Từ ngày 1/9, các quy tắc hàng hải mới của Trung Quốc – dùng để kiểm soát các tàu nước ngoài trong khu vực mà Bắc Kinh gọi là “lãnh hải của Trung Quốc” – bắt đầu có hiệu lực.
Động thái này được cho là sẽ gây ra những hậu quả sâu rộng đối với khu vực – cả về thương mại và quân sự – ở Biển Đông, Biển Hoa Đông và eo biển Đài Loan, có nguy cơ làm leo thang căng thẳng hiện có với Mỹ và các nước láng giềng trong khu vực.
Theo luật mới do Trung Quốc đề ra, các tàu nước ngoài – cả quân sự và thương mại – sẽ phải tuân theo sự giám sát của Trung Quốc trong “lãnh hải của Trung Quốc”.
Tờ Hoàn cầu dẫn tuyên bố của Cơ quan An toàn Hàng hải Trung Quốc cho biết: “Các tàu lặn, tàu hạt nhân, tàu chở chất liệu phóng xạ, tàu chở quặng, chất hóa học, khí hóa lỏng và các chất độc hại khác phải báo cáo chi tiết khi đi vào lãnh hải của Trung Quốc”.
Các tàu “gây nguy hiểm cho an toàn giao thông hàng hải của Trung Quốc” sẽ bắt buộc báo cáo tên, biển báo, vị trí hiện tại và cảng ghé tiếp theo và thời gian đến dự kiến. Tên của hàng hóa nguy hiểm trên tàu và trọng lượng hàng hóa cũng sẽ phải khai đầy đủ.
Sau khi luật này đi vào hiệu lực ít ngày, một nhóm nhà nghiên cứu Trung Quốc tại Đại học Bách khoa Tây Bắc đã thực hiện một cuộc thử nghiệm trái phép khi cho một robot mô phỏng sinh học có hình dạng cá đuối bơi ở khu vực quần đảo Hoàng Sa, thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Tiến sĩ Monika Chansoria, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Các vấn đề Quốc tế Nhật Bản (JIIA) ở Tokyo và là người chuyên về an ninh châu Á và chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương, gọi động thái này là sự tiếp nối của một loạt quyết định làm dấy lên nghi ngại ở Biển Hoa Đông và Biển Đông từ năm 2020.
Đề cập đến luật hồi tháng 2/2021 cho phép Cảnh sát biển Trung Quốc sử dụng vũ khí tấn công tàu nước ngoài và phá hủy các công trình kinh tế ở các “khu vực tranh chấp”, Tiến sĩ Chansoria cho rằng lực lượng bảo vệ bờ biển Trung Quốc là một “tổ chức bán quân sự trực thuộc quân đội Trung Quốc”.
“Tất cả những tuyên bố này đều rất đáng báo động, vì chúng làm tăng nguy cơ tính toán sai lầm, đe dọa sự ổn định và an ninh tổng thể ở Biển Đông, Biển Hoa Đông và eo biển Đài Loan”.
Khu vực Biển Đông tiếp giáp Trung Quốc, Đài Loan, Philippines, Brunei, Malaysia, Indonesia và Việt Nam, có tầm quan trọng kinh tế lớn trên toàn cầu. Gần 1/3 lượng hàng hóa vận chuyển của thế giới đi qua các tuyến đường ở vùng này. Biển Đông cũng có giá trị lớn về tài nguyên cá và khoáng sản.
Đây cũng là một tuyến đường quan trọng đối với Ấn Độ, cả về mặt quân sự và thương mại. Biển Đông đóng một vai trò quan trọng trong việc tạo thuận lợi cho thương mại của Ấn Độ với Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước ASEAN, đồng thời hỗ trợ việc giao thương hiệu quả các nguồn cung cấp năng lượng. Theo ước tính, hơn 55% giao dịch thương mại của Ấn Độ đi qua Biển Đông và eo biển Malacca.
Trung Quốc đã khẳng định trái phép chủ quyền ở vùng Biển Đông, vi phạm công ước quốc tế.
Phản ứng trước thông tin về luật mới của Trung Quốc, Bộ Quốc phòng Mỹ khẳng định, các chiến dịch của Hải quân Mỹ ở Biển Đông sẽ không bị ảnh hưởng bởi luật mới của Trung Quốc. Người phát ngôn Lầu Năm Góc cho biết, các lực lượng của Mỹ sẽ tiếp tục đi qua hoặc hoạt động ở những khu vực này đúng theo luật quốc tế.
“Mỹ sẽ tiếp tục thực hiện tự do hàng hải, hàng không và hoạt động ở bất kỳ nơi nào mà luật pháp quốc tế cho phép”, Trung tá Martin Meiners tuyên bố trong một cuộc trả lời phỏng vấn ngày 1/9.
Việc luật mới của Trung Quốc đi vào hiệu lực đã để ngỏ nhiều câu hỏi phức tạp. Đầu tiên, chưa rõ Trung Quốc có ý định thực hiện quy định này như thế nào. Mỹ có khả năng cao sẽ không thực hiện theo luật mới của Bắc Kinh. Ngoài ra vẫn cần xem xét các bên ký kết còn lại của UNCLOS sẽ phản ứng như nào trước thách thức này.
Tất Đạt
Theo: Cánh cò