Núp dưới vỏ bọc đồng cảm, thấu hiểu, sẻ chia với những khó khăn do dịch bệnh gây ra, các đối tượng chống phá đã ra sức xuyên tạc, bơm kích, xúi giục lực lượng công nhân bất tuân chỉ đạo của chính quyền.
Sau khi TP.HCM dần mở cửa trở lại, nhiều công nhân đã quyết định về quê. Lợi dụng những khó khăn do dịch bệnh gây ra, với chiêu trò “mèo khóc chuột”, các đối tượng phản động, chống đối, cơ hội chính trị đang sử dụng mạng xã hội để lan truyền những thông tin sai trái, mang tính chất xuyên tạc một cách trắng trợn như: “Giới công nhân này lại tiếp tục đổ mồ hôi nước mắt cho đảng của giai cấp công nhân xây biệt phủ, dinh thự …”, “Giới công nhân này lại tiếp tục chen chúc nhau 10 người trong phòng trọ 10m², đói khát để đảng của giai cấp công nhân, tới 4 tháng ròng nhân danh chống dịch”, “Thực tế đảng đã thành công trong việc lợi dụng sức mạnh họ… Hơn ai hết chính các lãnh đạo đảng hiểu được điều này, nhưng họ vẫn vơ vét mồ hôi nước mắt và cả xương máu giai cấp này, mà không nghĩ tới hậu quả”…
Từ khi làn sóng dịch thứ 4 bùng phát đến nay, không chỉ giới công nhân mà người dân cả nước đã phải đối mặt với vô vàn khó khăn. Tuy nhiên, so với các lực lượng khác trong xã hội, lực lượng công nhân gặp phải nhiều khó khăn đặc thù. Với đặc điểm hầu hết là người dân ở tỉnh ngoài đến các thành phố lớn làm ăn, phần lớn công nhân phải đi ở trọ để làm làm việc. Do đó, khi các nhà máy, công xưởng bị đảo lộn sản xuất, cuộc sống của họ đã bị tác động một cách trực tiếp. Một mặt, thu nhập của họ bị sụt giảm (có trường hợp bị mất thu nhập); mặt khác, họ vẫn phải chi tiêu để trang trải cuộc sống. Lợi dụng những khó khăn này, các đối tượng xấu cố tình gieo rắc luận điệu cho rằng công nhân bị “bỏ rơi”, “cho ra rìa xã hội”, không được ai quan tâm chăm lo. Từ đây, các đối tượng tiếp tục kích động sự hoài nghi trong giới công nhân, trên cơ sở đó lôi kéo lực lượng công nhân tham gia vào các hoạt động chống đối đã lên kịch bản sẵn từ trước. Mưu đồ của của các đối tượng là tập trung đông người, tiến hành bạo loạn, chống phá, gây rối an ninh trật tự.
Việc kích động lực lượng công nhân không phải là thủ đoạn mới mà đã được các thế lực thù địch, phản động, chống đối sử dụng từ lâu. Năm 2014, khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam hay năm 2018, khi dự án Luật Đặc khu được đưa ra xem xét, cũng đã có những kẻ xấu kích động lực lượng công nhân tham gia vào những hoạt động tuần hành, bạo loạn theo hướng “cách mạng màu”, gây rối an ninh trật tự tại một số địa phương.
Thực tế, từ khi dịch xảy ra, nhiều chính sách đã được chúng ta triển khai như: hỗ trợ tiền cho người lao động do bị ngừng việc vì đi cách ly, phong tỏa (theo Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 01/72021 của Chính phủ); Hỗ trợ bằng tiền cho người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp (theo Nghị quyết 116/NQ-CP ngày 24/9/2021 của Chính phủ); Liên đoàn Lao động TP.HCM hỗ trợ mua nhu yếu phẩm khẩn cấp cho đoàn viên lao động khó khăn do dịch Covid-19; Hỗ trợ một lần 1 triệu đồng/người cho đoàn viên, người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp có đóng kinh phí công đoàn, thực hiện “3 tại chỗ” để sản xuất (theo Quyết định 3089/QĐ-TLĐ của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam )…
Trở lại vấn đề, người dân về quê, tập trung đông tại các chốt kiểm soát ở cửa ngõ ra vào TP.HCM, chính quyền thành phố cũng đang nỗ lực tìm mọi cách để giải quyết. Một mặt, UBND TP.HCM đã có văn bản khẩn gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc phối hợp, hỗ trợ người dân lưu thông trong các trường hợp cấp thiết. Đồng thời, cũng vận động, tuyên truyền người dân ở lại để chung tay phục hồi sản xuất. Ngược lại, với những người có mong muốn về quê, lực lượng chức năng đã tiến hành kiểm tra, rà soát, thống kê thông tin nhân thân, kèm theo đó là yếu tố dịch tễ để tiến hành hỗ trợ. Và điều ai cũng nhìn thấy rõ là hàng loạt xe bus đến để chở người và phương tiện của người dân về quê; Cảnh sát Giao thông dẫn đường đưa người dân về địa phương để tiếp nhận, xử lý…
Dịch bệnh đã khiến cho cuộc sống bị đảo lộn, gây ra nhiều khó khăn. Tuy nhiên, đây không phải là lý do để chống phá chính quyền. Mỗi người dân phải tự nâng cao ý thức, trách nhiệm của bản thân với xã hội, chấp nhận những khó khăn trước mắt và cùng cố gắng để vượt qua đại dịch.
Bảo An
Theo: Hội Cờ đỏ