Thursday, October 31, 2024

Biến chủng B.1.1.529 nguy hiểm mức nào khiến nhiều quốc gia cách ly nghiêm ngặt

Sự xuất hiện của biến chủng B.1.1.529 với số lượng đột biến nhiều bất thường khiến giới khoa học lo ngại rằng đây sẽ là nguồn cơn bùng phát dịch mới.

Anh đã hạn chế đi lại với một số nước châu Phi sau sự xuất hiện của B.1.1.529 (Ảnh minh họa: Guardian).

Guardian đưa tin, giới chức Anh ngày 25/11 đã đưa 6 quốc gia châu Phi vào danh sách đỏ hạn chế đi lại gồm Nam Phi, Namibia, Lesotho, Botswana, Eswatini và Zimbabwe. Bộ trưởng Y tế Anh Sajid Javid cho biết, bắt đầu từ ngày 26/11, Anh sẽ tạm ngừng các chuyến bay từ 6 quốc gia này, đồng thời toàn bộ công dân Anh trở về từ những nước này sẽ phải tuân thủ quy định cách ly nghiêm ngặt.

Động thái ứng phó trên thậm chí nhanh chóng hơn phản ứng của Anh trước kia với Delta – một biến chủng đáng lo ngại của SARS-CoV-2 và hiện là biến chủng trội toàn cầu.

“Điều mà chúng ta nắm được hiện nay là biến chủng này có rất nhiều đột biến, có lẽ gấp hai lần số đột biến mà chúng ta thấy ở Delta”, Bộ trưởng Javid nói. Ông nhấn mạnh, mặc dù vẫn cần thêm dữ liệu về biến chủng này, nhưng quyết định hạn chế đi lại là cần thiết vào thời điểm này để đề phòng các nguy cơ.

Cùng ngày, Israel cũng đưa các nước châu Phi gồm Nam Phi, Lesotho, Botswana, Zimbabwe, Mozambique, Namibia và Eswatini vào danh sách đỏ đi lại do lo ngại biến chủng B.1.1.529.

Theo đó, Israel tạm thời ngừng nhập cảnh đối với công dân của 7 nước này, trong khi công dân Israel trở về từ các quốc gia trên phải cách ly 7-14 ngày tại khách sạn.

Quyết định trên được đưa ra sau khi các nhà khoa học Nam Phi ngày 25/11 cho biết, họ đã phát hiện biến chủng B.1.1.529 ở nước này và nó đang có dấu hiệu lây lan nhanh chóng ở Gauteng, một tỉnh đông dân nhất ở Nam Phi, và có khả năng đã có mặt ở 8 tỉnh thành khác. Nam Phi đã xác nhận khoảng 100 mẫu xét nghiệm B.1.1.529, trong đó tỉnh Gauteng chiếm tới 90%. Thực tế, biến chủng này đã được ghi nhận ở Botswana từ đầu tuần này và một trường hợp ghi nhận ở Hong Kong là một du khách đến từ Nam Phi.

Biến chủng B.1.1.529 là gì?

Biến chủng B.1.1.529 gây lo ngại vì có tới 32 đột biến (Ảnh minh họa: Alamy).

B.1.1.529 được mô tả có số lượng đột biến “đáng sợ”. Theo các nhà khoa học, B.1.1.529 có tới 32 đột biến ở protein gai và có lẽ là biến chủng có chứa nhiều đột biến nhất từ trước đến nay của virus SARS-CoV-2.

Các đột biến ở protein gai có thể làm thay đổi khả năng của virus truyền bệnh cho các tế bào cơ thể người và lây lan, hoặc cũng có thể làm cho các tế bào miễn dịch khó tấn công lại mầm bệnh.

“Lượng đột biến rất cao của biến chủng cho thấy điều này có thể thực sự đáng lo ngại”, Tiến sĩ Tom Peacock, một nhà virus học tại Đại học Hoàng gia London, bình luận.

Giáo sư Ravi Gupta tại Đại học Cambridge cho biết, các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm của ông đã phát hiện hai đột biến ở B.1.1.529 có thể làm tăng khả năng lây nhiễm của virus và giảm khả năng nhận biết kháng thể.

B.1.1.529 có đáng lo ngại hơn Delta hay không?

Một số nhà khoa học lo ngại rằng, biến chủng mới có thể sẽ dễ né miễn dịch và dễ lây lan hơn. Một số nhà khoa học nghi ngại, B.1.1.529 có thể làm giảm hiệu quả của vaccine xuống còn 30%. Theo đánh giá của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nếu các vaccine hiện thời có hiệu quả khoảng 60% với các biến chủng thông thường của SARS-CoV-2, thì tỷ lệ này giảm còn 40% với biến chủng Delta.

Delta được phát hiện lần đầu tiên ở Ấn Độ vào cuối năm 2020 và đã nhanh chóng lan ra, trở thành biến chủng trội toàn cầu. Delta hiện chiếm khoảng 99% số ca Covid-19 toàn cầu. Cùng với Alpha phát hiện lần đầu ở Anh, Beta phát hiện lần đầu ở Nam Phi và Gamma lần đầu ở Brazil, Delta là một trong số các biến chủng đáng lo ngại theo đánh giá của WHO. Đây là nhóm biến chủng có nguy cơ dễ lây lan, né miễn dịch hơn hoặc có độc lực cao hơn.

Giáo sư Christina Pagel, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu lâm sàng tại Viện Di truyền UCL, bình luận trên Twitter rằng, B.1.1.529 “có thể có những ưu thế hơn so với Delta hay C.1.2”. C.1.2 là một biến chủng khác của SARS-CoV-2 được đánh giá là có thể có khả năng lây lan cao hơn.

Quá ít dữ liệu

Giới khoa học có thể mất thêm vài tuần nữa để xác định B.1.1.529 có thực sự nguy hiểm (Ảnh minh họa: AP).

Sự xuất hiện của B.1.1.529 đang gây lo ngại cho giới khoa học. Tuy nhiên, hiện còn quá ít dữ liệu về biến chủng này để có thể đưa ra kết luận chính xác về mức độ nguy hiểm của nó.

Giáo sư Francois Balloux, giám đốc Viện Di truyền UCL, nhấn mạnh: “Rất khó để dự đoán nó có thể lây truyền thế nào trong giai đoạn này. Nó cần được theo dõi và phân tích chặt chẽ, nhưng không có lý do gì để lo ngại quá mức, trừ khi nó bắt đầu tăng tần suất trong tương lai gần”.

Neil Ferguson, chuyên gia dịch tễ tại Đại học Hoàng gia London, lưu ý đến số lượng đột biến “bất thường” của B.1.1.529, nhưng cũng nhấn mạnh: “Chúng ta hiện chưa có những đánh giá tin cậy về mức độ lây lan hay kháng vaccine của biến chủng này, do vậy còn quá sớm để đưa ra kết luận dựa trên bằng chứng về những nguy cơ mà nó có thể gây ra”.

Theo Guardian, giới khoa học có thể phải mất thêm vài tuần để xác định mối đe dọa thực sự từ B.1.1.529.

Trong bối cảnh còn rất ít dữ liệu về loại biến chủng mới, Tiến sĩ Michelle Groome, khuyến nghị mọi người nên tiếp tục tiêm chủng vaccine Covid-19, đeo khẩu trang, giãn cách xã hội, tránh tập trung đông người trong không gian kín và thực hiện các biện pháp phòng dịch khác.

Khai Tâm

Theo: Cánh cò

Related Articles

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Stay Connected

863FansLike
44FollowersFollow
0SubscribersSubscribe

BÀI MỚI

Xem nhiều

Phản biện - Luận bàn

ĐỐI TƯỢNG