Với thành phần tham dự gồm Linh mục Lê Quốc Thăng (Tổng thư ký uỷ ban công ký hoà bình, Hội đồng giám mục Việt Nam); Linh mục Phan Sỹ Phương và linh mục Nguyễn Thanh Tịnh (Uỷ ban hỗ trợ nạn nhân môi trường biển); Nguyễn Trung Trọng Nghĩa (thành viên của hội anh em dân chủ và con của mục sư Nguyễn Trung Tôn); Nguyễn Đỗ Thanh Phong (Đại diện Đảng Việt Tân ở Úc) không quá bất ngờ khi buổi điều trần về nhân quyền do Tiểu ban nhân quyền Quốc hội Úc tổ chức tại Canberra hôm 7/12 đã trở thành diễn đàn để những tên phản động đội lốt “dân chủ” ở trong nước và các vị dân biểu Úc thiếu thiện chí đưa ra một số ý kiến có tính chất vu khống, xuyên tạc đối với vấn đề nhân quyền ở Việt Nam.
Như thường lệ, họ lại đưa ra một số nhận xét không thể chấp nhận được, đại loại như: “Chính quyền Việt Nam ngày càng đàn áp khốc liệt đối với những người có tiếng nói ôn hòa”; “Gia tăng đàn áp tôn giáo”; “nhà cầm quyền Việt Nam giam giữ hàng trăm tù nhân lương tâm”…
Các cá nhân tham dự phiên điều trần về nhân quyền Việt Nam tại Quốc hội Úc, ngày 7/12/2017 (Ảnh Internet)
Cần khẳng định rằng, những phát biểu trên là sự xuyên tạc, bịa đặt trắng trợn, không phản ánh đúng thực tế về dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam.
Sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với những thành tựu của Việt Nam trong việc bảo đảm ngày càng tốt hơn các quyền của người dân trên tất cả các lĩnh vực chính trị, xã hội, kinh tế, văn hóa, giáo dục, tôn giáo, tự do tín ngưỡng… đã được khẳng định trong nhiều năm qua. Trong hầu hết các khuôn khổ đối thoại và hợp tác về quyền con người, về dân chủ, nhân quyền cả song phương lẫn đa phương, các nước và các đối tác quốc tế đều bày tỏ ghi nhận đối với những thành tựu Việt Nam đã đạt được.
Những cá nhân tham gia buổi điều trần đã tuyệt đối hóa các giá trị phổ quát về quyền con người theo mô hình của phương Tây, rồi cố tình tảng lờ một số quyền con người sẽ bị hạn chế đã được ghi trong Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị. Theo cách nói của họ, Nhà nước Việt Nam đã vi phạm quyền con người ở Điều 18 (Về quyền tự do tư tưởng, tín ngưỡng, tôn giáo), Điều 19 (Về quyền tự do ngôn luận, báo chí), Điều 21, 22 (Về quyền hội họp hòa bình, quyền lập hội…) trong Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị mà Việt Nam đã ký kết. Tuy nhiên, họ không hề đề cập đến việc thực hiện những quyền nêu trên đều có thể bị hạn chế (trong pháp luật quốc gia) là vì “an ninh quốc gia, an toàn và trật tự công cộng, để bảo vệ sức khỏe hoặc đạo đức của công chúng, hoặc các quyền và tự do của người khác”.
Những cá nhân và tổ chức được viện dẫn ra để minh chứng cho cái gọi là “vi phạm nhân quyền ở Việt Nam” như Hội Anh em dân chủ, Phạm Văn Trội, Nguyễn Bắc Truyển, Nguyễn Trung Tôn, Trương Minh Đức… thực chất là những cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm pháp luật Việt Nam. Hành vi phạm tội của các đối tượng nêu trên là rất rõ ràng. Lợi dụng một số sự cố, các phần tử bất mãn, đối tượng cực đoan, phản động trong nước đã móc nối với các tổ chức, cá nhân phản động ở ngoài nước để chống Nhà nước Việt Nam. Bằng chiêu trò lập ra các blog, các trang mạng xã hội, chúng đã tán phát nhiều thông tin, hình ảnh giả tạo, sai lệch, bịa đặt, đổi trắng thay đen, thật giả lẫn lộn để kích động, gây rối, lôi kéo người dân nhẹ dạ tham gia vào những hoạt động trái pháp luật; hướng lái dư luận theo quan điểm sai trái, thù địch…
Hành vi của các đối tượng là biểu hiện của chủ nghĩa tự do cực đoan, của tình trạng tự do vô chính phủ gây mất an ninh trật tự, ảnh hưởng đến lợi ích của quốc gia, dân tộc. Hành vi ấy không chỉ vi phạm pháp luật Việt Nam mà còn trái với Điều 29 của Tuyên ngôn quốc tế về Nhân quyền và Điều 19 của Công ước quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị. Việc các cơ quan bảo vệ pháp luật Việt Nam bắt giữ, điều tra để xử lý các đối tượng trên về tội “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” theo Điều 88 và tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo Điều 79 Bộ luật Hình sự là hoàn toàn đúng người, đúng tội, đúng luật pháp Việt Nam và phù hợp với các công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Do đó, những nội dung được nêu trong buổi điều trần về nhân quyền do Tiểu ban nhân quyền Quốc hội Úc tổ chức tại Canberra hôm 7/12 là vô lý và không thể chấp nhận được./.