Mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã làm việc, kiểm tra trực tuyến công tác phòng chống dịch với các tỉnh Kiên Giang, Tiền Giang – nơi tình hình dịch có nhiều diễn biến đáng lo ngại. Cuộc họp được kết nối trực tuyến tới 26 huyện, thành phố, thị xã và 317 xã, phường, thị trấn thuộc 2 tỉnh. Tinh thần chủ đạo là chỉnh đốn những hạn chế, thiếu sót trong công tác chống dịch của hai tỉnh nói trên nhưng một số tài khoản cá nhân, trang tin lại cho rằng “cách làm của Thủ tướng đến tận cấp phường, xã là bất ổn về khoa học quản lý, phá vỡ tính thống nhất của hệ thống, vì nguyên tắc các cấp chỉ báo cáo và nhận lệnh từ cấp quản lý trực tiếp”.
Ngay từ những ngày đầu khi dịch Covid-19 xuất hiện, nước ta đã thành lập Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 nhằm xây dựng kế hoạch, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp để chỉ đạo triển khai quyết liệt, kịp thời, phù hợp, hiệu quả. Như chúng ta đã biết, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 có Quy chế làm việc và phân công nhiệm vụ rõ ràng. Trong đó, Ban Chỉ đạo Quốc gia trực tiếp chỉ đạo thực hiện công tác phòng, chống dịch tại các địa phương; Kiểm tra, đôn đốc các ban, bộ, ngành, các tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp bao gồm phòng, chống dịch, chăm sóc y tế; bảo đảm an sinh xã hội; bảo đảm trật tự an toàn xã hội; thực hiện thông tin truyền thông; bảo đảm hậu cần phòng, chống dịch; tổ chức sản xuất và lưu thông hàng hóa.
Có thể thấy, mô hình làm việc của Ban Chỉ đạo luôn thông suốt, nhanh chóng từ trên xuống dưới, từ cấp lãnh đạo cao nhất đến các cấp thực thi, tất cả đều nhằm mục đích thực hiện nhanh chóng các chỉ đạo chống dịch. Hơn nữa, với tư cách là Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia, Thủ tướng Phạm Minh Chính có quyền chỉ đạo, điều hành thống nhất, toàn diện các hoạt động. Cái “bất ổn về khoa học quản lý, phá vỡ tính thống nhất của hệ thống” mà một số trang tin đang nói về cách làm Thủ tướng chỉ là lời phán xét vô căn cứ.
Nếu có quan sát thì có thể thấy, việc kiểm tra công tác phòng chống dịch xuống các cấp địa phương không chỉ mới thực hiện lần đầu ở hai tỉnh Kiên Giang, Tiền Giang mà vào cuối tháng 8, sau chuyến thị sát TP.HCM, Thủ tướng đã cuộc họp trực tuyến với 1.060 xã, phường thuộc 20 tỉnh/thành đang thực hiện giãn cách xã hội. Ngay sau đó ít ngày, Thủ tướng tiếp tục chủ trì cuộc họp trực tuyến toàn quốc tới hơn 9.000 xã phường, nhằm xốc lại việc chống dịch ở các “pháo đài”. Quan điểm của người đứng đầu Chính phủ là, khi lấy xã phường làm “pháo đài” chống dịch thì phải chỉ đạo thông suốt tới tận nơi. Điều này cho thấy quyết tâm chống dịch nghiêm túc từ Trung ương đến địa phương và sự quan tâm sát sao của lãnh đạo nước ta từ bao lâu nay.
Đáng nói là, các cuộc họp trực tuyến giữa Thủ tướng và lãnh đạo các địa phương luôn diễn ra công khai, không ngại phơi bày những khuyết điểm trước toàn thể người dân cả nước. Mục đích của các buổi làm việc không phải là chê trách, là chì chiết hay làm khó các địa phương chống dịch, mà là kịp thời phát hiện, chấn chỉnh tác phong làm việc, đốc thúc các tỉnh thành chống dịch quyết liệt hơn. Sự sâu sát xuống cấp cơ sở là cần thiết để tất cả phải nắm rõ tinh thần chỉ đạo, tinh thần chống dịch, không để trên nóng dưới lạnh. Thế nhưng, dưới con mắt của những kẻ luôn chầu chực sự vụ nóng để giật dây công kích xuyên tạc thì hoạt động làm việc, kiểm tra trực tuyến của Thủ tướng lại trở nên méo mó và sai bản chất hoàn toàn.
Không sâu sát thì họ lại xuyên tạc là thiếu trách nhiệm, còn làm việc sâu sát, gần địa phương, gần dân thì lại bảo “bất ổn về khoa học quản lý”,… Kiểu gì những kẻ cơ hội mang dã tâm chính trị, chống phá đất nước của nước ta cũng nói cho được, đúng là “Cái lưỡi không xương, trăm đường lắt léo”. Thế nên, bản thân mỗi chúng ta cũng phải suy ngẫm và cảnh giác nhiều hơn với những luận điệu kiểu chọc gậy bánh xe, cản trở công tác chống dịch như trên.
Đặng Trường
Theo: Hội Cờ đỏ