Có những sự việc người này nghe qua thì tưởng chừng rất nhỏ, không có nhiều điều đáng để nói nhưng với người khác thì lại suy diễn thành vấn đề lớn, người ta gọi đó là “nâng cao quan điểm”. Việc này cũng là bình thường, bởi mỗi người có góc nhìn khác nhau. Nhưng điều đáng nói là khi một việc vốn đã nhỏ, bị nâng cao quan điểm rồi lại bị thêm một nhóm người ý đồ xấu thổi bùng lên thành một thứ gì đó xấu xa. Câu chuyện 22 nghìn lon sữa ở TP.HCM mới đây là một ví dụ như vậy.
Chuyện bắt đầu khi đại biểu Tô Thị Bích Châu (TP.HCM) đặt vấn đề làm sao thúc đẩy sự mạnh dạn, cũng như để mỗi bộ, ngành, địa phương, mỗi đơn vị, nhất là đơn vị tham mưu ý thức được vai trò, trách nhiệm của mình trong việc tham mưu cho Chính phủ thực hiện vai trò chỉ đạo, hướng dẫn. Việc này sẽ giúp các quyết định được đưa ra nhanh hơn trong các tình huống cấp bách. Bà lấy một ví dụ là có 22 nghìn lon sữa do đồng bào Úc ủng hộ trẻ em khó khăn do đại dịch nhưng bị giữ lại hải quan vì theo quy định thì phải thực hiện kiểm tra an toàn thực phẩm. Tuy nhiên khi Mặt trận Tổ quốc TP.HCM xin ý kiến Cục an toàn thực phẩm thì Cục đề nghị gửi văn bản lên Chính phủ vì theo khoản 9, điều 13 nghị định 15/2018, các lô hàng nhập khẩu này thuộc thẩm quyền giải quyết của Chính phủ/Thủ tướng Chính phủ và chờ được hướng dẫn trả lời. Do đó việc tiếp nhận 22 nghìn lon sữa bị chậm trễ.
Trước hết cần hiểu các Quy định về chất lượng sản phẩm được đặt ra là để bảo vệ sức khỏe cho người dân. Chúng ta từng chứng kiến sự việc tương tự khi Việt Nam cố gắng đẩy nhanh tốc độ sản xuất vaccine trong nước khi mà tình hình dịch bệnh quá căng thẳng, và các nhà sản xuất chậm trễ bàn giao vaccine dù Việt Nam đã đặt mua. Dù Thủ tướng đã trực tiếp làm việc, chỉ đạo đôn đốc đẩy nhanh quá trình bằng mọi cách có thể, nhưng vaccine vẫn chưa thể “ra lò” vì chưa thể đảm bảo an toàn, hiệu quả theo Quy định. Từ ví dụ này cho thấy các Quy định khi ban hành có thể “làm khó” cho một số người, nhưng sẽ bảo đảm an toàn cho cả xã hội. Và rõ ràng, quy định của Nhà nước đưa ra phải bảo đảm ưu tiên, công bằng cho toàn xã hội. Các cơ quan quản lý cần làm đúng chức trách, nhiệm vụ của mình, không thể “du di” hay “bỏ qua” bất kỳ trường hợp nào dù có thể nghe qua thì rất đơn giản. Câu hỏi của đại biểu Tô Thị Bích Châu đặt ra một vấn đề rất tốt, nhưng chắc chắn không phải là để chê trách các cơ quan quản lý, mà là cần có một cơ chế hay Quy định mới giúp cho quá trình xử lý công việc nhanh hơn. Ta có thể dễ dàng mường tượng rằng, ngay cả khi có quy định mới ban hành, thì rồi một lúc nào đó, ở một hoàn cảnh nào đó sẽ lại có một trường hợp bị “chậm trễ”. Bởi cuộc sống muôn hình muôn vẻ, và luật pháp cũng như quy định của Việt Nam hay các nước trên thế giới vì vậy cũng phải luôn luôn cập nhật theo hơi thở của cuộc sống.
Bàn về cái gọi là “trì trệ” như lời vu vạ của Việt Nam Thời Báo (VNTB), họ coi việc bảo đảm an toàn thực phẩm cho lô sữa sẽ đến tay các cháu là “đâu phải là việc gì to tát”, là “sự tắc trách, vô cảm, là con virus trì trệ”. Nếu con, cháu họ có trong số những trẻ em sẽ nhận hộp sữa này thì liệu họ có dám phát biểu “liều” như thế nữa không? Một lý lẽ đơn giản như vậy chẳng lẽ họ không hiểu nổi, hay vì dã tâm muốn bôi nhọ chính quyền và kích động chống phá làm họ mờ mắt? Vốn dĩ những lời phát biểu của Đại biểu Tô Thị Bích Châu rất bình thường, nhưng họ lại cắt dán rồi lồng ghép một cách thô thiển vào bài viết nhằm phục vụ cho những mục đích kích động, chống phá của họ. Đây không chỉ là đơn thuần là nâng cao quan điểm, mà thực chất là đổi trắng thay đen, xuyên tạc trắng trợn. Trong cuộc sống, chúng ta phải cảnh giác với các câu chuyện kiểu “tam sao thất bản” đã đành, nay chắc chắn chúng ta sẽ còn phải cảnh giác hơn nữa với cái kiểu đổi trắng thay đen, bôi nhọ xuyên tạc của VNTB.
An Diễm
Theo: Hội Cờ đỏ