Trung Quốc từng là nhà sản xuất nhôm hàng đầu thế giới – loại vật liệu được coi là có thể giúp giải quyết các vấn đề môi trường – nhưng nguồn cung nhôm trong thời gian gần đây đang bị thiếu hụt trên toàn cầu gây cản trở nghiêm trọng đến thị trường và có thể khiến giá hàng hóa ngày càng tăng cao.
Rất nhiều ngành sản xuất – từ ô tô đến các nhà sản xuất nước giải khát và bia đang tranh giành để có được loại kim loại đang bị thiếu hụt trầm trọng nhất từ trước đến nay.
Trong khi đó, tại Việt Nam lại đang có một kho dự trữ nhôm lớn có lên quan đến Trung Quốc với giá trị có thể lên đến 5 tỷ USD tính theo thị giá hiện tại, nhưng số nhôm này được cho là không thể sử dụng.
“Núi nhôm” suýt đội lốt hàng Việt đi Mỹ
Kho nhôm 1,8 triệu tấn này đã bị Việt Nam ngăn chặn xuất khẩu vào năm 2019 trong khuôn khổ cuộc điều tra chống bán phá giá do Mỹ khởi xướng. Cuộc điều tra này nhắm đến tỷ phú Trung Quốc Lưu Điền Trung, người được mệnh danh là “vua nhôm”.
Số nhôm Trung Quốc từng được dự định đội lốt hàng Việt Nam để xuất sang Mỹ được nhập khẩu từ Trung Quốc bởi công ty có tên Global Vietnam Aluminium Ltd (GVA), tức Công ty TNHH Nhôm Toàn Cầu Việt Nam, có trụ sở tại tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu.
Theo nguồn tin của Vietnambiz, giấy phép đăng ký kinh doanh năm 2016 của GVA cho thấy toàn bộ công ty này đều do 2 người nước ngoài đứng tên sở hữu là ông Jacky Cheung (sở hữu 10% vốn điều lệ) và ông Wang Tong (góp vốn 90%).
GVA có liên quan mật thiết đến ông “vua nhôm” Trung Quốc do ông Cheung, người đồng sở hữu GVA nắm giữ vai trò Tổng Giám đốc và người đại diện pháp luật là một đối tác làm ăn của ông Lưu.
1,8 triệu tấn nhôm hiện vẫn đang được lưu giữ dưới sự giám sát của các nhân viên an ninh Việt Nam, và chỉ có một khối lượng nhỏ được đưa vào dây chuyền sản xuất của GVA.
Theo Bloomberg, nếu kho dự trữ khổng lồ này được giải phóng, nó có thể chấm dứt tình trạng thiếu hụt nhôm trên toàn thế giới và hạ giá thành hàng hóa đáng kể.
Tuy nhiên, ông Ross Strachan, một nhà phân tích cấp cao của công ty tư vấn CRU Group (London, Anh), cho biết điều này khó có thể xảy ra vì không chắc khi nào số nhôm nói trên mới có thể được giải phóng ra thị trường.
Phương án xử lý của Việt Nam
Năm 2019, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn cho hay lực lượng Hải quan Việt Nam đã chủ động phối hợp với Cơ quan hải quan Mỹ và các đặc vụ của Bộ An ninh nội địa Mỹ để điều tra xác minh, ngăn chặn nguy cơ hàng hóa giả mạo xuất xử Việt Nam xuất sang Mỹ.
Ông Cẩn cho hay, Hải quan Việt Nam không “thu giữ” số nhôm này mà chỉ “ngăn chặn” việc doanh nghiệp lợi dụng thuế suất rẻ để xuất khẩu lô hàng sang Mỹ, tránh nguy cơ Mỹ điều tra, áp đặt thuế đối với sản phẩm xuất khẩu từ Việt Nam.
Ông Cẩn nói rằng đây là “vụ lớn nhất (tính đến năm 2019) có dấu hiệu giả mạo xuất xứ với nhôm xuất khẩu ở Vũng Tàu. Doanh nghiệp đóng trên địa bàn này có dây chuyền công nghệ sản xuất nhôm nhưng lại nhập khẩu nhôm thỏi, nhôm thanh từ Trung Quốc và các nước khác để chế ra các sản phẩm nhôm VN xuất sang Mỹ”.
“Phía Hải quan Mỹ cho biết kể cả khi doanh nghiệp dùng thủ đoạn nhập khẩu nhôm thanh, nhôm thỏi, nhôm thành phẩm về đưa vào lò nấu thành nhôm thỏi rồi cán thành nhôm thanh cũng không đủ điều kiện có xuất xứ Việt Nam để hưởng ưu đãi” – ông Cẩn chia sẻ với phóng viên Tuổi trẻ.
Theo lời ông Cẩn, “doanh nghiệp có quyền tiêu thụ ở Việt Nam, nhưng phải nộp các loại thuế đầy đủ”; doanh nghiệp cũng có thể làm thủ tục xuất khẩu sang nước thứ 3 nhưng không được phép mạo danh xuất xứ Việt Nam.
GVA là doanh nghiệp chế xuất nên khi nhập số lượng lớn nhôm về, doanh nghiệp này đã khai báo là nhập hàng để phục vụ sản xuất, xuất khẩu và không phải chịu thuế theo quy định của Luật Thuế xuất nhập khẩu.
Về hướng giải quyết, ông Cẩn cho biết doanh nghiệp phải chịu hoàn toàn phí lưu kho bãi đối với số nhôm tồn, dưới sự giám sát của lực lượng chức năng cho đến khi số nhôm được xuất khẩu hết. Nếu doanh nghiệp đưa số nhôm này ra để tiêu thụ nội địa, thì ngành hải quan sẽ xử lý vấn đề về thuế.
Mối nguy từ 1,8 triệu tấn nhôm
Vụ việc bị phanh phui vào giai đoạn căng thẳng thương mại Mỹ-Trung đang rất nóng dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. Theo báo Thanh niên, vào thời điểm đó, nhôm của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ chỉ phải chịu thuế khoảng 15%, còn nhôm của Trung Quốc bị Mỹ áp thuế lên đến 374% – cao gấp 25 lần so với mức thuế đối với Việt Nam.
Giới chuyên gia đã chỉ ra những “mối nguy” tiềm tàng từ vụ việc 1,8 triệu tấn nhôm Trung Quốc này, không chỉ đối với tương lai xuất khẩu mặt hàng nhôm mà còn cả đối với thị trường trong nước.
Cụ thể, trích dẫn nhận định của ông Trịnh Khôi Nguyên, Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, về vụ 1,8 triệu tấn nhôm và nhiều vụ việc tương tự trước đó cho biết: Trước đó đã có một loạt mặt hàng, kể cả thép nhập khẩu vào Việt Nam có dấu hiệu gian lận xuất xứ bị phát hiện và xử lý.
Theo ông Nguyên, các hành vi gian lận bao gồm: gian lận mã số thuế; gia công, chế biến để xuất khẩu nhưng không đủ tỷ lệ mang xuất xứ Việt Nam; sau đó các sản phẩm này bị đối tác nhập khẩu áp thuế chống gian lận.
Ông Nguyên cho biết việc hàng hóa nước ngoài đội lốt hàng Việt để xuất khẩu nhằm lách thuế “sẽ rất nguy hiểm”. Trong vụ việc nói trên, “nó sẽ khiến cho cả ngành nhôm bị liên lụy. Chỉ một công ty gian lận thì cả các công ty khác xuất mặt hàng đó cũng chịu ảnh hưởng theo. Thứ hai, nếu không xuất được mà để trong nước tiêu thụ sẽ triệt tiêu các doanh nghiệp trong nước”, báo Thanh niên dẫn lời ông Nguyên.
Trong khi đó, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh đã bày tỏ lo ngại về nguy cơ nhôm Việt Nam bị trừng phạt với mức thuế chống bán phá giá cao, “đủ để ‘chết’ một ngành”, trong bối cảnh cuộc thương chiến Mỹ-Trung “căng như dây đàn vào thời điểm đó.
Năm 2019, ông Thịnh cho hay: “Nhôm Trung Quốc đội lốt Việt Nam đang trở thành vấn đề lớn của việc xuất nhập khẩu liên quan Mỹ và Việt Nam quan tâm. Lo lớn nhất là sau thép, nhôm Việt Nam có thể bị trừng phạt với mức thuế chống bán phá giá cao đủ để “chết” một ngành”./.
Khai Tâm
Theo: Cánh cò