Khi người Afghanistan tuyệt vọng bám vào máy bay Mỹ rời Kabul và ông Biden nói không hối hận về quyết định rút quân, Moscow chỉ đơn giản là tận hưởng chiến thắng.
Ván cờ nước đôi của Nga
Theo chuyên gia Anna Borshchevskaya từ Viện Chính sách Cận Đông, quyết định rút quân khỏi Afghanistan của Tổng thống Joe Biden là một sai lầm nghiêm trọng về chiến lược và sẽ là vết đen trong di sản chính trị.
Điều này cũng sẽ làm phức tạp thêm kế hoạch tập trung vào cạnh tranh quyền lực lớn với Trung Quốc và Nga của nhà lãnh đạo Mỹ.
Ở hướng ngược lại, chắc chắn, sự rút lui của Mỹ đặt ra những thách thức đối với Nga, nhưng đây cũng là cơ hội cho Tổng thống Vladimir Putin.
Ngoài việc chống lại chủ nghĩa khủng bố, Nga từ lâu muốn tìm cách làm suy yếu cấu trúc an ninh tự do thời hậu Thế chiến II do Mỹ lãnh đạo để hướng tới tầm nhìn về một thế giới đa cực.
Việc Mỹ rút khỏi Afghanistan làm suy yếu tầm nhìn này đối với Tổng thống Putin và để lại khoảng trống mà ông không có lựa chọn nào khác ngoài lấp đầy.
Nước Nga ngày nay có thể có nhiều vấn đề, nhưng mọi thứ đã khác xa so với ngày Liên Xô rút khỏi Afghanistan vào năm 1989, để rồi sau đó sụp đổ và yếu thế trong Chiến tranh Lạnh ngay sau đó. Ông Putin – người mang nước Nga trở lại – luôn muốn trở về thời kỳ hoàng kim.
Mặc dù sự sụp đổ của Liên Xô được coi là bi kịch đối với ông Putin vì nó đồng nghĩa với việc đất nước đánh mất quyền lực và địa vị, nhưng ông cũng rút ra một số bài học quan trọng.
Không giống như những người tiền nhiệm ở Liên Xô, Tổng thống Putin tập trung vào chủ nghĩa thực dụng thay vì ý thức hệ để theo đuổi mục tiêu của mình.
Kể từ khi nắm quyền hơn 20 năm trước, ông liên tục xây dựng mối quan hệ với tất cả các thế lực ở Trung Đông, bao gồm cả các chính phủ và các phong trào đối lập lớn.
Ông đã áp dụng một khuôn mẫu tương tự cho Afghanistan, nơi Moscow trong nhiều năm đã chơi một ván cờ nước đôi.
Đúng là Tổng thống Putin đã ủng hộ cuộc xâm lược Afghanistan do Mỹ lãnh đạo ở thời điểm ban đầu, nhưng sự ủng hộ của ông là có điều kiện. Vì vậy, vào năm 2009, Moscow đã gây áp lực buộc Kyrgyzstan đóng cửa căn cứ không quân Manas mà nước này đang cho Mỹ thuê.
Sự hiện diện của Mỹ ở Trung Á khiến Moscow lo lắng tương tự như mối đe dọa từ Taliban; Tổng thống Putin không muốn có các căn cứ của Mỹ ở khu vực này, nơi vốn được coi là điểm yếu trong lịch sử.
Trong những năm qua, Moscow đã nỗ lực xây dựng ảnh hưởng ở Afghanistan không đơn giản chỉ vì bảo đảm an ninh mà còn với mục đích làm suy yếu phương Tây và NATO.
Ít nhất là vào cuối năm 2007, Moscow đã mở một đường dây liên lạc với Taliban và có kết nối với Taliban về mặt ngoại giao – chính điều này đã giúp phong trào có tính hợp pháp cao hơn – dù vẫn bị coi là khủng bố ở Nga.
Thời tới… cản không kịp
Lập trường hiện tại của Moscow đối với Afghanistan vẫn còn phức tạp nhưng sau cùng vẫn là nêu bật các ưu tiên chống Mỹ. Thái độ này phản ánh một lịch sử lâu dài của Nga khi vừa muốn có sự trợ giúp của phương Tây nhưng đồng thời cũng chống lại vị thế thống trị của phương Tây.
Vào cuối tháng 10/2020, ông Putin nói: “Cho đến nay, tôi tin rằng sự hiện diện của người Mỹ ở Afghanistan không mâu thuẫn với lợi ích quốc gia của chúng tôi”, đồng thời nhấn mạnh việc Mỹ rút quân gây ra nhiều rủi ro cho Nga.
Nhưng tháng trước, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã mô tả Taliban là “ôn hòa” – khi phong trào này tuyên bố không có kế hoạch tạo ra các vấn đề ở Trung Á và sẽ” không khoan nhượng” trong việc chống lại IS.
Ngoại trưởng Lavrov cũng gợi ý rằng sự hiện diện mới của Mỹ ở Trung Á bên ngoài Afghanistan sẽ khiến các đồng minh của Nga trở thành “con tin chính trị của Mỹ”.
Trên thực tế, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov đã cảnh báo Mỹ về việc triển khai quân đội đến Trung Á sau khi rút khỏi Afghanistan. Về phần mình, Tổng thống Putin vẫn chưa lên tiếng công khai kể từ khi ông Biden tuyên bố Mỹ rút quân.
Thay vào đó, ông đã gặp gỡ các nhà lãnh đạo Trung Á và và tổ chức các cuộc tập trận quân sự ở biên giới Afghanistan.
“Ngoài việc thưởng thức thất bại của Mỹ, ông Putin sẽ tập trung vào việc đảm bảo bất cứ điều gì xảy ra không ảnh hưởng đến lợi ích của Điện Kremlin – và hình ảnh chính trị của ông vẫn ổn định”, Davood Moradian, sáng lập Viện Nghiên cứu Chiến lược Afghanistan (AISS) nói.
Đặc phái viên Nga tại Afghanistan Zamir Kabulov tháng trước nhấn mạnh rằng, nhờ cuộc đối thoại kéo dài nhiều năm giữa Nga với Taliban, Moscow hiện có thể “nói chuyện với bất kỳ lực lượng nào ở Afghanistan” không giống như “những người phương Tây thất bại”.
Do đó, Điện Kremlin có thể sẽ đặt trọng tâm mới vào ngoại giao và dự phóng sức mạnh quân sự trong khu vực.
Mặc dù nhiều nhà phân tích từng cho rằng Nga sẽ mắc kẹt trong vũng lầy ở Syria khi can thiệp quân sự vào tháng 9/2015, nhưng cho đến nay ông Putin vẫn tỏ ra cẩn thận để tránh những sai lầm ở Afghanistan của Liên Xô.
Chắc chắn, Afghanistan không phải là Syria, nhưng Moscow giờ đây đang có vị thế tốt hơn để đóng vai kiến tạo hòa bình.
Khi những người Afghanistan tuyệt vọng bám vào máy bay Mỹ rời Kabul trong khi ông Biden nói không hối hận về quyết định rút quân của mình, Moscow chỉ đơn giản là trỗi dậy thuận theo tự nhiên.
Mạnh Kiên
Theo: Cánh cò