc về biện pháp chống dịch, họ soi mói cả những số liệu kinh tế.
Đọc bài viết này người ta chỉ thấy một triển vọng u tối cho nền kinh tế, nào là tăng trưởng kinh tế thấp nhất 10 năm, số liệu thất nghiệp cao, số doanh nghiệp ngừng hoạt động cao. Rồi họ dẫn thêm lời một chuyên gia kinh tế nào đó cho rằng, Chính phủ phải cải cách mạnh mẽ để lắng nghe người dân, cải thiện bộ máy để nới lỏng thêm, hay tăng thêm các gói hỗ trợ. Người tinh ý có thể nhận ra ngay rằng bài viết dùng các số liệu cũ. Cụ thể là số liệu tỷ lệ thất nghiệp lấy của quý III, còn số liệu doanh nghiệp lấy của tháng 11 dù hiện nay đã là thời điểm bước sang năm mới. Thật khó hiểu khi họ có thể đưa ra nhận xét về các số liệu đã quá cũ và không còn phản ánh đúng tình hình thực tế.
Theo những số liệu chính thức từ Tổng cục thống kê thì trong Quý IV, các chỉ số quan trọng của nền kinh tế đều tăng. Trong quý này, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới đạt 31,4 nghìn doanh nghiệp với số vốn đăng ký 415,3 nghìn tỷ đồng và số lao động đăng ký là 205,1 nghìn lao động, tăng 70,4% so với quý III/2021. Tỷ lệ thất nghiệp giảm đáng kể so với quý III. Bên cạnh đó, GDP quý IV ước tăng 5,22% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng 4,61% của năm 2020. Đây là sự đảo chiều ấn tượng so với mức sụt giảm của quý trước, đưa tổng sản phẩm trong nước năm 2021 ước tính tăng 2,58%. Cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 4 tỷ USD; thu ngân sách nhà nước ước tính vượt 180 nghìn tỷ đồng so với dự toán năm.
Việc ban hành và triển khai kịp thời Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 đã góp phần quan trọng trong khôi phục sản xuất và thúc đẩy thị trường, từng bước tạo niềm tin cho các doanh nghiệp. Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cho thấy doanh nghiệp lạc quan về tình hình sản xuất kinh doanh trong quý I/2022 với 81,7% doanh nghiệp đánh giá sẽ ổn định và tốt hơn so với quý IV/2021. Như vậy, tuy còn nhiều thách thức nhưng với nỗ lực của cả hệ thống chính trị, nền kinh tế Việt Nam đang thực sự trở lại đường ray.
Cũng cần nhìn nhận là tình hình phía trước còn nhiều khó khăn, đòi hỏi nhiều nỗ lực từ các cấp các ngành. Dịch bệnh chưa chấm dứt hẳn và vẫn còn một bộ phận lớn người dân và doanh nghiệp phải chịu ảnh hưởng. Ngân sách Nhà nước vẫn tiếp tục phải chi trả cho các biện pháp an sinh xã hội và phòng chống dịch, song song với việc đầu tư cho phục hồi và phát triển kinh tế. Chủ trương “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” giúp nới lỏng nền kinh tế, nhưng cũng đặt thêm sức ép cho bộ máy Nhà nước trong việc cân nhắc các biện pháp bảo vệ sức khỏe người dân. Do vậy, thật khó để đồng ý với ý kiến của chuyên gia nào đó cho rằng Nhà nước cần nới lỏng thêm nữa hay tăng thêm tiền hỗ trợ cho người dân, trong bối cảnh còn chồng chất khó khăn như vậy.
Xét trên bình diện thế giới, tất cả các quốc gia đang phải đối mặt với những khó khăn tương tự trong việc mở cửa nền kinh tế. Ngay cả những quốc gia phát triển giàu có nhất, tiêm vaccine nhiều nhất giờ cũng phải loay hoay áp dụng trở lại các biện áp giãn cách xã hội dưới nguy cơ của biến chủng mới Omicron. Nếu trông người mà ngẫm đến ta, rõ ràng các chính sách phát triển kinh tế hậu đại dịch của Nhà nước đang phát huy hiệu quả cao. Điều đáng mừng nữa là Việt Nam hiện nay cũng có tỷ lệ tiêm phủ vaccine đạt mức cao so với mặt bằng chung của thế giới, từ đó sẽ càng có thêm cơ sở cho những giai đoạn phát triển tốt hơn.
Trang tin Sputnik của Nga đánh giá “nhìn vào các chỉ số quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, có thể thấy, quốc gia Đông Nam Á này vẫn làm được những điều “phi thường”. Ngân hàng thế giới (WB) dự báo sang năm 2022, kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng tới 6,0-6,5%. Những con số không biết nói dối, khi vừa chỉ ra góc nhìn phiến diện, ác cảm của RFA đối với Việt Nam, lại vừa mang tới nhiều tia hi vọng cho người dân cả nước.
An Diễm
Theo: Hội Cờ đỏ