“Mong muốn thiết tha nhất của cộng đồng người Việt là có phương pháp giảng dạy tiếng Việt cho con em sinh ra và lớn lên ở Nhật Bản” – đó là tiếng lòng thiết tha mà kiều bào ở Tokyo trình bày khi gặp được Thủ tướng trong chuyến công du tại Nhật.
Không phải là những đề xuất mong muốn được Chính phủ giúp cho những vấn đề liên quan đến cơm, áo, gạo, tiền nơi xứ người, mà nguyện vọng tha thiết của kiều bào chỉ một, đó là nhu cầu giữ gìn văn hóa – giữ tiếng Việt, giữ tiếng mẹ đẻ, giữ gìn giá trị truyền thống của dân tộc.
Một bộ sách tiếng Việt cho các thế hệ người Việt sinh ra trên nước Nhật – đó là nhu cầu rất chính đáng của kiều bào. Trong bài thơ “Tiếng Việt”, nhà thơ Lưu Quang Vũ đã tha thiết gọi đầy chất cảm thán tiếng mẹ đẻ – thứ ngôn ngữ mà ông cảm thấy “suốt đời tôi mắc nợ”.
Với kiều bào, giữ tiếng nói và chữ viết là giữ gìn nguồn cội, giữ cái gốc cho con cháu và không để mờ phai đi hình ảnh quê hương trong thế hệ trẻ. Đâu phải ngẫu nhiên mà ca từ: “Tiếng Việt còn trong mỗi người, người Việt còn thì còn nước non”, trong bài hát Thương ca tiếng Việt trở nên thân thương, ai xa quê cũng thuộc và hát với tất cả niềm tự hào.
Có thể nói, nguồn cội là điều thiêng liêng trong tâm khảm của người Việt xa quê, đang định cư và làm việc ở nước ngoài. Để giữ gìn tiếng Việt và truyền thống văn hóa của dân tộc, người Việt Nam dù ở đâu cũng nói tiếng Việt khi gặp nhau. Để con trẻ nói được tiếng Việt tốt hơn và thích với ngôn ngữ mẹ đẻ, cộng đồng người Việt mỗi năm đều cùng nhau tổ chức đón Tết cổ truyền, cùng nhau ca hát, múa lân và chúc Tết trong tình thân. Dù không có cành đào mọi người cũng làm cành đào giả, cũng có bánh chưng, thịt mỡ, dưa hành, v.v…
Tình yêu nước và niềm tự hào dân tộc luôn có sức hút mãnh liệt, luôn có sự kết nối và dễ dàng chạm vào tâm khảm của những trái tim đồng điệu. Kiều bào đã vỡ òa trong niềm hạnh phúc khi nghe đích thân Thủ tướng Phạm Minh Chính cam kết: Sẽ có giải pháp và đề nghị Bộ Giáo dục & Đào tạo cùng Bộ Ngoại giao nghiên cứu hình thức phù hợp.
“Có thể có chương trình dạy tiếng Việt trên Đài tiếng nói hoặc phát vào khung giờ nhất định kết hợp với nhiều biện pháp khác” – kế hoạch được Thủ tướng đưa ra ngay tại buổi gặp kiều bào, lóe lên nhiều tia sáng, tín hiệu tốt lành cho chặng đường học tiếng Việt, sẽ có nhiều thuận lợi hơn giữ gìn tiếng Việt cho thế hệ trẻ đang sinh sống ở nước ngoài.
Có lẽ, với cam kết này của Thủ tướng, không chỉ kiều bào ở Nhật hạnh phúc mà đó là niềm hạnh phúc chung của tất cả kiều bào đang sinh sống, làm việc ở nước ngoài. Còn nhớ, khi Thủ tướng thực hiện chuyến công du sang Châu âu vừa mới đây, cộng đồng người Việt cũng trình bày, đề xuất chung một nguyện vọng: “Mong muốn con cháu được học chữ Việt”.
Rất mong, từ những chuyến công du thế này của Thủ tướng, nguyện vọng “được học chữ Việt” của kiều bào, nhu cầu chính đáng và cấp thiết sẽ được nhanh chóng trở thành hiện thực.
Hải Yến
Theo: Hội Cờ đỏ