“Việc tắt tiếng bài Quốc ca là sai lầm, một vi phạm phải xử lý. Và xử lý cái đó, đồng thời phải xử lý tới gốc của vấn đề”, ông Võ Văn Thưởng nhấn mạnh.
Sáng 23/12, phát biểu tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác tuyên giáo năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng cho biết, năm 2021 là năm đại dịch Covid-19 diễn biến khó lường, tác động hết sức tiêu cực, gây hậu quả rất nặng nề đến tất cả các lĩnh vực từ kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, đến đời sống và sức khỏe của nhân dân.
“Tuy nhiên, trong muôn vàn khó khăn ấy, một lần nữa khẳng định tinh thần đoàn kết, thương thân tương ái, ý chí vươn lên của toàn dân ta, cùng những cống hiến, hy sinh quên mình vì nhân dân của đội ngũ cán bộ y tế, quân đội, công an, cán bộ đảng viên.
Vượt qua mọi khó khăn, thử thách với tinh thần đổi mới, sáng tạo, năng động, quyết liệt, phấn đấu nỗ lực cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, chúng ta đã kịp thời giải quyết khắc phục những tồn tại, hạn chế, xử lý hiệu quả những vấn đề khó, chưa có tiền lệ để phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội…”, ông Võ Văn Thưởng nói.
Bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, toàn ngành tuyên giáo đã hoàn thành khối lượng lớn công việc, đạt nhiều kết quả quan trọng, tích cực, đóng góp vào thành tựu chung của đất nước trong năm qua. Cụ thể, ngành tuyên giáo đã kịp thời, chủ động tuyên truyền Đại hội XIII của Đảng với hình thức đa dạng, phong phú, góp phần cổ vũ động viên các phong trào thi đua yêu nước, tạo thống nhất cao trong Đảng, đồng thuận trong nhân dân.
Bên cạnh đó, toàn ngành tuyên giáo đã tập trung cao độ, chỉ đạo, định hướng công tác tuyên truyền bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp; công tác phòng chống dịch Covid-19 bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, linh hoạt từ truyền thông đa phương tiện, đến mạng xã hội…
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, theo Thường trực Ban Bí thư, công tác tuyên giáo trong năm 2021 vẫn còn một số hạn chế, trong đó công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện việc học tập, làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh có nơi, có lúc chưa thực chất; Việc tham mưu giúp các cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, thể chế hóa quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về văn hóa chưa được chú trọng.
Bên cạnh đó, công tác chỉ đạo, định hướng, quản lý hoạt động báo chí, xuất bản có lúc chưa kịp thời; Việc xử lý tình trạng báo hóa tạp chí điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp xa rời tôn chỉ mục đích, nhất là các tạp chí điện tử thuộc các hội chưa nghiêm túc; Quản lý các trang mạng xã hội, trang thông tin điện tử cá nhân còn hạn chế…
Ngoài ra, việc tổ chức đấu tranh ngăn chặn thông tin xấu độc, quan điểm sai trái thù địch, một số thời điểm còn chậm, phương pháp chưa tương xứng, hiệu quả chưa cao. Theo Thường trực Ban Bí thư, phương pháp chưa tương xứng vì có những vấn đề chưa đến mức xử lý biện pháp cao thì lại xử lý biện pháp cao. Trong khi đó, có những vấn đề đòi hỏi sử dụng biện pháp cao thì lại sử dụng biện pháp chưa ở mức đó.
“Tôi nói ví dụ về việc tắt tiếng bài Quốc ca là sai lầm, một vi phạm phải xử lý. Và xử lý cái đó, đồng thời phải xử lý tới gốc của vấn đề. Rồi trong công tác phòng chống dịch, đáng lẽ chúng ta chỉ cần sử dụng biện pháp là cho công an nắm lại tình hình, kiểm tra thực tế, xử phạt hành chính việc đưa tin, thì chúng ta lại dùng báo chí chính thống bác bỏ”, Thường trực Ban Bí thư nói và cho rằng, khi sử dụng biện pháp không tương xứng thì rất khó các bước tiếp theo.
Tại hội nghị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đề nghị các đại biểu với tinh thần trách nhiệm cao tích cực thảo luận đề ra nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp đột phá những kết quả đã đạt được, khắc phục những khó khăn, vướng mắc đã chỉ ra; tiếp tục, đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tuyên giáo. Toàn ngành phải kiên trì, bền bỉ, thường xuyên, liên tục tuyên truyền, hướng dẫn, động viên, khích lệ cán bộ, đảng viên và nhân dân ta hiểu rõ và phấn đấu đạt bằng được mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng XIII đã đề ra.
Thường trực Ban Bí thư yêu cầu trong nội bộ ngành tuyên giáo, các cơ quan trong lĩnh vực báo chí – xuất bản, văn học nghệ thuật, giáo dục, y tế, khoa học – công nghệ… cần tiến hành ngay việc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình theo tinh thần Kết luận 21, bảo đảm nghiêm túc, thận trọng, đạt kết quả cụ thể, thực chất.
“Cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu các cấp, phải gương mẫu, tự giác làm trước; tự soi lại mình, đơn vị mình, gia đình mình cái gì đã làm tốt, cái gì chưa tốt, tại sao lại như vậy, trên cơ sở đó tự mình điều chỉnh, sửa chữa, khắc phục, tránh qua loa, hình thức, chiếu lệ, xuê xoa, nể nang; ngăn chặn tình trạng lợi dụng kiểm điểm, phê bình để “đấu đá”, “hạ bệ” nhau với động cơ không trong sáng”, Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh.
Thường trực Ban Bí thư nêu rõ tăng cường chỉ đạo, định hướng, kịp thời chấn chỉnh hoạt động báo chí – xuất bản với phương châm “chủ động thông tin tích cực”; phát huy vai trò của báo chí – xuất bản trong tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; định hướng tư tưởng chính trị, nhân cách, giá trị sống cao đẹp; giới thiệu gương người tốt, việc tốt trong xã hội; là lực lượng sắc bén trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị…
Tiếp tục phối hợp chặt chẽ giữa ngành Tuyên giáo, Thông tin truyền thông, Hội Nhà báo các cấp trong chỉ đạo, quản lý hoạt động báo chí – xuất bản; giáo dục, rèn luyện, đào tạo, xây dựng đội ngũ phóng viên, biên tập viên có bản lĩnh vững vàng, đạo đức trong sáng, ý thức, trách nhiệm công dân trong hoạt động nghề nghiệp.
“Tôi đề nghị xử lý nghiêm, hiệu quả những vi phạm trong hoạt động tạp chí điện tử, trang tin điện tử. Tôi có thể ví cái này có tính chất giống như có dại. Mình xử lý không nghiêm, không triệt để thì một hai tháng sau nó quay trở lại cái cũ ngay. Cho nên cái này phải kiên trì, thường xuyên và làm tới đâu chắc tới đó. Mỗi quý chọn lựa từ 5 đến 7 tờ để nghiên cứu, đánh giá đề nghị sửa, nếu 3 tháng sau kiểm tra không thấy sửa thì rút giấy phép”, Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh.
Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng yêu cầu mỗi cán bộ làm công tác tuyên giáo phải không ngừng nỗ lực rèn luyện, nâng cao trình độ lý luận, khả năng tư duy, phương pháp giải quyết các vấn đề tư tưởng. “Phải say mê với công tác của mình, chỉ khi nào chúng ta say mê mới truyền được đến người khác cảm hứng, truyền đến đông đảo cán bộ đảng viên và nhân dân cảm hứng của công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Đồng thời say mê mới cảm hóa được người khác, nâng cao khả năng thuyết phục và chỉ với trí tuệ, hiểu biết, phương pháp tốt thì chúng ta mới nâng cao được tính chiến đấu, tính khoa học, tính thuyết phục một cách hiệu quả”, Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh.
Khai Tâm
Theo: Cánh cò