Đại dịch Covid-19 gây ra quá nhiều tang tóc, thế nhưng thiên tai vẫn chưa bằng nhân tai. Có những kẻ nhẫn tâm cổ súy người dân trốn cách ly và cấp cứu, cho rằng chính quyền bỏ mặc nhân dân.
Trang mạng BBC Tiếng Việt cố gắng vẽ ra một không khí hỗn loạn thời dịch bệnh, trong khi thực tế thì cả nước đang từng bước thích ứng để phục hồi kinh tế. Họ liệt kê một vài câu chuyện người dân khi nhiễm bệnh thì phải chờ vì trạm y tế phường quá bận. Rồi từ đó, rêu rao rằng chính quyền bỏ mặc nhân dân, có bệnh phải tự mua thuốc, không nên đi cách ly vì đi cách ly là “bệnh nặng thêm”? Đặc biệt cả bài không hề thấy mô tả tâm lý người dân sợ dịch bệnh, thậm chí còn thoải mái vui chơi tập thể dục. Không có lấy một tiếng nói nào tỏ ra thông cảm cho nhà nước, thậm chí còn bịa đặt thông tin cho rằng vào viện tư yên tâm hơn viện công.
Vừa mới đây thôi, vào ngày 19/11, cả nước đã cùng tưởng niệm hơn 24 nghìn đồng bào, chiến sỹ hi sinh và tử vong vì dịch bệnh Covid-19. Một con số khổng lồ và thật không may là đại dịch chưa hề chấm dứt, con số đó vẫn chưa dừng lại. Lễ tưởng niệm ngoài dịp để chia sẻ với gia đình các nạn nhân, nhớ về đồng bào chiến sỹ thì còn là dịp để nhìn lại chặng đường và những nỗ lực đã qua, cùng việc rút ra kinh nghiệm cho những ngày sắp tới. Vậy BBC tiếng Việt đã rút ra điều gì qua cái tiêu đề bài báo của họ “Omicron thì vẫn ráng vui chơi và tập thể dục”?
Cũng cần biết là hiện nay, sau một thời gian dài tập trung mọi nguồn lực cho công tác phòng chống dịch, lực lượng y, bác sỹ đã được rút bớt khỏi TP.HCM để về lại địa phương công tác. Và các lực lượng y bác sỹ của thành phố cũng phải quay trở lại công tác khám chữa bệnh thường ngày của họ. Do đó, việc chậm trễ trong xử lý các thông tin dịch bệnh, cách ly là hoàn toàn có thể thông cảm. Mọi người cần cố gắng tuân thủ nghiêm túc các khuyến cáo 5K của Bộ y tế, và tự cách ly tại nhà trong khi chờ hướng dẫn hoặc phát thuốc, thay vì tư duy lệch lạc đổ tại số trời và trách chính quyền bỏ mặc. Các y bác sỹ đã quá vất vả rồi, nhiều ngày nhiều tháng làm việc cật lực với áp lực và thu nhập sụt giảm rồi, chẳng lẽ người ta vẫn không thể thông cảm cho họ hay sao. Đọc báo mới đây thấy thông tin gần 1000 nhân viên y tế ở TP.HCM xin nghỉ vì nhiều lý do khác nhau như: áp lực, càng thẳng, thu nhập giảm sút… mà đau lòng. Dường như có nhiều người đang tự cho mình cái suy nghĩ rằng những sự hỗ trợ mà họ đang có được là điều hiển nhiên, không cần quan tâm.
Một trong những bài học rút ra từ đại dịch là ý thức của mỗi cá nhân, không gì thay thế được cho ý thức. Chủ trương của Việt Nam lấy người dân là trung tâm, là chủ thể trong phòng, chống dịch vì thế đã đề ra các chủ trương giãn cách xã hội, truy vết, cách ly, phong tỏa. Các nước phương Tây lúc đầu chê bai phương pháp này, rồi lại phải học, khi có vaccine họ lại bỏ. Và bây giờ khi vaccine chưa ngăn được dịch thì Áo và một số nước khác dần quay lại với giãn cách xã hội. Dẫn chứng những điều này để thấy hành vi của mỗi cá nhân trong đợt dịch có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng của người đó. Ý thức kém sẽ không chỉ hại mình mà còn hại bao người khác và sẽ phá hoại công sức của cả một tập thể và cộng đồng. Chúng ta từng chứng kiến những người trốn khai báo y tế, vô tư ra đường, trốn cách ly… đã làm lây lan dịch bệnh và ảnh hưởng đến mọi người như thế nào.
Mỗi người đừng nên hỏi đất nước đã làm gì cho mình, mà trước hết hãy hỏi mình đã đóng góp được gì cho cộng đồng, xã hội và đất nước. BBC tiếng Việt cổ súy cho việc không tin tưởng chính quyền, chống lại các yêu cầu khai báo, cách ly tập trung. Họ vẽ ra bối cảnh vất vả, hỗn loạn thời dịch, nhưng lại đối phó bằng cách “thoải mái vui chơi và tập thể dục”. Có tư duy nào phi lý như vậy không?
Câu trả lời đơn giản là họ không phải muốn giúp đỡ cộng đồng, mà chỉ muốn cộng đồng không tin tưởng, rời xa chính quyền để dễ bề kích động và chống phá. Và hậu quả của những lời xúi giục đó sẽ là có thêm nhiều người nhiễm bệnh và đối mặt với rủi ro.
An Diễm
Theo: Hội Cờ đỏ