Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, việc tăng cường ngoại ngữ là quan trọng nhưng chúng ta phải giỏi tiếng Việt trước hết. Do đó, Bộ có nêu vấn đề chấm dứt dạy theo văn mẫu, đặc biệt là giáo viên đọc cho học sinh chép, soạn những bài văn mẫu cho học sinh học thuộc rất tai hại. Vì vậy, Bộ trưởng nêu rõ ngành sẽ có giải pháp để điều chỉnh.
Sáng 11-1, kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV tiếp tục với phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Nguyễn Kim Sơn.
Trả lời câu hỏi của các đại biểu, trong đó có vấn đề có hiện tượng tăng thêm giờ học khi dạy thêm, học thêm trực tuyến, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết bình thường đã cần phải ngăn chặn việc dạy thêm, trong khi việc học trực tuyến học sinh còn căng thẳng hơn, việc dạy thêm giờ, thêm nội dung chúng ta càng phải lên án.
“Trong thông tư 09 của Bộ GD-ĐT đã quy định rõ số giờ được dạy cho các cấp, các lớp. Căn cứ vào đó, Sở GD-ĐT các địa phương cần thanh tra, kiểm tra việc học trực tuyến xem có hiện tượng dạy quá số giờ hay không. Quan điểm là chúng tôi sẽ tăng cường việc thanh tra, kiểm tra và tích cực ngăn chặn việc này” – Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nêu rõ.
Với chỉ đạo không dùng văn mẫu trong giảng dạy môn Ngữ văn, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng đây là môn học quan trọng để bồi đắp tình cảm, năng lực thẩm mỹ, nên với định hướng giáo dục tăng yếu tố dạy người.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, việc tăng cường ngoại ngữ là quan trọng nhưng chúng ta phải giỏi tiếng Việt trước hết. Do đó, Bộ có nêu vấn đề chấm dứt dạy theo văn mẫu, đặc biệt là giáo viên đọc cho học sinh chép, soạn những bài văn mẫu cho học sinh học thuộc rất tai hại. Vì vậy, Bộ trưởng nêu rõ ngành sẽ có giải pháp để điều chỉnh.
Trả lời đại biểu Nguyễn Thị Huế (Bắc Kạn) về phản ánh của cử tri cho hay bộ sách giáo khoa tiếng Việt của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam có một số bài thiếu tính khoa học, thiếu tính giáo dục, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết ngay khi có ý kiến về nội dung khoa học và một bài trong sách ngữ văn, Bộ GD-ĐT đã trao đổi với tác giả và điều chỉnh nội dung trước khi sách được in và tới tay học sinh. Về lâu dài đang điều chỉnh quy trình biên soạn SGK.
Về những băn khoăn trong dạy học tích hợp dẫn đến 1 môn học có 3 giáo viên phải lên lớp, do việc đào tạo giáo viên theo từng chuyên môn khác nhau, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết trong quá trình thiết kế và hướng dẫn việc dạy học tích hợp, Bộ GD-ĐT đã hướng dẫn 3 giáo viên của 3 phân môn dạy học theo logic nội dung. Đơn vị nào sắp xếp đúng theo logic nội dung chương trình thì triển khai thuận lợi, đơn vị nào sắp xếp cả 3 giáo viên dạy song song thì thời gian bị chia vụn và có phần lúng túng. Bộ GD-ĐT đã tập huấn cho 9.000 giáo viên cốt cán và sẽ tiếp tục tăng cường trong việc triển khai các môn tích hợp trong thời gian tới.
Trả lời chất vấn của đại biểu Trần Văn Tuấn (Bắc Giang) về việc trang bị kỹ năng cho học sinh, Bộ trưởng GD-ĐT cho rằng trong giáo dục phổ thông, các yêu cầu về năng lực và kỹ năng rất quan trọng, mục tiêu của đổi mới giáo dục là tăng cường các kỹ năng này. Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh việc dạy học trực tuyến ảnh hưởng lớn đến việc trang bị những kỹ năng chỉ hình thành trong việc dạy học trực tiếp.
“Dạy học trực tuyến chưa thể và khó thay thế dạy học trực tiếp. Khi học sinh quay trở lại trường, ngoài những kiến thức, cần tăng cường trang bị kỹ năng cho học sinh và điều này cần sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường” – Bộ trưởng GD-ĐT cho biết.
Trả lời chất vấn về vấn đề cần khắc phục trong việc dạy và học trực tuyến hiện nay, Bộ trưởng GD-ĐT cho rằng “chúng ta test virus để tìm bệnh, nhưng virus cũng test ra cả hệ thống chúng ta”. Bộ trưởng nêu rõ trong khó khăn dạy học trực tuyến, các thầy cô vẫn vượt qua khó khăn, sáng tạo với tinh thần tận tâm, giúp chúng ta củng cố thêm niềm tin. “Những vấn đề cần sửa chữa, bổ khuyết là việc vận hành văn bản, chính sách còn bộc lộ khiếm khuyết, đặc biệt trong dịch bệnh thấy rõ hơn” – vị tư lệnh ngành giáo dục và đào tạo nói.
Đừng nhồi nhét phiếu đánh giá, khảo sát khi học sinh trở lại trường
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Danh Tú (Kiên Giang) đặt vấn đề hiện nay có 1,5 triệu học sinh không có thiết bị, phương tiện nào để học trực tuyến. Bộ trưởng cho biết việc học trực tuyến của 53,9% học sinh có hoàn cảnh khó khăn còn lại thế nào? Bộ trưởng đánh giá chất lượng học trực tuyến như thế nào, nhất là học sinh tiểu học đầu cấp? Giải pháp củng cố, bổ sung kiến thức cho học sinh sau thời gian học trực tuyến?”.
Trả lời câu hỏi chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết việc dạy và học trực tuyến ở quy mô lớn, dù chúng ta quan tâm chuyển đổi số quốc gia, thiết bị dạy học nhưng theo thống kê không phải 1,5 triệu em mà chính xác là 1,867 triệu em hiện không có bất kỳ thiết bị gì trong tay để học tập. Thậm chí, có gia đình 2-3 anh chị em chỉ có một điện thoại để học. Thực trạng này đã khiến nhiều học sinh dần bỏ học.
Theo Bộ trưởng, do đây là việc bất đắc dĩ để ứng phó, nên trước khi nói vấn đề chất lượng, cần phải lo và quan tâm đến thiết bị dạy học, khi thiếu thiết bị khiến các cháu bỏ học, đó là yêu cầu cấp bách hơn.
Việc đánh giá chất lượng dạy học trực tuyến một cách đầy đủ, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng cần có điều tra, khảo sát đầy đủ. Tuy nhiên việc học trực tuyến có thách thức và ảnh hưởng chất lượng, không thể nói học trực tuyến không ảnh hưởng chất lượng. Theo đó, Bộ đã có văn bản hướng dẫn để khi các cháu quay trở lại trường bổ sung, hướng dẫn kiến thức.
“Khi trở lại trường, các nhà trường đừng đưa các em ra đánh giá các em đã học được gì trong đầu, đừng căng thẳng quá, mà đầu tiên làm quen môi trường học, học cách tự phòng chống dịch cho bản thân, lấy lại tinh thần tâm lý thư thái. Đừng nhồi nhét ngay, không đưa ngay cho các em phiếu khảo sát, các loại đánh giá, về phương diện chuyên môn là chưa phù hợp, cân đong đo đếm chất lượng là công việc cần phải tiếp tục”- Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nêu quan điểm và lưu ý các trường học.
Trong nhóm giải pháp củng cố kiến thức, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết cần căn cứ vào nội dung chương trình cốt lõi. Đồng thời, Bộ sẽ không bỏ các bài giảng trên truyền trình, chương trình học trực tuyến.
Khi học sinh quay lại trường, giáo viên có trách nhiệm đánh giá để phân ra theo nhóm, tùy theo khả năng từng em vì một lớp khó có thể đồng đều như trước bởi các cháu có thiết bị tốt, bố mẹ kèm cặp tốt thì tốt hơn, nhưng các cháu thiết bị phập phù có thể sẽ kém hơn.
Theo đó, việc triển khai phương pháp dạy theo hướng cá thể hóa là phù hợp cho một lớp có nhiều trình độ. “Chúng ta cần những giải pháp tổng thể về chuyên môn, về trang thiết bị, về tư vấn tâm lý, cần giải pháp mang tính tổng thể hơn”- Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói.
Ngọc Anh
Theo: Cánh cò