Friday, October 4, 2024

Biến thể Delta đang ‘dang tay bảo vệ’ Nhật Bản?

Một hiện tượng lạ xảy ra ở Nhật Bản đang khiến các chuyên gia y tế bối rối. Số ca nhiễm COVID-19 tại Nhật giảm mạnh, trái ngược với xu hướng gia tăng số ca bệnh ở các khu vực khác của châu Á, hãng tin Reuters đưa tin.

Tại Nhật, tỷ lệ nhiễm COVID-19 mới hằng ngày đã giảm xuống dưới 1/1 triệu người, thấp nhất trong số các nền kinh tế lớn thế giới (ngoại trừ Trung Quốc). Và số ca tử vong vì COVID-19 đã giảm về 0 trong những ngày gần đây.

Hàn Quốc, với phạm vi tiêm vaccine tương tự Nhật Bản, đang chứng kiến ​​số ca nhiễm COVID-19 cao kỷ lục. Số ca bệnh vẫn tăng ở Singapore và đang gia tăng trở lại ở Úc khi chính quyền nơi đây nới lỏng các biện pháp kiểm soát đi lại nghiêm ngặt.

Một giả thuyết để giải thích sự sụt giảm này là biến thể coronavirus chiếm ưu thế ở Nhật Bản đã giảm khả năng tái tạo.

Ituro Inoue, một giáo sư tại Viện Di truyền Quốc gia Nhật Bản, cho rằng biến thể phụ của Delta, được gọi là AY.29, dường như đã cung cấp một số khả năng miễn dịch cho dân số Nhật.

Giáo sư Inoue nói: “Tôi nghĩ AY.29 đang bảo vệ chúng tôi khỏi các chủng khác”.

Tuy nhiên, giáo sư Inoue cảnh báo rằng nghiên cứu của ông vẫn chỉ là lý thuyết. “Tôi không tự tin 100%”, ông Inoue nói.

[Đọc thêm: COVID-19 sụt giảm bất ngờ ở Nhật Bản: Chuyên gia lý giải 4 nguyên nhân, cảnh báo đáng ngại]

Paul Griffin, một giáo sư tại Đại học Queensland, Úc, cho biết sự khác biệt về số ca COVID-19 của các quốc gia là do sự kết hợp phức tạp của thời tiết, mật độ dân số và các chiến lược khác nhau để chống lại đại dịch.

WHO công bố dữ liệu đáng ngại tại ‘điểm nóng’ Omicron, cảnh báo tác động lớn tới đại dịch

Griffin nói: “Chúng ta cần cố gắng học hỏi từ các quốc gia khác, nhưng chúng ta không nên cho rằng quốc gia nào cũng có trải nghiệm giống nhau, bởi vì có rất nhiều biến số”.

Người đi bộ đeo khẩu trang trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 bùng phát. Ảnh chụp tại khu mua sắm Ameyoko ở Tokyo, Nhật Bản, ngày 1 tháng 12 năm 2021. REUTERS / Kim Kyung-Hoon

“Một số quốc gia đang sử dụng các chiến lược khác bên cạnh việc tiêm vaccine để kiểm soát sự lây lan, ví dụ như các biện pháp đơn giản như vệ sinh tay, giữ khoảng cách, sử dụng khẩu trang, bắt buộc hoặc tự nguyện”.

Nhật Bản không bao giờ phong tỏa theo cách mà nhiều quốc gia đã làm, nhưng cũng không bao giờ từ bỏ các quy định về hành vi chống dịch và các hạn chế biên giới được áp dụng trước khi có vaccine.

Kazuaki Jindai, một nhà nghiên cứu tại Đại học Tohoku, Nhật Bản, cho biết: “Việc đeo khẩu trang và các quy tắc vệ sinh cá nhân vẫn được giữ nguyên và vẫn rất quan trọng. Vaccine là một khía cạnh quan trọng của việc phòng ngừa nhưng không phải là viên đạn bạc”.

Một số người khác cho rằng nguyên nhân số ca COVID-19 ở Nhật đi ngược với xu thế châu Á là thời gian tiêm chủng của Nhật Bản.

Nhật Bản bắt đầu tiêm vaccine COVID-19 muộn hơn và điều này có nghĩa là hiệu lực của vaccine vẫn còn mạnh. Các chuyên gia cũng nhắc tới xu hướng phát triển theo mùa của virus – nó có xu hướng phát triển và suy giảm trong khoảng thời gian hai tháng.

Chuẩn bị cho tình huống xấu nhấtVào mùa đông năm ngoái, Nhật Bản đã chứng kiến ​​một làn sóng COVID-19 chết chóc, bắt đầu ở miền bắc lạnh giá.

Mùa đông năm nay, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đưa ra những quy định nghiêm ngặt để phòng chống dịch. Ông đã ra lệnh đóng cửa biên giới vào tuần trước để ngăn chặn biến thể Omicron ‘siêu đột biến’, hiện đã được phát hiện ở bốn người tại Nhật Bản.

Ngược lại, Úc đang chuẩn bị mở cửa trở lại nền kinh tế. Giáo sư Griffin cho biết hiện Úc đã đạt được mục tiêu tiêm vaccine và với sự xuất hiện của phương pháp điều trị COVID-19, đã đến lúc chấp nhận sự gia tăng ca bệnh.

Thủ tướng Nhật Bản Kishida nói rằng điều quan trọng là phải chuẩn bị cho tình huống xấu nhất. Chiến dịch tiêm liều vaccine tăng cường đã bắt đầu vào tuần trước và chính phủ Nhật đã tăng công suất bệnh viện hơn 30% kể từ khi một số bệnh nhân tử vong tại nhà trong làn sóng COVID-19 thứ năm vào tháng 8, làn sóng tồi tệ nhất cho đến nay.

Nhà nghiên cứu Jindai hoan nghênh những sự chuẩn bị đó nhưng lo lắng về việc thực thi chúng và liệu Nhật Bản có thể quản lý dữ liệu chăm sóc sức khỏe tốt hay không, vốn là một điểm yếu của nước này.

Jindai, một bác sĩ ở tỉnh Kanagawa, phía nam Tokyo, cho biết: “Nếu các giường ICU (đơn vị chăm sóc đặc biệt) kín chỗ, điều đó có nghĩa là tất cả các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ở địa phương sẽ bị ảnh hưởng. Cho đến khi chúng ta bước vào làn sóng [COVID-19] thứ sáu, chúng ta không thể nói chắc liệu những biện pháp đó có hiệu quả hay không”.

Khai Tâm

Theo: Cánh cò

Related Articles

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Stay Connected

863FansLike
44FollowersFollow
0SubscribersSubscribe

BÀI MỚI

Xem nhiều

Phản biện - Luận bàn

ĐỐI TƯỢNG