Trên khắp châu Âu, số ca mắc mới Covid-19 trong ngày đang liên tiếp thiết lập những kỷ lục mới, khi biến chủng Omicron xâm nhập cộng đồng với tốc độ chưa từng có trong hai năm qua. Các chuyên gia nhận định Anh, Đan Mạch, Pháp, Hy Lạp, Italy và Tây Ban Nha đều sẽ đạt mức dịch cao nhất lịch sử trong tuần này.
Số ca bệnh gia tăng khiến người dân tranh nhau mua bộ xét nghiệm, doanh nghiệp đối mặt với tình trạng thiếu lao động, còn các lễ hội đón năm mới chưa chắc có thể diễn ra.
Đã có các dấu hiệu cho thấy biến chủng mới gây bệnh nhẹ hơn các chủng virus trước đây. Tuy vậy, làn sóng dịch hiện nay vẫn gây ra quan ngại cho giới chức y tế.
“Biến chủng Delta và Omicron đang là hai mối đe dọa dẫn đến số ca bệnh tăng cao kỷ lục, qua đó khiến số trường hợp phải nhập viện và tử vong gia tăng”, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus tuyên bố trong một cuộc họp báo ngày 29/12, theo New York Times.
“Tôi rất quan ngại rằng chủng Omicron, vốn có khả năng truyền nhiễm và lây lan cao hơn chủng Delta, sẽ gây ra một ‘cơn sóng thần’ về số ca nhiễm bệnh”, ông Tedros cảnh báo.
Chuyển biến của dịch bệnh
Tại vùng England và Bắc Ireland của Anh, ngày 29/12, người dân không thể đặt lịch xét nghiệm PCR qua mạng. Cả trang web của dịch vụ y tế công cũng không thể thực hiện chức năng này.
Bà Leyla Hannbeck, giám đốc điều hành một tổ chức đại diện cộng đồng hiệu thuốc tại Anh, cho biết sự gia tăng về số ca bệnh và thay đổi của chính phủ trong hướng dẫn phòng dịch dẫn đến nhu cầu xét nghiệm tăng cao. “Có những người đến hiệu thuốc mỗi 2 phút – hoặc 5 phút – để hỏi mua bộ xét nghiệm”, bà Hannbeck nói. “Chúng tôi không rõ bao giờ hàng về lại. Điều này hoàn toàn vượt ra khỏi tầm kiểm soát”.
Tại Tây Ban Nha, nơi số ca mắc Covid-19 mỗi ngày đã vượt mốc 100.000, công tác truy vết bị quá tải. Người dân xếp hàng trước các bệnh viện để được xét nghiệm. Nếu kết quả là dương tính, họ có thể nghỉ làm vì lý do y tế.
Nước láng giềng Bồ Đào Nha có một trong những chiến dịch tiêm chủng thành công bậc nhất trên thế giới. Hầu hết người đủ điều kiện tại quốc gia Nam Âu này đã được tiêm vaccine, giúp số ca bệnh giảm rõ rệt.
Tuy vậy, tình hình dịch bệnh lại đang có chiều hướng gia tăng trở lại. Bộ trưởng Y tế Bồ Đào Nha Marta Temido cảnh báo số ca bệnh có thể tăng gấp đôi mỗi 8 ngày, xét đến chiều hướng phát triển của chủng Omicron.
Ngay cả tại Hà Lan, nơi đã áp đặt phong tỏa toàn quốc, chủng Omicron vẫn đang lây lan rộng và gây ra hơn 50% số ca bệnh trong tuần qua, qua đó chính thức vượt qua Delta để trở thành biến chủng thống trị.
“Tốc độ lây lan nhanh hơn của biến chủng Omicron sẽ làm tăng số ca bệnh trong tương lai gần. Số người phải nhập viện cũng sẽ gia tăng”, Viện Quốc gia về Sức khỏe và Môi trường Hà Lan tuyên bố.
Hôm 29/12, Hà Lan tuyên bố tất cả hành khách nhập cảnh từ Mỹ – nơi cũng đang có số ca bệnh cao kỷ lục – phải có xét nghiệm âm tính và cách ly 5 ngày.
Tác động của Omicron
Do số ca nhập viện thường thay đổi chậm hơn số ca mắc mới, các nhà khoa học cảnh báo còn quá sớm để đánh giá tác động của chủng Omicron lên hệ thống y tế. Tính đến nay, chưa quốc gia châu Âu nào ghi nhận tình trạng gia tăng mất kiểm soát về số ca nhập viện.
Là một trong số các quốc gia mà biến chủng Omicron bùng phát sớm nhất, nước Anh đang là “phòng thí nghiệm” của thế giới về tác động của chủng virus mới này. Ngày 28/12, Anh lập kỷ lục 117.093 ca mắc mới trong ngày. Tuy vậy, số ca bệnh nặng vẫn thấp hơn đợt dịch đầu năm 2021.
Thủ tướng Anh Boris Johnson coi đây là dấu hiệu cho thấy tăng cường các biện pháp hạn chế là chưa cần thiết.
“Chúng tôi đang xem xét các dữ liệu. Số ca bệnh chắc chắn đang gia tăng – chúng ta có khá nhiều ca bệnh do biến chủng Omicron. Mặt khác, chúng ta thấy các dữ liệu về mức độ nhẹ của chủng Omicron”, ông Johnson nói.
Tuy vậy, một số chuyên gia nhận định tình hình chỉ có thể được đánh giá đầy đủ vào đầu tháng 1/2022.
Kể cả khi tỷ lệ người bệnh phải nhập viện thấp hơn các đợt dịch trước, con số người mắc mới cao vẫn có thể tạo ra áp lực lên hệ thống y tế.
WHO cũng cảnh báo nhiều nhân viên y tế đã mắc bệnh hoặc phải cách ly, qua đó gây áp lực lên hệ thống chăm sóc người bệnh.
Làn sóng dịch mới bắt đầu
Sự lây lan nhanh chóng của chủng Omicron đặt ra nhiều câu hỏi chưa có lời giải cho giới khoa học. Do đó, kỳ nghỉ lễ Giáng sinh và năm mới lần này tại châu Âu bị bao phủ bởi sự bất an, lo lắng và các biện pháp hạn chế liên tục thay đổi.
Ở nhiều quốc gia, dịch bệnh mới chỉ bắt đầu gia tăng.
Pháp vừa ghi nhận số ca mắc mới trong 24 giờ kỷ lục với 208.000 ca được công bố hôm 29/12. Đây là con số cao nhất mà một nước châu Âu ghi nhận từ đầu đại dịch. Bộ trưởng Y tế Pháp Oliver Véran cho biết đây là sự gia tăng “chóng mặt”.
“Điều này có nghĩa mỗi giây có hai người Pháp có kết quả dương tính”, ông Véran nói.
Dù số ca dương tính với chủng Omicron ở Đức tăng gấp đôi trong tuần qua, Bộ trưởng Y tế Karl Lauterbach tuyên bố con số này vẫn chưa đầy đủ. Ông cho biết nhiều người không xét nghiệm vào dịp nghỉ lễ, và tỷ lệ mắc bệnh có thể cao hơn từ 2 đến 3 lần.
Tại Italy, chủng Delta vẫn chiếm ưu thế, nhưng chủng Omicron đang dần tạo lập chỗ đứng cho mình.
Tiến sĩ Mario Sorlini, người sống gần thành phố Bergamo – nơi từng được coi là tâm dịch Covid-19 đầu tiên của Italy đầu năm 2020 – nhận thấy số ca bệnh đang tăng trở lại.
Ở đợt dịch đầu tiên, những gì đọng lại trong tâm trí ông Sorlini là cảnh mọi người đổ xô đi tìm bình oxy cho các bệnh nhân nặng nhưng không còn chỗ trong bệnh viện, hay quân đội di chuyển quan tài từ nhà xác tới nơi hỏa táng.
Giờ đây, cảnh tượng khác hoàn toàn. Mối lo lớn nhất hiện nay là đảm bảo nguồn cung dụng cụ xét nghiệm. Bên cạnh đó, số lượng nhân viên y tế đang thiếu hụt trên diện rộng do nhiều người lo sợ, mắc bệnh hay phải cách ly.
“Không còn từ nào có thể miêu tả tình trạng hỗn độn lúc này”, ông nói.
Khai Tâm
Theo: Cánh cò