Friday, November 22, 2024

Mưu đồ quyền bính trong khủng hoảng Jerusalem

Ả Rập Xê Út được cho là đã bật đèn xanh cho quyết định về Jerusalem của Tổng thống Mỹ Donald Trump để phục vụ cho một kế hoạch lớn hơn ở Trung Đông.

Ở Ả Rập Xê Út người ta thường cho rằng để trở thành người trị vì vương quốc này, một người cần phải hội tụ đủ sự ủng hộ của 3 thế lực: vương triều Saud, giới tăng lữ quyền thế và chính phủ Mỹ. Nhưng thực chất thì hai điều kiện đầu không quá quan trọng bởi nếu có được sự hậu thuẫn của Mỹ thì hai yếu tố đầu tự khắc sẽ đến.

Sự ủng hộ của Mỹ vì thế đóng vai trò chính trong mô típ câu chuyện mà những hệ lụy của nó làm rung chuyển Trung Đông thời gian qua, với nhân vật chính không ai khác là thái tử Ả Rập Xê Út Mohammed bin Salman.

Mưu đồ quyền bính trong khủng hoảng Jerusalem

Tổng thống Trump trong một cuộc gặp với thái tử Mohammed

Cuộc đại mặc cả

Vào tháng 6 năm nay, khi cuộc khủng hoảng Qatar bộc phát với việc Ả Rập Xê Út, Ai Cập, Bahrain và Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) đồng loạt cắt đứt quan hệ ngoại giao và cô lập Qatar, nhà báo kỳ cựu của Đài al-Jazeera Jamal Elshayyal có bài viết hé lộ nhiều chi tiết thú vị nhưng ít được chú ý.

Trong bài viết đăng trên trang Middle East Eye, Elshayyal tường thuật về một cuộc tụ tập của những nhân vật có máu mặt ở Trung Đông vào cuối năm 2016, bao gồm cựu thủ tướng của một nước không thuộc thế giới Ả Rập. Trong cuộc thảo luận kéo dài quá nửa đêm, chủ nhà là một nhân vật quan trọng trong cộng đồng tình báo ở một nước vùng Vịnh đã hỏi vị cựu thủ tướng về những diễn biến chính trị bất thường xảy ra ở Trung Đông, đặc biệt ở Ả Rập Xê Út.

Những kiến giải của vị cựu thủ tướng không được nêu danh tính khiến nhiều người có mặt choáng váng. Ông mô tả về một hoàng tử trẻ khao khát lên ngôi và vạch ra một số điều kiện để kế hoạch của vị hoàng tử có thể thành công. Kế hoạch này được vạch ra bởi những lãnh đạo của vương triều UAE, những người muốn lấy lại tầm ảnh hưởng đã mất đối với vương triều Riyadh sau khi vua Abdullah băng hà năm 2014.

Một yếu tố then chốt trong kế hoạch là giành được sự hậu thuẫn của các tổ chức tình báo và an ninh Mỹ. Nhưng để làm được điều đó, UAE và hoàng tử Mohammed bin Salman, khi đó là phó thái tử, phải thuyết phục Mỹ quay lưng với thái tử Mohammed bin Nayef, nhân vật có biệt danh là “người Ả Rập Xê Út được ưa thích của Washington”. “Để người Mỹ bỏ rơi Mohammed bin Nayef và chọn vị hoàng tử trẻ này, anh ta phải đưa ra cho họ một thứ mà chưa có ai từng xoay xở hoặc thậm chí dám đưa ra trước đây”, vị cựu thủ tướng nhận xét. Và ông nói huỵch toẹt: “Anh ta phải công nhận Israel. Nếu anh ta làm thế thì người Mỹ sẽ hậu thuẫn, họ thậm chí tự tay đưa anh ta lên ngai”.

Những tiên đoán của vị thủ tướng về mưu đồ quyền bính trong bài viết vào tháng 6 của Elshayyal phần lớn đã trở thành thực tế. Ngày 21.6, vua Salman phế truất thái tử Mohammed bin Nayef và trao ngôi vị này lại cho con trai ông, Mohammed bin Salman. Trong khi đó, dù không được hai phía công khai xác nhận, quan hệ giữa Israel và Ả Rập Xê Út nồng ấm lên thấy rõ trong thời gian qua. Và mới nhất, Tổng thống Mỹ Donald Trump chính thức công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, trước sự phản đối chiếu lệ của Ả Rập Xê Út.

Tuy Ả Rập Xê Út dùng những ngôn từ mạnh mẽ như “phi lý và vô trách nhiệm” để mô tả quyết định của Tổng thống Trump, nhưng giới chức Ả Rập kín đáo nhận xét Riyadh dường như đứng về phía Mỹ trong một kế hoạch hòa bình Israel – Palestine vẫn đang được phát triển, theo Reuters. Kênh Channel 10 ở Israel cũng đưa tin giới lãnh đạo Ả Rập Xê Út và Ai Cập đã bật đèn xanh cho quyết định về Jerusalem của Tổng thống Trump. Mặt khác, tờ The New Arab ngày 9.12 đưa tin chính quyền Ả Rập Xê Út chỉ đạo truyền thông nước này không “chú ý quá mức” vào quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump, thay vào đó phải “nhằm vào Iran và các nước khác trong khu vực”.

Thỏa thuận tối hậu

Những tường thuật về một cuộc đổi chác tiềm tàng giữa chính quyền của Tổng thống Trump và với thái tử Mohammed chủ yếu tập trung vào chuyến đi bí mật của Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas đến Riyadh vào tháng 11. Reuters dẫn lời một quan chức Palestine cho hay trong cuộc gặp, ông Mohammed đã ép ông Abbas ủng hộ kế hoạch hòa bình của Mỹ, được cho là do con rể Jared Kushner của Tổng thống Trump và đặc phái viên về Trung Đông của Mỹ Jason Greenblatt phác thảo. “Hãy kiên nhẫn, ngài sẽ nghe tin tốt lành. Tiến trình hòa bình sẽ tiến tới phía trước”, một quan chức Palestine khác thuật lại lời ông Mohammed nói với ông Abbas.

Tuy các bên liên quan từ chối bình luận hoặc đưa ra tuyên bố phủ nhận nhưng các nguồn tin của The New York Times và Reuters đều kể cùng một câu chuyện về cuộc gặp nói trên. Theo đó, kế hoạch mà ông Mohammed vạch ra với ông Abbas, hay đúng hơn là phía Mỹ nhờ ông Mohammed chuyển lời, bao gồm những điểm chính: một “thực thể Palestine” với các phần lãnh thổ không tiếp giáp sẽ được thành lập, trong đó thủ đô không phải là Đông Jerusalem, các khu định cư Israel ở bờ Tây vẫn sẽ tồn tại và người tị nạn Palestine chạy loạn từ thời chiến tranh Ả Rập – Israel sẽ không được phép quay trở về.

Những ý tưởng táo bạo khác được đề xuất bao gồm lấy thị trấn Abu Dis ở ngoại ô Jerusalem làm thủ đô của Palestine hay cắt đất từ bán đảo Sinai cằn cỗi của Ai Cập nhập vào Dải Gaza để bồi thường cho việc Palestine mất lãnh thổ ở bờ Tây.

Phát biểu với tờ The Times, ông Nimrod Novik, nhà nghiên cứu thuộc Tổ chức Diễn đàn chính sách Israel, từng là cố vấn đối ngoại của cựu Thủ tướng Israel Shimon Peres, cho hay ngay cả Thủ tướng Benjamin Netanyahu cũng bất ngờ trước sự hào phóng của kế hoạch nói trên. “Netanyahu sửng sốt khi nghe thấy mức độ mà Bộ tứ Ả Rập (Ả Rập Xê Út, Ai Cập, Jordan và UAE), cụ thể là Ả Rập Xê Út và UAE, sẵn lòng tiến tới để ủng hộ tiến trình, bao gồm các bước giúp chứng minh với người Israel rằng sự công nhận (Israel) của khu vực không phải là một phép lạ”, ông Novik nói. Theo lời các nguồn tin của The New York Times là các quan chức thuộc phong trào Fatah và Hamas ở Palestine cùng một quan chức Li Băng, ông Mohammed thậm chí đưa ra tối hậu thư là nếu không chấp nhận thỏa thuận trong vòng 2 tháng, ông Abbas sẽ bị ép từ chức.

Về phần mình, Tổng thống Trump đã tìm cách hạ nhiệt tuyên bố về Jerusalem trong cuộc điện đàm với ông Abbas ngày 5.11, nhấn mạnh rằng người Palestine sẽ được lợi từ kế hoạch hòa bình. “Tổng thống Trump nói với ông Abbas trong cuộc điện đàm: Tôi sẽ có một số đề xuất mà ngài sẽ thích. Khi Abbass gặng hỏi chi tiết, ông Trump không trả lời”, một quan chức Palestine kể lại với Reuters.

Trong khi đó, một nguồn tin Ả Rập Xê Út cho hay ông tin tưởng một thỏa thuận sơ bộ về tiến trình hòa bình Israel – Palestine sẽ xuất hiện trong vài tuần nữa. “Đừng đánh giá thấp bản chất doanh nhân (trong con người ông Trump). Ông ấy luôn gọi nó là thỏa thuận tối hậu”, nguồn tin nói.

Đối đầu Ả Rập Xê Út – Iran

Quan hệ Ả Rập Xê Út – Mỹ nồng ấm vượt bậc dưới thời Tổng thống Trump một phần vì các nhà lãnh đạo của hai phía chia sẻ tầm nhìn về đối đầu Iran ở khu vực. Thái tử Mohammed đã nêu rõ ưu tiên hàng đầu của ông ở khu vực không phải là vấn đề Palestine – Israel mà là đối đầu Tehran, kỳ phùng địch thủ ở Trung Đông của Riyadh. Vì thế dễ hiểu nếu ông Mohammed chấp nhận “hy sinh” Palestine để đổi lấy sự tham gia của Israel trong mặt trận chống Iran.

Bộ trưởng Năng lượng Israel Yuval Steinitz vào tháng 11 từng tiết lộ nước này có các mối liên lạc bí mật với Ả Rập Xê Út, qua đó “đổ thêm dầu vào lửa” cho đồn đoán về những thỏa thuận bí mật giữa hai quốc gia không có quan hệ chính thức. Ả Rập Xê Út đã phủ nhận phát ngôn của ông Steinitz, khẳng định vấn đề bình thường hóa quan hệ tùy thuộc vào việc Israel rút khỏi các vùng đất chiếm đóng trong cuộc chiến tranh Trung Đông năm 1967. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, với việc cả Ả Rập Xê Út và Israel cùng xem Iran là mối đe dọa chính ở Trung Đông, những lợi ích chung có thể thúc đẩy hai nước hợp tác cùng nhau.

Sơn Duân

Related Articles

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Stay Connected

863FansLike
44FollowersFollow
0SubscribersSubscribe

BÀI MỚI

Xem nhiều

Phản biện - Luận bàn

ĐỐI TƯỢNG