Một số hàng hóa, như bông, cà chua bị cấm nhập khẩu vào Mỹ khi Tổng thống Biden ký ban hành luật cấm hầu như tất cả hàng hóa nhập khẩu từ Tân Cương vì cáo buộc sử dụng lao động cưỡng bức tại khu vực này.
Đạo luật Ngăn chặn Lao động Cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ được quốc hội Mỹ thông qua tuần trước và được Tổng thống Joe Biden ký ban hành hôm 23/12. Theo đạo luật này, Tổng thống Mỹ được yêu cầu áp đặt biện pháp trừng phạt đối với quan chức Trung Quốc bị cáo buộc “vi phạm nhân quyền ở Tân Cương”.
Một số hàng hóa, như bông, cà chua và polysilicon được sử dụng trong sản xuất pin năng lượng mặt trời, được coi là những hàng hóa “ưu tiên cao” trong hành động cấm nhập khẩu của Mỹ. Tân Cương là nhà cung cấp lớn về bông và tấm pin mặt trời.
Các công ty lớn của Mỹ kinh doanh tại Tân Cương, trong đó có Coca Cola, Nike và Apple, đã chỉ trích đạo luật này vì nó yêu cầu các doanh nghiệp đưa ra bằng chứng xác minh hoạt động sản xuất không liên quan lao động cưỡng bức. Ước tính khoảng 20% hàng may mặc nhập khẩu vào Mỹ mỗi năm sử dụng bông từ Tân Cương.
Marco Rubio, thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa thúc đẩy dự luật, cho rằng đây là “hành động quan trọng và có tác động nhất” mà Mỹ từng thực hiện đối với Trung Quốc trong vấn đề Tân Cương.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ chưa phản hồi yêu cầu bình luận về động thái của chính quyền Biden.
Trung Quốc bị cáo buộc giam một triệu người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm thiểu số Hồi giáo khác trong các trại cải huấn ở Tân Cương từ năm 2016, tạo điều kiện cho lao động cưỡng bức. Bắc Kinh bác bỏ những cáo buộc này, khẳng định các trại cải huấn là trung tâm đào tạo nghề để loại bỏ chủ nghĩa cực đoan.
Đạo luật mới là bước tiến xa hơn của Mỹ, sau các lệnh cấm nhập khẩu cà chua, bông và một số sản phẩm năng lượng mặt trời từ Tân Cương. Chính quyền Biden đã gia tăng các biện pháp trừng phạt và hồi tháng 7 cảnh báo các doanh nghiệp có thể vi phạm luật pháp nếu có các hoạt động, dù chỉ liên quan gián tiếp, với “mạng lưới giám sát” ở Tân Cương.
(Theo AFP, Al Jazeera)
Theo: Cánh cò