Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nói rất rõ với người đồng cấp Mỹ Joe Biden rằng ông không muốn bất kỳ lực lượng nào của Lầu Năm Góc hiện diện tại các quốc gia Trung Á.
NƯỚC NGA KHÔNG MUỐN CÓ SỰ HIỆN DIỆN CỦA MỸ
Tờ Wall Street Journal vừa tiết lộ một thông tin chấn động: Trong cuộc gặp thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo hồi tháng 6/2021, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nói với Tổng thống Joe Biden rằng ông phản đối bất kỳ kế hoạch nào của Mỹ nhằm thiết lập các căn cứ quân sự gần Afghanistan.
Các quan chức cấp cao của cả Nga và Mỹ được Wall Street Journal dẫn lời cho biết, Tổng thống Putin đã nói rõ với người đồng cấp Joe Biden rằng ông không muốn bất kỳ lực lượng nào của Mỹ hiện diện tại các quốc gia Trung Á.
Điều này cho thấy nhà lãnh đạo Nga muốn giữ quyền kiểm soát khu vực hơn là hợp tác với ông Biden về các vấn đề liên quan tới Afghanistan.
Chính quyền Tổng thống Biden được cho là đang tìm cách triển khai máy bay không người lái và lực lượng chống khủng bố ở các quốc gia xung quanh Afghanistan nhưng đã vấp phải sự phản đối quyết liệt của Nga.
“Nước Nga không mong muốn Mỹ quay trở lại đó”, Paul Goble – cựu chuyên gia Bộ Ngoại giao Mỹ phụ trách khu vực Á – Âu nói với Wall Street Journal.
Nếu không được phép tiếp cận lãnh thổ các quốc gia Trung Á, chẳng hạn như Uzbekistan, Kyrgyzstan hoặc Tajikistan, Mỹ sẽ phải dựa vào các căn cứ ở Qatar hay những quốc gia Ả Rập vùng Vịnh khác và thậm chí là cả tàu sân bay ở Ấn Độ Dương để điều máy bay đến Afghanistan.
Một cựu quan chức quân sự cấp cao của Mỹ cho biết, quãng đường từ các quốc gia vùng Vịnh là quá dài khi một máy bay không người lái có thể phải mất tới 60% chỉ để di chuyển từ căn cứ của Mỹ ở Al Udeid, Qatar đến Afghanistan. Điều này sẽ tác động rất lớn đến thời gian tiến hành hoạt động trinh sát hoặc thực hiện các cuộc không kích.
Tuy nhiên, ông Putin đã nói với người đồng cấp Biden tại cuộc họp của họ ở Geneva hồi tháng 6/2021 rằng Moscow phản đối bất kỳ vai trò quân sự nào của Mỹ ở khu vực Trung Á, đồng thời khẳng định Trung Quốc cũng sẽ bác bỏ điều đó.
“Chúng tôi không thấy bất kỳ hình thức hiện diện quân sự nào của Mỹ ở Trung Á lại có thể tăng cường an ninh cho các nước trực tiếp liên quan hoặc các nước láng giềng của họ. Đó chắc chắn sẽ không phải lợi ích của Nga”, tờ Wall Street Journal dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho biết.
“Quan điểm này của chúng tôi vẫn không thay đổi trước những gì đang xảy ra ở Afghanistan mấy ngày gần đây”.
NGA: CHÚNG TÔI TỰ LO ĐƯỢC CHO MÌNH
Một số cựu quan chức Mỹ nói rằng, ngay cả việc duy trì khả năng tiếp tục thực hiện các chuyến bay từ vùng Vịnh cũng không phải là không tiềm ẩn những phức tạp ngoại giao khi Taliban đang kiểm soát Afghanistan.
Trước đây, Mỹ đã từng sử dụng các căn cứ ở Uzbekistan và Kyrgyzstan trong giai đoạn đầu triển khai chiến dịch quân sự ở Afghanistan. Tuy nhiên, Lầu Năm Góc đã rời khỏi Uzbekistan vào năm 2005 và Kyrgyzstan gần một thập kỷ sau đó khi Nga và Trung Quốc tăng cường gây sức ép với các nước trong khu vực phải cắt giảm hợp tác quân sự với Washington.
Do nằm gần Afghanistan, Trung Á được Quân đội Mỹ coi là địa bàn trung tâm để tiến hành các hoạt động trinh sát hoặc tấn công bằng máy bay không người lái nhằm vào các nhóm khủng bố ở nước này.
Bên cạnh những thách thức về nhân đạo và ngoại giao đối với Washington, cuộc tấn công của Taliban đã khiến những người tị nạn Afghanistan, thậm chí cả máy bay chiến đấu và trực thăng quân sự Afghanistan phải tìm nơi ẩn náu ở các quốc gia Trung Á.
Tháng 7, Chánh văn phòng Nhà Trắng Elizabeth Sherwood-Randall đã dẫn đầu một phái đoàn của Mỹ đến tham dự một hội nghị quốc tế ở Tashkent, Uzbekistan để thảo luận về khả năng hợp tác chống khủng bố và các vấn đề chính sách đối ngoại khác.
Cùng tháng đó, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin đã có cuộc gặp tại Washington với Ngoại trưởng Uzbekistan Abdulaziz Kamilov và Ngoại trưởng Tajikistan Sirojiddin Muhriddin.
Những hỗn loạn ở Afghanistan càng gia tăng áp thêm áp lực thúc buộc Mỹ phải đẩy mạnh hợp tác với các quốc gia Trung Á.
Tháng 6/2021, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Mark Milley từng phát biểu trước Quốc hội nước này rằng các nhóm khủng bố đang có nguy tái lập ở Afghanistan trong khoảng hai năm. Đến Chủ Nhật cuối tuần qua, tướng Milley phải tuyên bố trong một cuộc họp trực tuyến với các thượng nghị sĩ rằng lịch trình này có thể còn ngắn hơn.
Tuy nhiên, Moscow đã tăng cường nỗ lực ngoại giao của mình trong các bình luận công khai và trong cả những thông điệp riêng gửi tới các quan chức Trung Á. Mục tiêu của họ là ngăn chặn Mỹ tiếp tục duy trì hiện diện quân sự trong khu vực.
Trong những tuần gần đây, Nga đã tổ chức một loạt cuộc tập trận chung với Quân đội Tajikistan, nơi Moscow đang đóng căn cứ quân sự và cả với Uzbekistan, nhằm khẳng định cam kết giúp khu vực giải quyết mọi mối đe dọa an ninh từ Afghanistan.
Các cuộc tập trận này có sự tham gia của 2.500 binh sĩ từ ba quốc gia và khoảng 500 phương tiện quân sự, được tổ chức gần biên giới Afghanistan, trong đó máy bay chiến đấu Không quân Nga cũng tấn công mô phỏng nhiều trại lính phiến quân.
“Nếu lập luận của Mỹ là sự hiện diện quân sự của họ có thể giúp tăng cường đảm bảo an ninh ở khu vực Trung Á thì phản ứng đương nhiên của Moscow sẽ là: chúng tôi tự lo được cho mình như những gì chúng tôi đã làm bấy lâu nay”, Andrey Kortunov, Tổng Giám đốc Hội đồng các Vấn đề về Nga, một tổ chức tư vấn chính sách ở Moscow bình luận.
Anh Tú
Theo: Cánh cò